Nhiệm vụ hàng đầu của hệ thống ngân hàng
Trụ sở Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Ảnh: ĐỨC ANH Những tín hiệu khả quan: tốc độ tăng giá giảm mạnh, tỷ giá ngoại tệ khá ổn định, nguồn tiền được thu hút vào ngân hàng nhiều hơn, cho thấy Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ đã được quán triệt và thực hiện nghiêm túc. Trong kết quả bước đầu đó có vai trò quan trọng của hệ thống ngân hàng với tinh thần coi kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ hàng đầu hiện nay.Bốn tháng qua, hệ thống ngân hàng đã thực hiện nghiêm túc, tích cực và có hiệu quả sự chỉ đạo của Chính phủ, kiên định bảo đảm các mục tiêu và chỉ tiêu nêu trên. Ước tính năm tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chung chỉ gần 7%, nhưng riêng tín dụng cho sản xuất và xuất khẩu tăng 25%, cho thấy hoạt động tiền tệ, tín dụng đã đi đúng hướng.Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 5, hầu hết các ngành, địa phương đã cắt giảm chi tiêu và đầu tư theo đúng những nội dung trong Nghị quyết 11/NQ-CP của chính phủ. Đó là kết...
|
Bốn tháng qua, hệ thống ngân hàng đã thực hiện nghiêm túc, tích cực và có hiệu quả sự chỉ đạo của Chính phủ, kiên định bảo đảm các mục tiêu và chỉ tiêu nêu trên. Ước tính năm tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chung chỉ gần 7%, nhưng riêng tín dụng cho sản xuất và xuất khẩu tăng 25%, cho thấy hoạt động tiền tệ, tín dụng đã đi đúng hướng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 5, hầu hết các ngành, địa phương đã cắt giảm chi tiêu và đầu tư theo đúng những nội dung trong Nghị quyết 11/NQ-CP của chính phủ. Đó là kết quả của sự đồng thuận và phối hợp đồng bộ trên cả nước, trong đó có thể ghi nhận lực lượng chủ công là hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM), đúng như Thủ tướng đã chỉ đạo: ngành ngân hàng phải đi đầu trong việc thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt. Bởi vì, các NHTM là nơi trực tiếp giải ngân và hơn thế, ba chức năng khách quan vốn có của hệ thống NHTM là trung tâm tiền tệ, trung tâm thanh toán và trung tâm tín dụng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có chức trách, quyền hạn chỉ đạo, kiểm tra tất cả các ngân hàng trong việc thực hiện ba chức năng đó để bảo đảm chấp hành nghiêm túc pháp luật và sự điều hành của Chính phủ.
Theo quy định của NHNN thì Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) phải nắm được đầy đủ, kịp thời số liệu về tín dụng của tất cả các ngân hàng, trong đó có Ngân hàng Phát triển (NHPT- trực thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng tín dụng Nhà nước nhằm góp phần bảo đảm cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa).
Thực tế cho thấy, CIC đã thực hiện được nhiệm vụ này, kể cả nắm tình hình tín dụng của NHPT. Ý kiến cho rằng, CIC chưa thể tiếp cận các thông tin nghiệp vụ của NHPT là không đúng, bởi vì Hội đồng quản lý NHPT gồm đại diện lãnh đạo NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, có quy chế và nền nếp sinh hoạt chặt chẽ, minh bạch, nhằm bảo đảm an toàn, nghiêm túc, hiệu quả trong tiến trình thực hiện tín dụng Nhà nước. Hơn thế, tín dụng Nhà nước còn được thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Chính phủ.
Tóm lại, có thể khẳng định kết quả bước đầu của hệ thống ngân hàng và CIC trong việc kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán. Cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn kết quả đó trong những tháng còn lại để năm nay vừa kiềm chế được CPI (tăng không quá 15%), vừa bảo đảm mức tăng trưởng GDP khoảng 6%.
Đối với các ngân hàng, thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, cũng là dịp rà soát tiết kiệm chi phí, và việc này cũng đã đạt kết quả nhất định. Bởi vậy, mặc dù phải trả lãi suất huy động vốn khá cao (bớt thiệt thòi cho người dân gửi tiết kiệm), nhưng hầu hết các NHTM vẫn có lãi.
