Nhiệm vụ thiêng liêng
– Căn nhà nhỏ nép mình bên khu vườn đồi quanh năm xanh tốt, nằm ngay cạnh Quốc lộ 1B đoạn qua thị trấn Văn Quan (Lạng Sơn). Người cựu binh có vóc dáng nhỏ bé hằng ngày cần mẫn bên những luống rau, những hàng cây, im lặng, hiền hòa làm bạn với chúng, năm này qua năm khác. Ít ai biết, ông đã từng có nhiều năm trực tiếp phục vụ Tổ Y tế đặc biệt thuộc Đoàn 69, tiền thân của Viện 69 – Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này, thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng: giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sớm Xuân 2016, có một người đàn ông trẻ tuổi gõ cửa nhà ông Nông Văn Hành (nguyên là Trợ lý hành chính Viện 69), ở khu tái định cư N20, Cao Lộc, Lạng Sơn. Anh tự giới thiệu là người quê Văn Quan, mua đất và chuẩn bị làm nhà, anh ngỏ ý muốn mượn khu đất trống của nhà ông Hành để tập kết nguyên vật liệu. Thấy anh thanh niên giới thiệu mình là người Văn Quan, ông Hành liền hỏi “Cháu mày người Văn Quan có biết ai tên là Nông Văn Mòn, sinh năm 1947, người Lương Năng không?”. Người thanh niên nhíu mày rồi lưỡng lự trả lời: “Cháu có ông chú trùng tên, trùng tuổi… Nhưng chú cháu ở Vĩnh Lại ạ…”. Linh cảm thấy một điều tốt đẹp, vào dịp ba mươi tháng Tư năm đó ông Hành tìm tới tận nhà để gặp mặt ông Mòn. Sau khi xác nhận thông tin, đúng người cần tìm, ông Hành thốt lên: “Anh Mòn ơi, em tìm anh mãi. Đơn vị tìm anh mãi…”
Ông Nông Văn Mòn (ngoài cùng, bên phải, hàng thứ nhất) chụp ảnh lưu niệm cùng đồng đội nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Viện 69 (09/9/1969 – 9/9/2019
Ông Hành rút điện thoại, thông tin ngay về Hà Nội. Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Vận, Viện trưởng Viện 69 khẩn thiết mời ông Mòn, ông Hành cùng toàn thể gia đình về thăm đơn vị. Sau đó ít hôm, đúng vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ, hai người cựu binh cùng với vợ, con và các cháu lên chiếc xe mười sáu chỗ, xuôi về Hà Nội. Đón tiếp đoàn tại đơn vị hôm đó, có cả những người đồng sự, cấp trên năm xưa: Đại tá, bác sĩ Lê Điều, Viện trưởng đầu tiên của Viện 69; Đại tá, bác sĩ Nguyễn Văn Châu, nguyên Bí thư Đảng bộ, Phó Viện trưởng Viện 69. Nắm chặt đôi bàn tay của người lính già, người cán bộ thế hệ đầu tiên của Viện, Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Vận, Viện trưởng Viện 69 ngậm ngùi: “Không thể nào liên lạc được với bác, chúng cháu nghĩ, hay là bác đã không qua khỏi mũi tên, hòn đạn của kẻ thù năm bảy chín…”. Ôm lấy đôi vai gầy của người lính năm xưa, bác sĩ Điều nghẹn ngào: “Anh vẫn nhớ, khi đó đơn vị đóng quân ở Sơn Tây. Anh nói muốn cơi thêm một gian của căn nhà tập thể lúc đó ở Viện quân y 108, Mòn đã bí mật tranh thủ ngày nghỉ lên đồi cắt cỏ tranh về phơi khô rồi chặt cây, gắp cho anh hơn mười gắp tranh, gửi xe ô tô đơn vị về Hà Nội cho anh lợp nhà. Người miền rừng chịu khó, khéo léo, gắp tranh chắc nịch, đều tăm tắp, anh nhớ lắm!…”. Rồi ông gạt nước mắt, giục: “Mòn, Hành lên thắp hương cho Bác đi! Rồi tất cả chúng ta vào Lăng viếng Bác…”. Tròn bốn mươi năm mới lại được bên Người, đôi mắt người cựu binh lã chã lệ rơi.
