Nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô
Trong bối cảnh nhiều quốc gia phải hy sinh tăng trưởng để kiềm chế lạm phát thì Việt Nam vẫn có đủ điều kiện để theo đuổi cùng lúc hai mục tiêu: Củng cố nền tảng vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững. Đó là lý do giúp nền kinh tế Việt Nam vừa trải qua một năm tăng trưởng bứt phá.
Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Sản xuất hàng thể thao MXP, tỉnh Thái Bình. (Ảnh: DUY ĐĂNG) |
Dấu ấn kinh tế Việt Nam năm 2022 là nền kinh tế có sự phục hồi rất mạnh mẽ, đạt mức tăng trưởng cao vượt kỳ vọng, bất chấp những tác động tiêu cực của suy thoái và lạm phát toàn cầu.
Những thành quả của tăng trưởng
Ngay từ đầu năm, tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với thời điểm xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 nhưng nền kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc từ quý I với mức tăng trưởng GDP đạt 5,03% so cùng kỳ.
Sang quý II, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng trưởng trở lại cùng với tiêu dùng nội địa gia tăng mạnh mẽ là động lực giúp tăng trưởng GDP quý II tăng 7,7%, cao nhất trong hơn một thập kỷ. Đà phục hồi của nền kinh tế càng mạnh mẽ hơn trong quý III khi niềm tin thị trường tiếp tục được củng cố, thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt 13,67%.
Tính đến bối cảnh so sánh trên nền tăng trưởng âm 6,17% của quý III/2021, đây vẫn là mức tăng trưởng được nhiều chuyên giá đánh giá là kỳ diệu.
Theo quan sát của ông Andrea Coppla, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, sức bật của nền kinh tế đã hình thành ngay từ quý II nhờ sự phục hồi ấn tượng của hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực là thế mạnh của Việt Nam như tiêu dùng và các ngành hàng dệt may, da giày, nông nghiệp phục vụ xuất khẩu.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định: Nền kinh tế Việt Nam đã có một năm vượt khó thành công, dự kiến 14/15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao. Thành quả của tăng trưởng năm 2022 thể hiện ở Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, an sinh xã hội được quan tâm…
Nền kinh tế Việt Nam đã có một năm vượt khó thành công, dự kiến 14/15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao. Thành quả của tăng trưởng năm 2022 thể hiện ở Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, an sinh xã hội được quan tâm…
Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng
Chỉ số giá tiêu dùng ước cả năm khoảng 4%, tăng trưởng GDP đạt khoảng 8% so với mục tiêu 6-6,5%, sự phục hồi kinh tế diễn ra khá đồng đều giữa các địa phương, trong đó nhiều địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao. Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định.
Đáng lưu ý, trong tháng cuối cùng của năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh nới hạn mức tín dụng từ 1,5-2%, tương ứng khoảng 240 nghìn tỷ đồng cho toàn hệ thống ngân hàng sau nhiều kiến nghị của các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp. Động thái này góp phần giảm cơn khát vốn của doanh nghiêp và nền kinh tế vì nhu cầu vốn cuối năm 2022, đầu năm 2023 rất lớn để đáp ứng các vấn đề thanh khoản, phát triển sản xuất kinh doanh và vốn cho các khoản nợ sắp đáo hạn.
Hoạt động đầu tư có chuyển biến sau hai năm đình trệ vì đại dịch Covid-19. Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo được chuyển biến tích cực trong triển khai xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia; cơ bản hoàn thành 565 km đường bộ cao tốc, trong đó đã đưa vào khai thác 365km và thông tuyến 200km.
Sản xuất công nghiệp phục hồi khá, tiếp tục là động lực tăng trưởng dẫn dắt của nền kinh tế. Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng phục hồi, nhất là du lịch phục hồi nhanh. Niềm tin thị trường được củng cố, thể hiện ở mức tăng trưởng ấn tượng của hoạt động mở rộng đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và tỷ lệ vốn thực hiện tăng cao.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động tăng kỷ lục trong quý III, lên đến gần 150 nghìn doanh nghiệp, tăng 33,2% so cùng kỳ cho thấy nhà đầu tư tin tưởng vào triển vọng phục hồi của nền kinh tế và không ngừng tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát an toàn. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đều đánh giá cao kết quả của nền kinh tế Việt Nam năm 2022.
Thách thức dồn vào cuối năm
Tuy nhiên, đà phục hồi kinh tế có dấu hiệu khó khăn hơn từ cuối quý IV do ảnh hưởng từ độ trễ của tình hình kinh tế thế giới và những điểm yếu nội tại của nền kinh tế.
