Thứ 4, 27/11/2024 18:39 [(GMT +7)]
Nhiệt điện Na Dương: Nguồn sáng công nghiệp hóa
Thứ 3, 14/02/2012 | 09:54:00 [(GMT +7)] A A
Từ một vùng khó khăn của huyện Lộc Bình, nay Na Dương đã vươn lên trở thành một khu công nghiệp quan trọng của tỉnh Lạng Sơn. Đi đầu trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến của thế giới, bằng sự năng động, sáng tạo của tập thể cán bộ, công nhân viên, loại than nhiệt lượng thấp ở vùng mỏ Na Dương đã biến thành nguồn sáng hòa vào lưới điện quốc gia tỏa đi khắp mọi miền trên tổ quốc, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương.
LSO-Chính thức đi vào hoạt động năm 1959, với trữ lượng hơn 100 triệu m3, Mỏ than Na Dương đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn huyện Lộc Bình nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung. Quan trọng là vậy, nhưng cũng có thời kỳ Xí nghiệp than Na Dương đứng trước nguy cơ đóng cửa, ảnh hưởng tới việc làm của hơn 1.000 công nhân và lãng phí hàng trăm triệu m3 “vàng đen”.
Phân xưởng tiện của Công ty TNHH Bảo Long – Ảnh: Ngọc Nhung
Trữ lượng lớn, nhưng than Na Dương lại có hàm lượng lưu huỳnh cao và nhiệt lượng thấp, do vậy sản phẩm chỉ dùng để cung cấp cho các nhà máy sản xuất xi măng thời điểm bấy giờ. Những năm 90 của thế kỷ trước, than Na Dương chỉ còn một khách hàng duy nhất là nhà máy xi măng Bỉm Sơn. Nhưng đến năm 1997, nhà máy xi măng Bỉm Sơn có kế hoạch đổi mới công nghệ. Điều ấy đồng nghĩa với việc sản lượng than Na Dương cung cấp cho nhà máy này sẽ sụt giảm, mỏ than đứng trước nguy cơ đóng cửa. Hơn 1.000 công nhân của nhà máy không có việc làm và trên 100 triệu m3 tài nguyên của đất nước có nguy cơ bị lãng phí.
Ông Phạm Xuân Phong, Giám đốc Nhà máy nhiệt điện Na Dương bồi hồi nhớ lại: trước tình hình đó, Tổng công ty than Việt Nam đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư nhà máy nhiệt điện tại Na Dương. Một mặt góp phần bù đắp sự thiếu hụt điện năng giai đoạn 1999-2010, đặc biệt là giải quyết cung cấp điện cho khu vực Lạng Sơn, Cao Bằng và các khu vực lân cận xa nguồn điện; mặt khác phát triển kinh tế miền núi theo chủ trương chỉ đạo của Trung ương. Đồng thời với công nghệ, thiết bị hiện đại nhập từ các nước phát triển hàng đầu thế giới, nhiệt điện Na Dương dự kiến sẽ sử dụng than Na Dương làm nguyên liệu chính để phát điện với mức dự kiến 600 nghìn tấn/năm, đây sẽ là công trình quan trọng tận dụng được tài nguyên, tận dụng được cơ sở vật chất mà nhà nước đã đầu tư vào mỏ than Na Dương; “cứu” Xí nghiệp than Na Dương trước bờ vực đóng cửa và khôi phục việc làm cho hơn 1.000 công nhân.
Với ý nghĩa quan trọng như vậy, ngày 3/12/1998, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Na Dương và đầu tháng 4/2002, công trình đã chính thức khởi công. Sau hơn 3 năm khẩn trương xây dựng, lắp đặt và chạy thử, ngày 3/11/2005, Nhà máy đã chính thức được nghiệm thu và đưa vào vận hành thương mại. Ông Nông Thanh Hải, Bí thư Huyện ủy Lộc Bình khẳng định: Nhà máy nhiệt điện Na Dương và Xí nghiệp than Na Dương là 2 đơn vị lớn của Trung ương đóng trên địa bàn, đã góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương. Lãnh đạo các đơn vị đã quan tâm, ưu tiên sử dụng các lao động trên địa bàn, tạo việc làm ổn định và đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động của Lộc Bình. Trong giai đoạn 2006-2011, Nhà máy nhiệt điện Na Dương đã phát ra trên 4,4 tỷ kWh giờ điện, tạo việc làm cho thêm 352 lao động với thu nhập bình quân trên 5,2 triệu đồng/người/tháng. Năm 2009, Bộ Công thương đã phê duyệt quy hoạch địa điểm xây dựng Nhà máy nhiệt điện Na Dương giai đoạn II, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 180 triệu USD. Cho đến nay, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, dự kiến khởi công trong năm 2012.
Đồng chí Nguyễn Thế Tuy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thăm phòng
điều khiển Trung tâm Nhà máy nhiệt điện Na Dương
Từ một vùng khó khăn của huyện Lộc Bình, nay Na Dương đã vươn lên trở thành một khu công nghiệp quan trọng của tỉnh Lạng Sơn. Đi đầu trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến của thế giới, bằng sự năng động, sáng tạo của tập thể cán bộ, công nhân viên, loại than nhiệt lượng thấp ở vùng mỏ Na Dương đã biến thành nguồn sáng hòa vào lưới điện quốc gia tỏa đi khắp mọi miền trên tổ quốc, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương.
Vũ Như Phong
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()