Nhật Bản tìm kiếm phản ứng khả thi sau Hội nghị Mỹ-Triều lần hai
Cuộc hội đàm 3 bên này sẽ thảo luận về phản ứng khả thi sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai kết thúc mà không có tiến triển rõ ràng về tiến trình phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết một quan chức cấp cao của bộ này sẽ thăm Washington từ ngày 6/3 để tham gia cuộc hội đàm cấp cao về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên với những người đồng cấp Mỹ và Hàn Quốc.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cuộc hội đàm 3 bên này sẽ thảo luận về phản ứng khả thi sau khi hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Việt Nam kết thúc mà không có tiến triển rõ ràng về tiến trình phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.
Vụ trưởng Vụ châu Á- châu Đại dương Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kenji Kanasugi có kế hoạch phối hợp nỗ lực phi hạt nhân hóa với Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun cũng như Đặc phái viên Hàn Quốc về Triều Tiên Lee Do-hoon.
Dự kiến, ông Kanasugi sẽ được Đặc phái viên Mỹ Biegun thông báo về kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội và sẽ nhấn mạnh quan điểm của Nhật Bản rằng phải duy trì các biện pháp trừng phạt Triều Tiên cho đến khi Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn và có thể kiểm chứng.
Ngoài ra, việc giải quyết vấn đề Bình Nhưỡng bắt cóc công dân Nhật Bản trong những thập niên 1970 và 1980 cũng sẽ là ưu tiên hàng đầu đối với Tokyo.
Liên quan đến vấn đề Triều Tiên, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton ngày 5/3 cảnh báo Washington sẽ xem xét tăng cường trừng phạt Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng không từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Trả lời phỏng vấn với Fox Business Network, ông Bolton cho biết Washington sẽ theo dõi liệu Bình Nhưỡng có kiên quyết từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của nước này hay không.
Ông nhấn mạnh, nếu Triều Tiên không sẵn sàng làm điều đó, Mỹ sẽ không nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế và xem xét tăng cường các biện pháp trừng phạt . Cùng ngày, 2 thượng nghị sỹ Mỹ đã một lần nữa giới thiệu một dự luật áp đặt các lệnh trừng phạt với bất kỳ ngân hàng nào giao dịch với Triều Tiên.
Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Pat Toomey và Thượng nghị sỹ Dân chủ Chris Van Hollen đã đưa ra “Đạo luật những hạn chế ngân hàng Otto Warmbier liên quan tới Triều Tiên” (BRINK).
Dự luật lấy tên Otto Warmbier, sinh viên Mỹ đã tử vong sau khi bị Bình Nhưỡng bỏ tù, theo đó bất kỳ ngân hàng nước ngoài nào giao dịch với Triều Tiên sẽ không được tiếp cận hệ thống ngân hàng Mỹ.
Dự luật đã được Ủy ban Ngân hàng Thượng viện nhất trí thông qua hồi năm ngoái song không đạt tiến triển thêm. Để trở thành luật, dự luật này sẽ cần phải được cả thượng viện và hạ viện thông qua cũng như được Tổng thống Donald Trump ký phê duyệt./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()