Nông Văn Mòn sinh ra và lớn lên ở bản Nà Lộc thuộc xã Vĩnh Lại, nay là thị trấn Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Mười chín tuổi, ông xung phong đi bộ đội. Từ năm 1966 đến năm 1969, ông là chiến sĩ Tiểu đoàn 114, Đại đội 1, thuộc lực lượng cảnh vệ bảo vệ Thành Thăng Long. Mùa Đông năm 1969, ông được đơn vị cho về nghỉ phép bảy ngày, với lời dặn hết phép quay lại đơn vị nhận nhiệm vụ mới. Ông nhớ hôm đó là ngày 28 tháng Chạp, trong khi tàu xe xuôi ngược đưa đón những người đi làm ăn xa quê trở về nhà ăn Tết thì ông khăn gói lên đường trở về đơn vị. Qua ô cửa sổ con tàu, thi thoảng lại bừng lên sắc hoa đào nở rộ báo xuân sang. Tháng Giêng năm 1970, Lăng Văn Mòn mới chính thức biết được nhiệm vụ mới của mình, đó là thực hiện công tác hậu cần phục vụ Tổ Y tế đặc biệt thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài của Bác. Nhiệm vụ trực tiếp của anh là vận hành các loại máy móc kết hợp cả thủ công, giặt, sấy, hấp, khử trùng, xếp, gấp trang phục của Bác Hồ, và một số vật liệu y tế phục vụ việc làm thuốc, sẵn sàng mọi điều kiện theo yêu cầu của Tổ Y tế đặc biệt khi có lệnh. Nhiệm vụ đặc biệt, thực hiện trong môi trường đặc biệt và một điều đặc biệt nữa là không được phép có bất cứ một sai sót nào, dù là nhỏ nhất.
Viện 69 là đơn vị có quân số ít nhất thuộc Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh lại thực hiện nhiệm vụ khó khăn nhất. Các bộ phận hình thái học, sinh hóa học, vi sinh vật, môi trường và thực nghiệm thuộc Viện đều hướng tới một nhiệm vụ duy nhất là phải bảo đảm giữ gìn nguyên vẹn dung mạo, thần thái cho Bác phục vụ đồng bào cả nước và khách quốc tế thăm viếng. Theo lời kể của Đại tá, thầy thuốc ưu tú Nguyễn Văn Châu, những năm tháng chiến tranh ác liệt, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho thi hài của Bác đơn vị đã phải tổ chức 6 lần di chuyển thi hài Bác lên K84 và từ K84 trở về Hà Nội theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. K84 là một đồi thông rất thơ mộng và đẹp, là nơi Bộ Chính trị quyết định cải tạo một hệ thống phòng thí nghiệm đặc biệt, sẵn sàng bảo quản giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài của Bác khi chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ lan rộng. Để di chuyển an toàn thi hài Bác trong điều kiện chiến tranh như thế là một việc vô cùng gian khó. Mỗi lần đơn vị thực hiện nhiệm vụ, là một thử thách gian nan. Các chuyên gia Liên Xô yêu cầu thi hài Bác khi di chuyển không được phép bị rung xóc. Vấn đề di chuyển như thế nào để tránh rung xóc? Nếu chuyển bằng máy bay thì độ rung xóc rất lớn. Nếu chuyển bằng đường bộ thì đường từ Hà Nội lên K84 rất xấu, đầy ổ gà. Cuối cùng Bộ Tư lệnh Công binh đã cải tạo chiếc xe Zil 3 cầu, trên xe thiết kế một chiếc hòm lạnh, hai đầu hòm để hai bát nước. Chiếc Zil 3 cầu đã đi thử trên đoạn đường từ Hà Nội lên K84 và ngược lại bắt đầu từ ngày 10 tháng 9 cho đến 23 tháng 12 mới đảm bảo đạt yêu cầu kỹ thuật tuyệt đối. Trong ba tháng vận hành thử, Tổ Y tế