Nhiều bất cập trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đi vào cuộc sống đã đáp ứng được những mục tiêu cơ bản của chính sách, đối tượng tham gia và thụ hưởng ngày càng đông. Tuy nhiên, sau ba năm thực hiện, từ chính sách đến cơ chế vận hành đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc về đối tượng tham gia, quy trình đóng và hưởng chế độ bảo hiểm, việc giải quyết chính sách chưa sát thực tế...Cùng với việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, thì việc tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề được coi là một nhiệm vụ quan trọng của chính sách BHTN, giúp người lao động nhanh chóng tái hòa nhập lại thị trường lao động. Tuy nhiên, thực tế tại các địa phương cho thấy sau ba năm thực hiện, người lao động khi thất nghiệp mới chỉ quan tâm đến việc nhận được bao nhiêu tiền trợ cấp, chứ chưa thật sự quan tâm đến cái gốc của chính sách là hỗ trợ học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm mới, cho nên hiệu quả của công tác này quá thấp.Thống kê tại TP Hồ Chí Minh, địa phương...
Cùng với việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, thì việc tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề được coi là một nhiệm vụ quan trọng của chính sách BHTN, giúp người lao động nhanh chóng tái hòa nhập lại thị trường lao động. Tuy nhiên, thực tế tại các địa phương cho thấy sau ba năm thực hiện, người lao động khi thất nghiệp mới chỉ quan tâm đến việc nhận được bao nhiêu tiền trợ cấp, chứ chưa thật sự quan tâm đến cái gốc của chính sách là hỗ trợ học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm mới, cho nên hiệu quả của công tác này quá thấp.
Thống kê tại TP Hồ Chí Minh, địa phương có số lao động đăng ký thất nghiệp nhiều nhất cả nước cho thấy, năm 2011, có 89.950 lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng chỉ có… 32 người đề nghị được học nghề và 334 người được tư vấn, giới thiệu việc làm. Tại Bình Dương, tỉnh có số người đăng ký thất nghiệp chiếm hơn 20% số người đăng ký thất nghiệp cả nước, từ tháng 1-2010 đến tháng 4-2012 có 95.875 người được hưởng chế độ thất nghiệp, chỉ có 11 người được hỗ trợ học nghề. Số tiền hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp là 12,6 triệu đồng, một con số quá nhỏ so với 339 tỷ đồng cho việc chi trả trợ cấp thất nghiệp của địa phương. Tại Đà Nẵng, sau ba năm thực hiện chỉ có bốn trường hợp đăng ký học nghề… Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, kinh phí chi trả cho chính sách BHTN chủ yếu là chi trả trợ cấp thất nghiệp. Số người học nghề chiếm tỷ lệ rất thấp và chưa hiệu quả. Năm 2010, chỉ có 0,04% số người và 0,04% số tiền được chi cho học nghề, tỷ lệ này sang năm 2011 cũng chỉ nhích lên 0,11% và 0,04%…
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương. Nguyên nhân chủ yếu là, mức hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp theo quy định hiện nay là quá thấp, tối đa 300 nghìn đồng/người/tháng; thời gian hỗ trợ học nghề ngắn; danh mục ngành nghề đào tạo còn đơn giản, không đa dạng cho nên không thu hút được người lao động tham gia… Một nguyên nhân khác được Phó Cục trưởng Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB và XH) Lê Quang Trung lý giải là, hiện nay người thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, trong khi nhu cầu lao động phổ thông ở nước ta rất lớn, cho nên người lao động dễ tìm lại được việc làm sau khi mất việc. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông, dù người lao động có qua đào tạo họ cũng chỉ trả lương theo vị trí công việc của lao động phổ thông. Như, Công ty Canon Việt Nam mỗi năm tuyển hơn mười nghìn lao động, sau khi tuyển lao động được đào tạo một tuần và trả lương như nhau, không phân biệt người đã qua đào tạo hay chưa…
Một trong những hạn chế, bất cập của chính sách BHTN là đối tượng, phạm vi tham gia BHTN vẫn chưa được quy định rõ ràng. Việc xác định đối tượng tham gia BHTN ở đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, phân biệt giữa cán bộ, công chức, viên chức… còn lúng túng do chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Viên chức.
Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) Điều Bá Được cho biết, quy định người làm việc trong các doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHTN là không sát với thực tế. Quy định này vô hình trung tạo sự không công bằng cho doanh nghiệp và người lao động, đồng thời cũng tạo kẽ hở để người sử dụng lao động lách luật. Thực tế, hiện nay quy mô doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, các tổ hợp sản xuất tại các làng nghề, địa phương với số lượng lao động chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Những đối tượng làm việc trong doanh nghiệp nhỏ, hoặc có giao kết dưới 12 tháng không được tham gia BHTN gây thiệt thòi cho họ, trong khi đây là đối tượng có nguy cơ mất việc làm cao hơn. Đồng thời, cũng không ít doanh nghiệp cố tình khai giảm số lao động xuống dưới 10 người để trốn đóng BHTN, gây khó khăn cho công tác thu BHTN và bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Không ít người lao động khi mất việc làm, khi đến đăng ký thất nghiệp mới biết doanh nghiệp nợ đóng BHXH cho nên không được hưởng trợ cấp, gây thiệt hại và khó khăn cho người lao động.
Bên cạnh đó, việc quy định người có thời gian đóng BHTN từ đủ 12 tháng đến 36 tháng đều được hưởng ba tháng trợ cấp thất nghiệp cũng chưa phù hợp, dễ bị lợi dụng, nếu không quản lý tốt sẽ dẫn đến những kẽ hở, ảnh hưởng đến quỹ BHTN… Điều kiện và thủ tục hồ sơ hưởng trợ cấp BHTN hiện cũng không xác định được rõ nguyên nhân nghỉ việc, cho nên vẫn xảy ra tình trạng trường hợp tự ý nghỉ việc, nhảy việc sang đơn vị khác vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp vì trên hồ sơ xét hưởng chỉ căn cứ vào thời hạn kết thúc hợp đồng hoặc quyết định nghỉ việc…
Chính sách BHTN sau ba năm thực hiện đã có 7,9 triệu người tham gia, giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho gần 600 nghìn người, đã khẳng định đây là chỗ dựa cho người lao động khi mất việc làm. Để chính sách phát huy hiệu quả, việc sửa đổi hạn chế, bất cập trong thời gian tới của các cơ quan chức năng phải hướng tới việc bảo đảm cho mọi lao động làm công ăn lương đều được tham gia và hưởng chính sách BHTN. Quy trình, thủ tục giải quyết bảo đảm đơn giản, thuận tiện giúp người lao động dễ tiếp cận, giảm chi phí và thời gian đi lại. Làm rõ trách nhiệm pháp lý đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về BHTN. Có chính sách ưu tiên trong hỗ trợ, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm mới cho người lao động để họ sớm trở lại thị trường lao động.
Theo Nhandan
Ý kiến ()