Nhiệm vụ nặng nề của tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ
Từ một người giữ vị trí khá khiêm tốn trở thành nhân vật quan trọng thứ ba trong bộ máy chính quyền Mỹ, tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson sẽ đương đầu với một loạt thách thức đang chờ như thế nào là vấn đề đang được quan tâm.
Theo trang mạng “thehill.com”, ngay cả khi cuộc khủng hoảng lớn nhất trong nội bộ Đảng Cộng hòa đã kết thúc sau khi bầu được Chủ tịch Hạ viện, Hạ viện và Đảng Cộng hòa sẽ phải đối mặt với những thách thức trước mắt về vấn đề chi tiêu chính phủ cũng như viện trợ cho Israel và Ukraine. Đây là những vấn đề khiến chiếc ghế của ông Johnson không hề êm ái và dự báo ông phải bắt đầu một nhiệm kỳ đầy khó khăn. Một trong những thử thách đầu tiên mà ông Johnson phải đối mặt với tư cách Chủ tịch Hạ viện là vai trò lãnh đạo Hội nghị Đảng Cộng hòa và làm việc với Thượng viện để ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa trước thời hạn vào tháng 11.
Hiện trong Đảng Cộng hòa đang tồn tại những chia rẽ về kinh phí hoạt động của chính phủ nhằm tránh nguy cơ phải đóng cửa. Nguy cơ ngân sách chính phủ sẽ cạn kiệt vào ngày 17-11 tới làm sống lại những tranh cãi đã chi phối các cuộc họp của Đảng Cộng hòa suốt một năm qua. Chính người tiền nhiệm của ông Johnson là ông McCarthy bị lật đổ cũng một phần vì quyết định thông qua đề xuất tạm thời để tài trợ cho chính phủ cho đến ngày 17-11 tới và ngăn chặn chính phủ bị đóng cửa. Do đó, việc ông Johnson đưa đề xuất về một biện pháp tạm thời cho năm tới để tránh một dự luật ngân sách tổng hợp không có gì bảo đảm sẽ diễn ra suôn sẻ. Hạ nghị sĩ Cộng hòa Chip Roy nói về một giải pháp tài chính tạm thời: “Liệu nó mang tính chiến thuật hay là trò cá cược?”.
Trong khi đó, vấn đề viện trợ cho Ukraine cũng là một câu hỏi lớn. Nhà Trắng mới đây đã công bố đề xuất tài trợ khẩn cấp trị giá khoảng 100 tỷ USD, phần lớn trong số đó (khoảng 61 tỷ USD) sẽ được dùng để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Cách Hạ viện xử lý yêu cầu ngân sách bổ sung-đặc biệt liên quan đến Ukraine-đặt ông Johnson vào thế khó, khi Hội nghị Đảng Cộng hòa tại Hạ viện ngày càng hoài nghi về việc gửi thêm viện trợ cho Kiev.
Bản thân ông Johnson cũng có những mâu thuẫn trong việc ủng hộ Ukraine. Chính ông đã ủng hộ “Đạo luật cho thuê, cho mượn vũ khí phòng thủ dân chủ dành cho Ukraine” năm 2022. Nhưng cũng chính ông vào tháng trước đã bỏ phiếu phản đối việc gửi 300 triệu USD viện trợ bổ sung cho Ukraine. Ông cũng ủng hộ việc sửa đổi dự luật phân bổ ngân sách quốc phòng được đưa ra hồi tháng trước, trong đó kêu gọi cấm hỗ trợ an ninh cho Ukraine. Nhiều thành viên Đảng Cộng hòa phản đối gói viện trợ 300 triệu USD cho Kiev, một dấu hiệu cho thấy Hội nghị Đảng Cộng hòa tại Hạ viện không mấy mặn mà với viện trợ cho Ukraine. Điều này sẽ là một thách thức không nhỏ đối với vai trò lãnh đạo Hội nghị Đảng Cộng hòa của ông Johnson.
Tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson. Ảnh: Getty Images |
Với vai trò là tân Chủ tịch Hạ viện, ông Johnson sẽ trở thành người gây quỹ chính cho Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2024. Với bảng thành tích bảo thủ và khiêm tốn, ông Johnson, vốn không phải là một cái tên quen thuộc, sẽ đảm nhận trọng trách này như thế nào? Ông Johnson cũng đã cam kết thành lập một ủy ban để kiểm tra nợ quốc gia-việc này có nguy cơ kéo theo các cuộc công kích từ chiến dịch tranh cử của Đảng Dân chủ, nếu ủy ban này đi ngược lại những đề xuất về cải cách các chương trình phúc lợi xã hội như an sinh xã hội và bảo hiểm y tế (medicare).
Đối với các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện, ông Johnson đã ghi điểm phần nào cũng nhờ trung thành với lập trường bảo thủ trong các vấn đề xã hội, trong khi 3 ứng viên được đề cử trước đó dù có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo chính trị và hồ sơ lý lịch đẹp, vẫn phải chịu thất bại.
Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến hoài nghi đối với ông Johnson, cụ thể là một số thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa cho biết họ biết rất ít về tân Chủ tịch Hạ viện. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mike Rounds (bang South Dakota) nói: “Tôi hoàn toàn không biết ông ấy. Thực ra, tôi chỉ nghe thấy tên ông ấy lần đầu tiên trong tuần này”.
Ông Johnson, lần đầu trúng cử vào Hạ viện Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2016, giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu Đảng Cộng hòa (tập hợp cánh hữu của phe Cộng hòa) tại Hạ viện trước khi được bầu làm lãnh đạo cơ quan lập pháp này. Nghị sĩ có phong cách ôn hòa này hầu như ít được chú ý trong suốt 7 năm công tác ở Hạ viện. Vì vậy, việc xuất hiện “lời ra tiếng vào” khi ông lên lãnh đạo cơ quan lập pháp quan trọng hàng đầu như Hạ viện cũng là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, một gương mặt mới mẻ như ông Johnson, được cho là có cách thể hiện tương đối mềm mỏng đối với một số vấn đề xã hội, bất chấp quan điểm bảo thủ của mình, vẫn được trông chờ sẽ mang tới những thay đổi tích cực trong bối cảnh Hạ viện Mỹ vừa trải qua những tuần hỗn loạn.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/nhiem-vu-nang-ne-cua-tan-chu-tich-ha-vien-my-750127
Ý kiến ()