Ở trong nước, giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều vướng mắc, không đạt kỳ vọng là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất cao; thị trường tài chính, cụ thể là thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản bộc lộ nhiều rủi ro ảnh hưởng không nhỏ đến kênh huy động vốn của doanh nghiệp; tỷ lệ doanh nghiệp phá sản, tạm dừng hoạt động tăng cao.
Công tác điều hành giá bán lẻ và nguồn cung ứng xăng dầu trong nước vừa qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, thậm chí rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung cục bộ ở nhiều địa phương khi thị trường quốc tế có biến động mạnh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ tháng 11, một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội, lĩnh vực, thị trường đã có dấu hiệu giảm so tháng trước. Đó là sản xuất công nghiệp có dấu hiệu chậm lại; thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng đối mặt với áp lực ngày càng tăng do chính sách tiền tệ thắt chặt và tăng lãi suất để giảm lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và nhiều đối tác lớn của Việt Nam.
Bên cạnh đó, tình hình cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên xuất hiện trở lại như thời kỳ phòng, chống dịch Covid-19, nhất là ở những ngành thâm dụng lao động và xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử…
Những khó khăn, hạn chế có nguyên nhân lớn nhất là do tình hình thế giới rất phức tạp, khó lường và ngày càng bất ổn, trong khi công tác dự báo còn nhiều khó khăn, phản ứng chính sách của một số bộ, ngành còn chậm, công tác quản lý nhà nước chưa theo kịp yêu cầu đề ra, một bộ phận cán bộ thực thi còn tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm trong triển khai công vụ.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, nền kinh tế sẽ bước vào năm 2023 với thách thức, khó khăn nhiều hơn thuận lợi, và thách thức đó tác động mạnh hay nhẹ vào nền kinh tế phụ thuộc vào cách xử lý, điều hành của bộ máy quản lý. “Đến thời điểm này, chúng ta vẫn giữ được ổn định, dù có những chỉ số không được hài lòng như đầu tư công, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chỉ tiêu về thu hút vốn FDI công nghệ cao và lan tỏa với doanh nghiệp trong nước…
Nhiều chỉ số quan trọng vẫn giữ được tăng trưởng tốt và mới chỉ bắt đầu chững lại từ tháng 11, cho thấy tác động của kinh tế thế giới đến tình hình trong nước bắt đầu bộc lộ. Tuy nhiên thời điểm này, cả thế giới khó khăn chứ không riêng Việt Nam. Nền kinh tế có những ảnh hưởng nhất định nhưng vẫn trong tầm kiểm soát”, ông Nguyễn Đức Kiên phân tích.
Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, những vấn đề cần lưu ý trong công tác điều hành phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 là tập trung tháo gỡ những vấn đề cố hữu trong nội tại nền kinh tế, cụ thể là năng suất lao động chưa cao; phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu và khu vực FDI.
Những vấn đề cần lưu ý trong công tác điều hành phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 là tập trung tháo gỡ những vấn đề cố hữu trong nội tại nền kinh tế, cụ thể là năng suất lao động chưa cao; phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu và khu vực FDI.
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương
Đối với các vấn đề đang nổi lên của thị trường tài chính, cần tiếp tục xử lý nhanh những khó khăn, bất cập và nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để phát triển đồng bộ, lành mạnh, bền vững các thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản để khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó cần chú trọng triển khai các giải pháp truyền thông để ổn định tâm lý thị trường, tạo dựng lại niềm tin của nhà đầu tư; tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh. Đối với hoạt động đầu tư công, yêu cầu đặt ra là phải nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án để sớm triển khai thực hiện ngay sau khi được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn.
Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, cần chủ động rà soát các nội dung trong Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội không còn phù hợp tình hình thực tế, kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh phù hợp.
Năm 2023, Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, kiềm chế lạm phát ở mức 4,5%, GDP bình quân đầu người khoảng 4.400 USD. Đây là mục tiêu thách thức trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn u ám; hơn nữa, kinh tế Việt Nam khó có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao trên nền tăng trưởng khoảng 8% của năm 2022. Bài học thành công cho năm tới vẫn là giữ vững ổn định vĩ mô trong mọi tình huống, lấy duy trì ổn định vĩ mô là yếu tố “bất biến” để ứng phó với “vạn biến” khó lường của tình hình quốc tế.
Ý kiến ()