Nhật Bản theo đuổi cách tiếp cận mới đối với ODA
Trong Sách Trắng về hợp tác phát triển do Bộ Ngoại giao Nhật Bản mới công bố, Chính phủ Nhật Bản khẳng định theo đuổi cách tiếp cận mới đối với viện trợ phát triển chính thức (ODA).
Kyodo News ngày 12-3 đưa tin, Sách Trắng nêu rõ, Tokyo cam kết "không ngừng cải thiện" chính sách ODA thông qua việc kết hợp giữa thúc đẩy phương thức chủ động đề xuất ODA với phương thức truyền thống trước đây là cung cấp ODA dựa trên đề nghị của các nước đang phát triển. Sách Trắng khẳng định, Chính phủ Nhật Bản theo đuổi cách tiếp cận mới sau khi Tokyo cập nhật Hiến chương ODA vào tháng 6-2023, đánh dấu lần đầu tiên văn bản này được sửa đổi kể từ năm 2015.
Sách Trắng nhấn mạnh, việc xây dựng một cộng đồng quốc tế hòa bình, ổn định và thịnh vượng "liên quan trực tiếp đến lợi ích quốc gia" của Nhật Bản và vai trò của ODA "ngày càng trở nên quan trọng". Ngoại trưởng Kamikawa Yoko tuyên bố, Nhật Bản sẽ sử dụng ODA như là một trong "các công cụ ngoại giao quan trọng nhất" nhằm hiện thực hóa tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Theo Ngoại trưởng Kamikawa Yoko, Nhật Bản sẽ sử dụng ODA như là một trong "các công cụ ngoại giao quan trọng nhất". Ảnh: Reuters |
Kyodo News dẫn thông tin từ Sách Trắng cho biết, trong năm 2022, ODA của Nhật Bản đạt gần 17,5 tỷ USD, giảm 0,8% so với năm 2021. Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này là do đồng yen yếu so với đồng USD. Trong số 32 thành viên Ủy ban hỗ trợ phát triển của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Nhật Bản là quốc gia cung cấp ODA lớn thứ 3, sau Mỹ và Đức. Theo Jiji Press, tổng ODA của Nhật Bản trong năm 2022 chiếm 0,39% tổng thu nhập quốc gia (GNI) của nước này, chưa đạt mục tiêu 0,7% mà Liên hợp quốc đề ra.
Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, hiện nay, nhiều quốc gia đang phát triển nhận được sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ các quốc gia phát triển cũng như nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ (NGO) và các doanh nghiệp tư nhân vì mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Theo định nghĩa của Ủy ban hỗ trợ phát triển của OECD, ODA phải đáp ứng 3 yêu cầu: Một là được chính phủ các quốc gia hoặc các cơ quan chính phủ thực hiện. Hai là mục đích chính phải là thúc đẩy phát triển kinh tế và phúc lợi tại các quốc gia đang phát triển. Ba là có các điều khoản ưu đãi. ODA được chia thành hai nhóm lớn, trong đó viện trợ song phương là viện trợ được thực hiện trực tiếp với các quốc gia đang phát triển, còn viện trợ đa phương là viện trợ được tiến hành thông qua các tổ chức quốc tế.
Về mặt lịch sử, chính sách ODA của Nhật Bản được phát triển trong quá trình các quốc gia trên thế giới đang khôi phục nền kinh tế của họ thời hậu chiến và Tokyo muốn hội nhập vào cộng đồng quốc tế. Trong quá trình này, Nhật Bản không phải là quốc gia nhận viện trợ mà trở thành nhà cung cấp viện trợ cho các quốc gia châu Á giữa lúc chiến tranh lạnh xảy ra.
Sau khi tham gia Kế hoạch Colombo vào năm 1954-tên gọi đầy đủ là “Kế hoạch Colombo vì sự hợp tác phát triển kinh tế và xã hội ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, ra đời vào năm 1950 nhằm hỗ trợ kinh tế và kỹ thuật cho các quốc gia đang phát triển tại khu vực, Nhật Bản đã cung cấp ODA nhằm mục tiêu đóng góp cho hòa bình và sự phát triển của cộng đồng quốc tế, từ đó "giúp bảo đảm an ninh và thịnh vượng cho chính Nhật Bản". Tất cả các hình thức ODA song phương của Nhật Bản do JICA chịu trách nhiệm quản lý, bao gồm: Hợp tác kỹ thuật, vốn vay ODA và viện trợ không hoàn lại. JICA hiện hoạt động tại hơn 150 quốc gia và khu vực với khoảng 100 văn phòng tại nước ngoài.
Ý kiến ()