Nhật trước sức ép phải tung thêm các biện pháp hỗ trợ kinh tế
Theo số liệu thống kê chính thức vừa được công bố, tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản trong tháng Bảy “đứng yên” trong khi chi tiêu hộ gia đình giảm. Các số liệu kém khả quan trên củng cố thêm kỳ vọng về khả năng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ sớm đưa ra thêm chính sách kích thích kinh tế.
Một cuộc họp của Ban chính sách tại trụ sở BOJ ở thủ đô Tokyo. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)
Cụ thể, tỷ lệ lạm phát cơ bản (không tính giá thực phẩm tươi sống) trong tháng 7/2015 của Nhật Bản không thay đổi so với cùng kỳ năm 2014, trong bối cảnh giá nhiên liệu và chi phí năng lượng thấp đi.
Chi tiêu của hộ gia đình nước này cũng giảm 0,2% trong tháng Bảy, sau khi đã giảm 2% trong tháng trước đó. Hồi tháng Năm, chỉ số này đã tăng mạnh (4,8%) khiến giới quan sát từng kỳ vọng người dân nước này sẽ “mở hầu bao” sau một thời gian thắt chặt mua sắm khi thuế tiêu dùng tăng trong năm ngoái.
Động thái tăng thuế tiêu dùng của Chính phủ Nhật Bản (với mục tiêu làm giảm bớt khối nợ công khổng lồ của nước này) đã kìm hãm chi tiêu tiêu dùng và đẩy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào tình trạng suy thoái ngắn.
Mặc dù kinh tế Nhật Bản đã phục hồi trong quý IV/2014, nhưng GDP quý 2/2015 đã suy giảm trở lại do một loạt nhân tố: ảnh hưởng từ xu hướng đi xuống của kinh tế Trung Quốc (đối tác thương mại lớn của Nhật Bản), tiêu dùng nội địa yếu và xuất khẩu chậm lại.
Với tỷ lệ lạm phát nằm cách xa mục tiêu 2% của BoJ, giới phân tích nhận định BoJ sẽ mở rộng quy mô chương trình mua tài sản hiện đang ở mức 80.000 tỷ yen (640 tỷ USD) để thúc đẩy kinh tế. Hồi đầu tuần này, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda đã để ngỏ khả năng tăng cường chính sách nới lỏng tiền tệ.
Trong một thông tin khác, báo cáo công bố cùng ngày cho hay tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản đã giảm 0,1% xuống 3,3% trong tháng Bảy./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()