Nhật Bản tăng cường hệ thống phòng không Patriot với tên lửa đánh chặn Stunner của Israel
Theo Military Leak, Nhật Bản đang thực hiện các bước đi chiến lược để củng cố khả năng phòng thủ tên lửa. Trước đây, Nhật Bản đã đầu tư các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa Patriot PAC-3 nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo và các hệ thống này đã được triển khai ở một số đảo có vị trí chiến lược như Ishigaki, Yonaguni và Miyako, tạo thành tuyến phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm xa vòng ngoài.
Stunner là tên lửa phòng không tầm trung, một bộ phận quan trọng của hệ thống phòng không David’s Sling. Ảnh: Army Technology |
Hệ thống PAC-3, do Raytheon phát triển, đã được nâng cấp đáng kể vào những năm 1995, 1996 và 2000 và một bản cập nhật phần mềm đã được đưa ra vào năm 1999 cho phép nâng cao khả năng thông tin liên lạc với hệ thống mạng chỉ huy và kiểm soát Link 16 giúp nhận định tình hình tác chiến tốt hơn.
Tuy nhiên, căng thẳng gia tăng trong khu vực là lý do khiến Nhật Bản tiếp tục đổi mới và thích ứng. Năm 2022, Nhật Bản đã có bước đi quyết định trong việc củng cố năng lực phòng không của mình bằng cách nghiên cứu tích hợp tên lửa đánh chặn Stunner của Israel vào các bệ phóng Patriot hiện có.
Stunner là tên lửa phòng không tầm trung, một bộ phận quan trọng trong hệ thống phòng không hiện đại David’s Sling, được hợp tác phát triển bởi Rafael và Raytheon. Stunner có thiết kế linh hoạt và tiết kiệm chi phí nhưng hiệu quả cao trong phòng chống tên lửa đạn đạo. Với việc trang bị thêm tên lửa tầm trung Stunner, Nhật Bản đang trong lộ trình tăng cường đáng kể năng lực phòng thủ tên lửa đạn đạo nhiều lớp, từ tầm xa đến tầm trung và giai đoạn cuối.
Ý kiến ()