Nhật Bản tuyên bố sẽ cung cấp thêm 800 triệu USD cho COVAX
Liên quan đến chương trình COVAX, cơ chế chia sẻ vaccine do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng, ngày 2-6, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tuyên bố sẽ cung cấp thêm 800 triệu USD để hỗ trợ công tác phân phối vaccine ngừa Covid-19 công bằng trên thế giới, qua đó trở thành quốc gia đóng góp lớn thứ hai cho cơ chế này.
Tại hội nghị cấp cao về tài trợ cho cơ chế COVAX do Nhật Bản và Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) đồng tổ chức trực tuyến ngày 2-6, chính phủ nhiều nước, các tổ chức quốc tế cùng các nhà tài trợ đã cam kết đóng góp thêm 2,4 tỷ USD cho cơ chế này nhằm phân phối vaccine cho các nước thu nhập thấp và trung bình.
Chủ tịch GAVI Jose Manuel Barroso cho biết, với các cam kết mới đạt được tại hội nghị, tổng giá trị đóng góp của quốc tế dành cho COVAX đạt gần 9,6 tỷ USD.
Tại hội nghị, Nhật Bản cam kết tài trợ thêm 800 triệu USD, ngoài khoản đóng góp 200 triệu USD trước đó cho cơ chế COVAX. Ngoài ra, Tokyo cũng sẽ cung cấp 30 triệu liều vaccine sản xuất tại nước này cho COVAX trong thời gian tới.
Mỹ hiện tại vẫn là nước đóng góp nhiều nhất cho cơ chế COVAX, với 2,5 tỷ USD và 80 triệu liều vaccine. Liên hiệp châu Âu (EU), với tư cách một khối, cũng đóng góp hàng tỷ USD và 100 triệu liều vaccine. Ngân hàng Đầu tư châu Âu cam kết khoản vay trị giá 900 triệu euro (1,1 tỷ USD) cho cơ chế COVAX, tăng 300 triệu euro so với mức cam kết trước đây.
Chính phủ nhiều nước cũng tăng cam kết đóng góp cho cơ chế COVAX. Thủ tướng Australia Scott Morrison thông báo Canberra sẽ đóng góp thêm 50 triệu USD, nâng tổng mức đóng góp của nước này cho COVAX lên 130 triệu USD. Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanche thông báo Madrid đóng góp 15 triệu liều vaccine và 50 triệu euro (61 triệu USD) cho COVAX, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết trong cuộc chiến chống Covid-19. Trong số các nước cam kết đóng góp thêm cho cơ chế COVAX còn có Thụy Điển, Áo và Luxembourg.
COVAX đặt mục tiêu phân phối hai tỷ liều vaccine cho toàn thế giới trong năm 2021 và 1,8 tỷ liều cho 92 nền kinh tế có thu nhập thấp hơn vào đầu năm 2022. Trên thực tế, cơ chế này đến nay đã cung cấp 70 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho 126 quốc gia, song đang thiếu 190 triệu liều vào cuối tháng 6 tới do tốc độ lây lan dịch Covid-19 gia tăng ở Ấn Độ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung của cơ chế này trong quý II năm nay.
Thủ tướng Suga kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết và mở rộng hơn nữa mức độ đóng góp cho cơ chế COVAX phục vụ việc phân phối vaccine một cách công bằng trên phạm vi toàn cầu, thiết thực ngăn chặn đại dịch Covid-19. Trước đó, Nhật Bản đã đóng góp 200 triệu USD cho cơ chế COVAX.
* Tại châu Âu, Đức thông báo sẽ dỡ bỏ cơ chế ưu tiên tiêm chủng từ ngày 7-6. Theo đó, toàn bộ công dân từ 12 tuổi trở lên đều được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Trong cuộc họp báo ngày 2-6, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đã công bố thông tin trên, đồng thời cho biết quyết định này được đưa ra nhằm bảo đảm tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho công dân nước này.
Đến nay, Đức chỉ tiếp nhận đăng ký tiêm chủng của những đối tượng ưu tiên như lực lượng y bác sĩ ở tuyến đầu phòng chống dịch, người cao tuổi và những người có bệnh lý nền,… Với quyết định mới ban hành, công dân Đức từ 12 tuổi trở lên đều được phép đăng ký tiêm chủng.
Trong khi đó, CH Séc cho biết, Bệnh viện Đại học Thomayer ở thủ đô Praha sẽ triển khai chương trình tiêm vaccine dành cho người nước ngoài theo hình thức tự trả tiền từ ngày 1-7. Theo đó, người nước ngoài không thuộc diện bảo hiểm y tế công của CH Séc chi trả có thể bắt đầu đăng ký tiêm vaccine ngừa Covid-19 sớm nhất vào giữa tháng 6 và tự chi thanh toán chi phí. Lịch tiêm vaccine diễn ra vào thứ Ba và thứ Năm hằng tuần.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Luxembourg đang có những dấu hiệu tích cực, với việc giảm nhiều ca mắc mới cũng như các trường hợp nhập viện. Do đó, kể từ ngày 13-6, Luxembourg sẽ đưa vào sử dụng CovidCheck như một công cụ cho phép người dân được tự do đi lại. CovidCheck là chứng nhận kỹ thuật số về Covid-19 của nước này, có dạng mã QR được tiêu chuẩn hóa ở cấp độ châu Âu và được công nhận ở tất cả các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU).
Bộ trưởng Y tế Luxembourg, Paulette Lenert cho biết CovidCheck sẽ chứng nhận cho người được cấp theo ba trường hợp: đã được tiêm chủng ngừa Covid-19; đã xét nghiệm âm tính PCR dưới 72 giờ hoặc xét nghiệm nhanh sau 48 giờ hoặc đã khỏi bệnh. Chứng chỉ sẽ ở dạng giấy hoặc kỹ thuật số, và sẽ được lưu giữ trong điện thoại thông minh. Trong quá trình kiểm soát, nhân viên sẽ đọc nó thông qua một ứng dụng chuyên dụng.
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 3-6 (giờ Việt Nam):
Thế giới:172.406.032 ca mắc, 3.705.976 ca tử vong
Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 34.154.304 ca mắc, 611.019 ca tử vong
2. Ấn Độ: 28.440.988 ca mắc, 338.013 ca tử vong
3. Brazil: 16.720.081 ca mắc, 467.706 ca tử vong
4. Pháp: 5.685.915 ca mắc, 109.758 ca tử vong
5. Thổ Nhĩ Kỳ: 5.263.697 ca mắc, 47.768 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 1.831.773 ca mắc, 50.908 ca tử vong
2. Philippines: 1.240.716 ca mắc, 21.158 ca tử vong
3. Malaysia: 587.165 ca mắc, 2.993 ca tử vong
4. Thái Lan: 165.462 ca mắc, 1.107 ca tử vong
5. Myanmar: 143.823 ca mắc, 3.218 ca tử vong
6. Singapore: 62.100 ca mắc, 33 ca tử vong
7. Campuchia: 31.460 ca mắc, 230 ca tử vong
8. Việt Nam: 7.813 ca mắc, 49 ca tử vong
9. Lào: 1.934 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Brunei: 244 ca mắc, 03 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Á: 51.693.565 ca mắc, 694.976 ca tử vong
2. Châu Âu: 46.711.086 ca mắc, 1.074.551 ca tử vong
3. Bắc Mỹ: 39.871.278 ca mắc, 899.788 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 29.151.291 ca mắc, 903.764 ca tử vong
5. Châu Phi: 4.909.384 ca mắc, 131.630 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 68.707 ca mắc, 1.252 ca tử vong
Theo Nhandan
Ý kiến ()