Nhiều bất cập trong kê biên, định giá, đấu giá tài sản thi hành án dân sự
Trong hoạt động thi hành án dân sự, việc kê biên, định giá, đấu giá, xử lý tài sản kê biên là một công việc rất quan trọng nhằm bảo đảm việc thi hành nghĩa vụ trả tiền của bị cáo trong vụ án hình sự và của đương sự trong vụ án kinh tế, dân sự. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, việc đấu giá, xử lý tài sản kê biên để thi hành bản án, quyết định của tòa án còn nhiều bất cập, gây thiệt hại cho các đương sự, dẫn đến khiếu kiện.
Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thi hành lệnh bắt bị can, tạm giam đối với bà Trần Thị Hoa (thứ 4 từ trái sang), chấp hành viên thuộc Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Yên Bái. (Ảnh Văn Thành) |
Ngày 14/9/2023, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã thi hành lệnh bắt bị can, tạm giam 4 tháng đối với Trần Thị Hoa, chấp hành viên thuộc Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái, để điều tra về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3 Điều 360 Bộ luật Hình sự, đồng thời, tiến hành khám xét phòng làm việc và chỗ ở của Trần Thị Hoa.
Trước đó, tháng 5/2023, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhận được đơn của Công ty TNHH Trường Minh tố cáo bà Trần Thị Hoa, chấp hành viên của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Yên Bái đã “cố tình thực hiện thi hành án sai bản án, vi phạm pháp luật nghiêm trọng” và có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ngày 15/6/2023, Thanh tra Bộ Tư pháp đã ban hành Kết luận thanh tra đột xuất số 37/KL-TTR trong đó chỉ rõ những sai phạm của Chấp hành viên Trần Thị Hoa trong việc xác minh, cưỡng chế kê biên, bán đấu giá, cưỡng chế bàn giao tài sản, sai phạm của tổ chức bán đấu giá tài sản và chuyển toàn bộ hồ sơ cho Cơ quan Điều tra xác minh, làm rõ.
Tháng 8/2023, bà Nguyễn Thị H. ở quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, có đơn gửi đến các cơ quan chức năng phản ánh về việc chấp hành viên thuộc Chi cục Thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm thi hành án trái quy định.
Theo đó, chấp hành viên đã ban hành Quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 02/QĐ-CCTHADS ngày 22/2/2022 trái quy định; định giá tài sản kê biên thấp hơn giá thị trường; thực hiện các thủ tục bán đấu giá tài sản kê biên không đúng, dẫn đến không thực hiện được quyền chuộc lại tài sản của đương sự… Về việc này, Tổng cục Thi hành án dân sự đã có văn bản yêu cầu Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội xem xét nội dung vụ việc, chỉ đạo Chi cục Thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm xem xét, giải quyết theo quy định.
Thi hành án dân sự là hoạt động đưa các bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật ra thi hành trên thực tế. Với vai trò quan trọng như vậy, hoạt động thi hành án sẽ tác động trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của công dân. Do vậy, công tác thi hành án dân sự nhằm bảo đảm thực thi pháp luật chính xác, công bằng, đúng pháp luật. |
Trong đó, định giá tài sản có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình giải quyết việc thi hành án dân sự; là một khâu trong quy trình cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản để thi hành án. Việc định giá tài sản này nhằm xác định giá khởi điểm để bán đấu giá, thi hành nghĩa vụ trả tiền của người phải thi hành án. Bên cạnh đó, đấu giá tài sản để thi hành án dân sự là một trong các biện pháp xử lý tài sản đã được chấp hành viên cơ quan thi hành án tổ chức kê biên.
Hoạt động đấu giá tài sản để thi hành án giữ vai trò nhất định trong việc đánh giá hiệu quả của biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản của chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự. Cũng như các tài sản khác, tài sản để thi hành án được đưa ra đấu giá phải thông qua hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản được ký kết giữa chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự với tổ chức đấu giá. Trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự thì chủ sở hữu tài sản được hiểu là chấp hành viên (là người được phân công tổ chức thi hành vụ việc thực hiện).
Vì vậy, về nguyên tắc, chấp hành viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong hoạt động lựa chọn, ký kết và thực hiện hợp đồng đấu giá tài sản thi hành án dân sự có liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản.
Trên thực tế, bán đấu giá tài sản hiện còn rất nhiều vướng mắc, bất cập từ trong chính quy định pháp luật cũng như trong việc áp dụng, vận dụng pháp luật thực tiễn. |
Thời gian vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phát hiện, xử lý một số vi phạm của chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự. Trong đó, nhiều vi phạm nghiêm trọng, kéo dài, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và những người liên quan trong quá trình tổ chức thi hành án đã được kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định.
