Nhiệm vụ kép, yêu cầu kép trong cải cách thủ tục hành chính
Các bộ, ngành và địa phương không chỉ có nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đối với người dân và doanh nghiệp mà còn phải tập trung cải cách cả quy trình, thủ tục nội bộ của bộ, ngành, địa phương mình.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Không thực hiện cắt giảm TTHC một cách máy móc, mà phải đáp ứng 2 yêu cầu vừa bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp – Ảnh: VGP/Hải Minh
Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác về cải cách TTHC của Thủ tướng, trong cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, diễn ra sáng ngày 8/9.
Việc cải cách quy trình, thủ tục nội bộ sẽ góp phần nâng cao hiệu quả xử lý TTHC đối với người dân và doanh nghiệp, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, Phó Thủ tướng phát biểu.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh không thực hiện cắt giảm TTHC một cách máy móc, mà phải đáp ứng hai yêu cầu vừa bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chú trọng đẩy mạnh phân cấp về TTHC; tăng cường nỗ lực chuyển đổi số để công khai minh bạch quy trình, thủ tục và kết quả giải quyết TTHC.
Đối với những thủ tục chưa thể cắt giảm do quy định của luật, Phó Thủ tướng yêu cầu hạn chót đến ngày 30/9, các bộ, ngành, địa phương phải gửi báo cáo đến Thường trực Tổ công tác để đề xuất phương án với các cơ quan có thẩm quyền.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá những nỗ lực cải cách TTHC trong thời gian qua thực sự đã có những chuyển biến “tích cực”, từng bước tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp – Ảnh: VGP/Hải Minh
Phó Thủ tướng khẳng định Tổ công tác luôn lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, mong muốn đại diện các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng Tổ công tác trong thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC.
Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ – cơ quan thường trực của Tổ công tác – ban hành văn bản nên rõ những nhiệm vụ và thời hạn hoàn thành cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương từ nay đến cuối năm; nhấn mạnh kết quả thực hiện những nhiệm vụ này sẽ là một trong những cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm của từng bộ, ngành, địa phương.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định cải cách TTHC là một trong những giải pháp quan trọng tạo động lực phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp…
Đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 385/1.086 TTHC theo 19 nghị quyết chuyên đề của Chính phủ và hơn 2.300 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; sửa đổi 28 văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phân cấp giải quyết 139/699 TTHC, đạt 20% theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nhiều TTHC phân cấp từ Trung ương về địa phương.
Cuộc họp được tổ chức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước – Ảnh: VGP/Hải Minh
Các bộ ngành, địa phương đã tích cực công bố danh mục TTHC nội bộ để rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa. Việc đổi mới thực hiện, giải quyết TTHC được chú trọng, bước đầu có kết quả, cụ thể: Tỉ lệ hồ sơ giải quyết đúng hoặc sớm hạn của bộ, ngành đạt 40,16%, địa phương đạt 87,31%, theo số liệu thống kê trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tỉ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và cấp kết quả điện tử đạt 25,06% tại bộ, ngành và 37,25% tại địa phương; 61/63 địa phương đã hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử; hơn 4.000 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và hoàn thành tích hợp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá những nỗ lực cải cách TTHC trong thời gian qua thực sự đã có những chuyển biến “tích cực”, từng bước tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp, tạo động lực để các bộ, ngành địa phương tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục để công tác này thực chất, hiệu quả hơn.
Cụ thể, một số lãnh đạo các cấp chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho cải cách hành chính. Việc cắt giảm TTHC, quy định kinh doanh còn mang tính đối phó, có lúc, có nơi chưa thật sự tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cả về chất lượng và tiến độ.
Công tác đánh giá tác động quy định TTHC và tham vấn đối tượng chịu tác động chính sách chưa được chú trọng; việc công bố, công khai quy định TTHC còn chưa nghiêm, một số bộ, địa phương chưa cập nhật kịp thời, đầy đủ, sát với thực tế trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.
TTHC trong nhiều lĩnh vực còn nhiều rào cản; quy trình thực hiện TTHC chưa liên thông giữa các cơ quan Nhà nước; thành phần hồ sơ còn rườm rà, phức tạp, đôi khi còn phát sinh các thủ tục, giấy phép con gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, xử lý hồ sơ TTHC còn chậm ở một số cơ quan.
Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa lấy người dùng làm trung tâm, chưa phát huy việc tái sử dụng thông tin, dữ liệu đã có thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp tại một số bộ, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, nội dung trả lời đôi khi chưa thỏa đáng dẫn đến chưa giải quyết dứt điểm kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và các thành viên Tổ công tác – Ảnh: VGP/Hải Minh
Phó Thủ tướng chỉ rõ việc cải cách TTHC còn chậm do nhiều nguyên nhân như: TTHC được quy định trong các nghị định, thông tư nên khi sửa đổi, cần có thời gian; có nơi, có chỗ không muốn và không ủng hộ sự minh bạch; có nơi ngại khó, ngại thay đổi; hoặc có nơi dành ưu tiên giải quyết những nhiệm vụ khác mà chưa xem trọng nhiệm vụ cải cách TTHC…
Để công tác cải cách TTHC có những bước tiến thực chất hơn nữa, Phó Thủ tướng yêu cầu từng bộ, ngành và địa phương phải quyết liệt hơn, trách nhiệm hơn, nhất là người đứng đầu và các thành viên của Tổ công tác; tránh tình trạng phó mặc cho cấp dưới và khi đi họp chỉ đọc báo cáo do cấp dưới chuẩn bị.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC hoan nghênh Chính phủ thành lập Tổ công tác về cải cách TTHC trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang ở trong cơn bĩ cực; tin tưởng Tổ công tác sẽ giải quyết những “tắc nghẽn nóng”, trong đó có quy định về phòng cháy chữa cháy và kiểm tra chuyên ngành, để đồng hành, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC Trương Gia Bình cho rằng việc cải cách TTHC sẽ hiệu quả hơn khi được tiến hành song song với chuyển đổi số; khẳng định cộng đồng công nghệ thông tin của Việt Nam ngày nay đủ năng lực để giải quyết những vấn đề của cải cách TTHC.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Tô Hoài Nam kiến nghị cần có cơ chế để quy trách nhiệm của cán bộ và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, coi đó là giải pháp đột phá; đồng thời nghiên cứu cơ chế để khuyến khích khu vực ngoài Nhà nước tham gia vào việc cung cấp dịch vụ công./.
Nguồn:https://baochinhphu.vn/nhiem-vu-kep-yeu-cau-kep-trong-cai-thu-tuc-hanh-chinh-102230908150433927.htm
Ý kiến ()