Nhật Bản xác định 3 cách tiếp cận để đạt mục tiêu quốc phòng
Trong Sách trắng Quốc phòng 2023 được công bố mới đây, Chính phủ Nhật Bản đánh giá cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với “phép thử lớn nhất thời hậu chiến” và bước vào “một kỷ nguyên khủng hoảng mới”. Thêm vào đó, những thay đổi trong cán cân quyền lực dẫn đến sự cạnh tranh giữa các quốc gia, từ chính trị, kinh tế, quân sự cho đến những lĩnh vực khác. Cộng đồng quốc tế cũng vì thế mà “gặp khó khăn lớn hơn” trong việc chung tay ứng phó các thách thức chung.
Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ đang “làm thay đổi cơ bản” bức tranh an ninh. Các quốc gia đang chạy đua phát triển những công nghệ tối tân “có thể làm thay đổi cuộc chơi”, từ đó kéo theo những thay đổi cơ bản đối với cơ cấu tổ chức của quân đội, cũng như cách thức tiến hành chiến tranh. Không những vậy, các rủi ro trong không gian mạng và nhiều lĩnh vực khác ngày một trở nên nghiêm trọng. Nhiều khả năng chiến tranh thông tin, trong đó có việc lan truyền tin giả, sẽ được tiến hành thường xuyên hơn và “chiến tranh lai”-kết hợp các biện pháp quân sự và phi quân sự-sẽ được sử dụng thậm chí tinh vi hơn. Đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tài liệu dài 510 trang của Nhật Bản nhấn mạnh khu vực này phải đối mặt với hàng loạt thách thức an ninh, nhất là xu hướng gia tăng nhanh chóng số lượng vũ khí hạt nhân và tên lửa cũng như “những hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực”.
Sách trắng Quốc phòng 2023 nêu rõ hòa bình và an ninh đóng vai trò vô cùng quan trọng để người dân Nhật Bản “được sống trong an toàn” và đất nước mặt trời mọc “được tiếp tục phát triển thịnh vượng”. Tuy nhiên, những điều này “không thể được bảo đảm chỉ bằng mong muốn”. Trong bối cảnh như vậy, tài liệu đề ra 3 cách tiếp cận khác nhau để đạt mục tiêu bảo vệ độc lập, hòa bình và an ninh của Nhật Bản.
Một là tăng cường tiềm lực quốc phòng “một cách căn bản”, xem đây là “yếu tố bảo đảm quan trọng nhất” đối với an ninh của Nhật Bản. Tài liệu khẳng định Nhật Bản cần tăng cường tiềm lực quốc phòng “một cách căn bản” để có thể ứng phó với các hình thức chiến tranh mới, qua đó ngăn chặn đối phương “nung nấu ý định xâm lược”. “Nhật Bản sẽ xây dựng một cơ cấu quốc phòng tổng thể bằng cách tích hợp sức mạnh quốc gia, bao gồm sức mạnh ngoại giao, tình báo, kinh tế, công nghệ và kết hợp tất cả phương tiện chính sách một cách có hệ thống”, tài liệu nêu rõ.
Trang mạng Defense News dẫn Sách trắng Quốc phòng 2023 cho biết ngân sách quốc phòng của Nhật Bản sẽ tăng gấp hơn 2 lần trong vòng 5 năm tới. Theo đó, Nhật Bản sẽ chi 309,75 tỷ USD cho quốc phòng trong giai đoạn từ tài khóa 2024 đến tài khóa 2028 so với con số 122,48 tỷ USD trong giai đoạn từ tài khóa 2019 đến tài khóa 2023. Tài liệu cũng khẳng định Nhật Bản tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp hòa bình về việc “duy trì chính sách chỉ nhằm mục đích phòng vệ, không trở thành một cường quốc quân sự đe dọa các quốc gia khác”, đồng thời tuân thủ 3 nguyên tắc phi hạt nhân, gồm: Không sản xuất, không sở hữu và không cho phép vũ khí hạt nhân tồn tại trên lãnh thổ Nhật Bản.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Hamada Yasukazu công bố Sách trắng Quốc phòng 2023. Ảnh: The Yomiuri Shimbun |
Hai là xác định các thỏa thuận an ninh trên cơ sở Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật, cùng với cơ cấu quốc phòng tổng thể đã đề cập ở trên, đóng vai trò nền tảng đối với an ninh quốc gia của Nhật Bản. Sách trắng Quốc phòng 2023 khẳng định Mỹ là đồng minh duy nhất của Nhật Bản. Mỹ-cường quốc quân sự số một thế giới, chia sẻ với Nhật Bản những giá trị cơ bản cũng như lợi ích trong duy trì hòa bình, an ninh thế giới, đồng thời hai bên có mối quan hệ hợp tác kinh tế mạnh mẽ. “Trong khi sự hiện diện của các lực lượng Mỹ tại Nhật Bản (USFJ) đóng vai trò răn đe, cần có các nỗ lực phù hợp để giảm tác động của việc USFJ đồn trú đối với môi trường sống của người dân địa phương”, tài liệu nhấn mạnh.
Ba là thúc đẩy hợp tác với các quốc gia “cùng chung chí hướng” và các quốc gia khác nhằm hiện thực hóa tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). Sách trắng Quốc phòng 2023 nêu rõ Nhật Bản cần chú trọng thúc đẩy “ngoại giao chủ động”. Trong những năm gần đây, Nhật Bản đang tích cực tăng cường hợp tác quốc phòng “nhiều mặt”, từ trao đổi đoàn, huấn luyện và diễn tập song phương/đa phương, xây dựng năng lực cho đến những lĩnh vực khác, không chỉ riêng với Mỹ mà còn nhiều quốc gia khác tại châu Á, châu Phi và châu Âu “nhằm thúc đẩy quan hệ với nhiều quốc gia nhất có thể”.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()