đặc biệt, các chuyên gia đều phải nằm thử trong hòm lạnh trên đoạn đường sẽ di chuyển Bác để kiểm tra độ rung xóc. Cuối cùng, đêm 23 tháng 12 năm 1969, chuyến di chuyển đầu tiên được tiến hành thành công tốt đẹp. Chiếc Zil 3 cầu áp sát giữa hai chiếc xe khác, một đi trước, một đi sau lăn bánh. Xe đi đến đâu, lực lượng Bộ đội Công binh phía trước san lấp ổ gà, đảm bảo độ êm nhẹ tuyệt đối cho xe đi qua. Cứ như vậy, trong suốt từ năm 1969 đến năm 1975, đất nước toàn vẹn thống nhất, sáu lần di chuyển để bảo vệ thi hài Bác là sáu lần Tổ Y tế đặc biệt cùng với các lực lượng chức năng đã làm việc hết mình. Cho đến năm 1975, sau khi miền Nam giải phóng, đất nước giành toàn vẹn độc lập, lúc này Bác mới từ K84 về lại Hà Nội. Từ bấy đến nay, người yên nghỉ thanh thản trong giấc ngủ vĩnh hằng tại Quảng trường Ba Đình.
Năm 1975, sau năm năm liên tục phục vụ Tổ y tế đặc biệt, khi biết Nông Văn Mòn đã có đính ước với người con gái thanh niên xung phong ở quê nhà, đơn vị cho anh hai lựa chọn. Một là tiếp tục phục vụ trong quân ngũ, đơn vị sẽ tạo điều kiện tiếp nhận vợ anh vào làm công nhân. Hai là được phục viên về quê. Trước hai lựa chọn đó, anh đã rất phân vân. Nghĩ mình phải rời xa nhiệm vụ thiêng liêng, rời xa những người đồng sự đã gắn bó, lòng không khỏi ngậm ngùi, lưu luyến. Nghĩ đến quê nhà xa xôi, cha mẹ già cần nơi nương tựa, cũng xót xa trong lòng. Cuối cùng Nông Văn Mòn chọn về quê. Người lính Nùng ấy thì thầm thành kính xin phép Bác từ tận đáy lòng, không ngờ tròn bốn mươi năm sau mới được trở lại bên Người.
Nông Văn Mòn về quê cưới vợ, nuôi bốn đứa con trong những năm tháng khó khăn của đất nước sau chiến tranh, rồi lại đến những khó khăn của thời kỳ bao cấp. Hai vợ chồng trở về làm nông dân, cắm mặt vào đất từ sáng đến tối, nuôi các con khôn lớn trưởng thành. Năm 2016, khi đơn vị tìm ra “người cựu binh thất lạc” và mời toàn thể gia đình về thăm đơn vị, những đứa con của ông cũng mới biết về nhiệm vụ thiêng thiêng của bố trong niềm xúc động, tự hào.
Ngày 9 tháng 9 năm 2019, một lần nữa ông Mòn lại được đơn vị mời về Thủ đô, dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Viện 69 và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, rưng rưng tay bắt mặt mừng những người lãnh đạo cấp trên nay tuổi đã cao, những người đồng đội, những thế hệ kế cận của đơn vị. Dù ở bất kỳ giai đoạn nhiệm vụ nào, họ đều là những con người quả cảm, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thiêng liêng mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân giao phó. Được biết, hiện ông Nông Văn Mòn được hưởng chế độ từ chính sách cho đảng viên đã được tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Đưa tôi ra thăm vườn rau bên hông nhà, như một thói quen, ông Mòn lại tranh thủ xới đất cho rau. Người cựu binh ấy thanh thản cúi mặt xuống đất, dưới chân ông từng luống rau xanh mướt, trên đầu ông, bầu trời lồng lộng cao xanh. Và trên trên cao xanh ấy, tôi chắc một điều rằng Bác Hồ đang hồn hậu mỉm cười.
Ý kiến ()