Nhiều bất cập trong công tác dạy nghề ở nông thôn Gia Lai
Công tác đào tạo nghề ở nông thôn của Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Gia Lai đang ngày càng thu hẹp do có nhiều bất cập trong tổ chức và triển khai thực hiện. Năm 2012, Trung tâm mới đăng ký chỉ tiêu đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê, kỹ thuật khai thác mủ cao su cho 350 học viên là nông dân. Học viên chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, được hưởng chế độ 15.000 đồng tiền ăn mỗi ngày và các loại dụng cụ học tập.
Hiện nay, Trung tâm đã mở được 2 lớp sửa chữa máy nông nghiệp tại huyện Đăk Đoa với 44 học viên, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê với 44 học viên tại xã Ia Pech, huyện Đăk Đoa. 2 lớp học cạo mủ cao su sẽ được mở tại huyện Ia Grai trong tháng 7 tới. Những năm trước đây, số học viên theo học các nghề này lên tới cả ngàn người, nhất là trong những năm 2004 – 2006 lên đến 1.600 – 1.700 học viên nhưng nay đã giảm xuống còn khoảng 1/3.
Những vấn đề còn bất cập của Trung tâm đã “lộ rõ” trong vài năm gần đây, song chưa có cách khắc phục. Trung tâm thiếu giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy. Trung tâm không được giao biên chế tuyển dụng giáo viên như các cơ sở đào tạo khác trong tỉnh mà chỉ hợp đồng theo dạng “thời vụ”, kinh phí trả cho giáo viên lại quá thấp. Cụ thể, thời gian một khoá học là 2 tháng, mỗi ngày chỉ học 1 buổi, 1 tiết dạy, giáo viên được trả 30.000 đồng theo chế độ hiện hành. Trong khi đó địa bàn dạy lại ở khá xa, thường đến vài ba chục cây số. Từ thực tế này, những năm qua đã có không ít giáo viên chủ động cắt đứt hợp đồng giữa chừng, gây khó khăn cho Trung tâm trong thực hiện chương trình giảng dạy.
Bên cạnh đó, việc phân bổ nguồn vốn cho công tác đào tạo nghề ở nông thôn của Trung tâm còn rất chậm, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý và mở lớp. Cụ thể trong năm 2012, kinh phí cấp để đào tạo cho 350 học viên là 250 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa có thông báo cấp vốn. Trung tâm phải “mượn” tạm các nguồn khác để chủ động mở lớp học.
Ông Lê Hạnh – Giám đốc Trung tâm cho biết: Trung tâm còn chỉ tiêu đến hơn 200 học viên chưa được mở lớp đào tạo. Trung tâm đã kiến nghị có 2 vấn đề nhằm ổn định lâu dài và bền vững cho công tác đào tạo nghề của Trung tâm, đó là tăng mức chi trả chế độ cho giáo viên hợp đồng giảng dạy phù hợp với nhu cầu thực tế của cuộc sống và sớm cấp vốn để đơn vị chủ động triển khai mở lớp đào tạo.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()