Mặt khác, để kiểm soát mức tăng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán, không chỉ có việc cắt giảm các khoản đầu tư chưa thật sự cần thiết, mà còn phải tích cực xử lý nợ quá hạn, nợ xấu và các vụ việc tiêu cực. Có thể dẫn trường hợp điển hình là vụ tiêu cực ở Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNo). Vấn đề đặt ra lúc này là phải tập trung sức thu hồi nợ, giảm thất thoát, giúp một số doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh để từng bước trả được nợ. Chỉ có như vậy mới góp phần giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cho các NHTM nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Trong Nghị quyết 11/NQ-CP, các ngân hàng phải trình sớm danh mục cắt giảm, đồng thời tích cực thực hiện nhóm giải pháp số 1: tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ.
Để xác định cắt giảm thế nào là nghiêm túc, sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, chúng tôi vừa có một cuộc khảo sát ở một số tổ chức tín dụng. Thực tế cho thấy, không thể giảm đầu tư đồng loạt và cắt xén một cách máy móc cho đủ chỉ tiêu, mà là một quá trình khẩn trương nhưng cẩn trọng xem xét từng dự án cụ thể, trên cơ sở đó mà cắt, giảm, điều chuyển, tập trung vốn cho những công trình, dự án thiết thực, sớm hoàn thành, nhanh chóng đưa vào hoạt động, phát huy hiệu quả, làm cho kinh tế phát triển bền vững, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội.
Nghị quyết 11/NQ-CP nhấn mạnh tính đồng bộ trong thực hiện các nhóm giải pháp. Thực hiện sự chỉ đạo đó, các ngân hàng trên một địa bàn dù có tính chất, đầu mối và lĩnh vực đầu tư tín dụng không hoàn toàn giống nhau cũng đều cần phối hợp, hỗ trợ nhau, bởi vì hệ thống ngân hàng được coi như huyết mạch chung của nền kinh tế, mặc nhiên có quan hệ mật thiết về nghiệp vụ. Chỉ dẫn ra một địa phương cụ thể là Lâm Đồng, nhờ đoàn kết chặt chẽ, hợp tác, trao đổi ý kiến về tình hình đầu tư tín dụng giữa các chi nhánh thuộc NHNN, NHNo, NHPT và Ngân hàng Đầu tư & Phát triển với nhau, cho nên tín dụng Nhà nước trên địa bàn Lâm Đồng thực hiện giảm 10,5-12,5% so với kế hoạch theo nguyên tắc: Bố trí đủ vốn cho các dự án chắc chắn hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2011; ưu tiên các dự án theo thứ tự: các công trình quan trọng sắp hoàn thành, nhà ở cho người thu nhập thấp, đầu tư xây dựng kho chứa lương thực, trồng và chế biến cao-su thuộc địa bàn B,C… Trên cơ sở đó, kế hoạch giải ngân đăng ký năm nay là 1.076,5 tỷ đồng, nhưng kế hoạch giải ngân thông báo chỉ còn 737,8 tỷ đồng mà vẫn quyết tâm bảo đảm đủ nguồn vốn cho các dự án hoàn thành trong năm nay như hai công trình Thủy điện Đồng Nai 3 và 4…
Trong Hội nghị CG giữa kỳ tổ chức ngày 8 và 9-6-2011 tại Hà Tĩnh, các nhà tài trợ, các chuyên gia quốc tế hàng đầu về tài chính – tín dụng đều tin tưởng và đánh giá cao sự khẳng định của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng: Việt Nam kiên trì thực hiện quyết liệt, nhất quán và hiệu quả Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.
Thực hiện nghiêm túc, trung thực trong thông tin về chức năng và hoạt động nghiệp vụ của các ngân hàng là góp phần tích cực thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP. Đồng thời cũng góp phần động viên các ngân hàng phát huy tinh thần sáng tạo, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn tạm thời về 'đầu vào, đầu ra' của vốn tín dụng, trên cơ sở đó, tin rằng những tháng cuối năm sẽ có chuyển biến tích cực của cả nền kinh tế nói chung và lĩnh vực tài chính – tín dụng nói riêng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()