Theo Vụ 11-Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, những dạng vi phạm phổ biến của chấp hành viên trong việc tổ chức thi hành án: Không kịp thời xác minh hoặc không xác minh điều kiện thi hành án; không tiến hành xác minh cụ thể tài sản, thu nhập, các điều kiện khác của người phải thi hành án; không tiến hành xác minh tại cơ quan có chức năng đăng ký tài sản đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng; không xác minh rõ chủ sở hữu tài sản trước khi kê biên, xử lý tài sản để thi hành án là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; không yêu cầu người đang quản lý giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản nộp cho cơ quan thi hành án dân sự khi kê biên, xử lý tài sản, dẫn đến có trường hợp ngân hàng vẫn giải chấp, trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho đương sự; không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người liên quan; cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản thi hành án không đúng, vượt quá tài sản được tuyên trong bản án; chậm hoặc không lập biên bản ghi nhận ý kiến của đương sự về việc thỏa thuận về giá hoặc tổ chức thẩm định giá; chậm ký hợp đồng thẩm định giá, hợp đồng bán đấu giá (cá biệt có vụ việc kéo dài nhiều năm)…; không lưu trữ hoặc lưu trữ không đầy đủ tài liệu về bán đấu giá tài sản thi hành án; trong hồ sơ thi hành án hầu như không có hóa đơn, chứng từ chi phí thực tế, hợp pháp, hợp lệ của tổ chức đấu giá trong việc bán đấu giá tài sản thi hành án.
Theo Điều 21, Luật Thi hành án dân sự năm 2022 quy định về những việc chấp hành viên không được làm, gồm: Tư vấn cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan dẫn đến việc thi hành án trái pháp luật; can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ việc thi hành án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm thi hành án…
Điều 165 luật này quy định: Chấp hành viên không thi hành đúng bản án, quyết định, trì hoãn việc thi hành án, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án trái pháp luật; vi phạm quy chế đạo đức của chấp hành viên thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Đặng Anh Đức, Giám đốc Công ty luật TNHH Đặng và Cộng sự cho biết: Thi hành án là hoạt động có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm hiện thực hóa các quyết định, bản án có hiệu lực của Tòa án vào cuộc sống hiện thực, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức,… duy trì kỷ cương phép nước.
Bản án, quyết định của tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành” (Điều 106 Hiến pháp năm 2013). |
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy hoạt động thi hành án tồn tại rất nhiều bất cập, nhất là trong việc kê biên, đấu giá tài sản thi hành án. Xuất hiện việc lạm quyền của chấp hành viên, của tổ chức thẩm định giá, thao túng, thông đồng, hạ giá tài sản bán đấu giá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của người thi hành án, người phải thi hành án và gây thất thoát tài sản của Nhà nước.
Nguyên nhân xảy ra tình trạng nêu trên, xuất phát từ những quy định pháp luật về thi hành án còn hạn chế, có lỗ hổng như “trao quyền” cho tổ chức thẩm định giá, cho chấp hành viên quá lớn. Tổ chức thẩm định giá “hoạt động theo nguyên tắc độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và chỉ chịu trách nhiệm trước khách hàng về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá” (Điều 29 và Điều 42 Luật Giá 2012), nhưng lại không có quy định chi tiết việc hậu kiểm kết quả thẩm định, định giá tài sản; giám sát, kiểm tra quy trình thực hiện của thẩm định viên.
Điều 104, Luật Thi hành án dân sự quy định về quyền ra quyết định giảm giá bán tài sản đấu giá của chấp hành viên nhưng lại không có quy định hạn chế về số lần giảm giá bán của chấp hành viên, việc này có thể dẫn tới tình trạng sau nhiều lần tài sản bị mang ra đấu giá, giá trị thu được từ việc bán đấu giá tài sản rất thấp, thậm chí không đủ để thi hành án.
Để tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ hơn về trình tự, thủ tục thi hành án và khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập trong công tác thi hành án dân sự cũng như hạn chế sai phạm trong việc đấu giá, xử lý tài sản kê biên để thi hành bản án, cần xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến kiểm tra, giám sát các tổ chức bán đấu giá từ khi ký hợp đồng dịch vụ đấu giá đến khi kết thúc phiên đấu giá; quy định về xử lý tài sản không có người tham gia đấu giá, bán đấu giá không thành,…
Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thẩm định giá và xử lý nghiêm minh, công khai những sai phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan. Trên cơ sở đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật về thi hành án dân sự.
Nguồn:https://nhandan.vn/nhieu-bat-cap-trong-ke-bien-dinh-gia-dau-gia-tai-san-thi-hanh-an-dan-su-post775808.html
Ý kiến ()