Nhật Bản rót 65 tỷ USD với quyết tâm giành lại vị thế dẫn đầu công nghệ
Nhật Bản đang chuẩn bị một gói đầu tư khổng lồ trị giá 10.000 tỷ yen (khoảng 65 tỷ USD) vào lĩnh vực vi mạch và Trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm mục tiêu giành lại vị thế dẫn đầu công nghệ toàn cầu.
Nhật Bản đang chuẩn bị một gói đầu tư khổng lồ trị giá 10.000 tỷ yen (khoảng 65 tỷ USD) vào lĩnh vực vi mạch và Trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm mục tiêu giành lại vị thế dẫn đầu công nghệ toàn cầu và giải quyết những thách thức cấp bách từ dân số già hóa và suy giảm. Quốc hội Nhật Bản dự kiến sẽ thông qua gói đầu tư này trong tuần này.
Gói đầu tư này được xem là sự chuẩn bị cho một thế giới đầy bất ổn, khi lo ngại về khả năng Trung Quốc tác động đến trung tâm sản xuất chip toàn cầu Đài Loan (Trung Quốc) ngày càng gia tăng.
Theo nhận định của bà Kelly Forbes, Chủ tịch Viện AI châu Á-Thái Bình Dương, sau khi thống trị thị trường phần cứng công nghệ trong những năm 1980, Nhật Bản đã trải qua một thời kỳ dài “dậm chân tại chỗ” và chứng kiến sự bùng nổ đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực AI.
Tuy nhiên, trong 2-3 năm trở lại đây, Nhật Bản đã “thức tỉnh” và nhận ra tiềm năng to lớn của công nghệ này.
Tuần trước, nhà đầu tư công nghệ Nhật Bản SoftBank và “gã khổng lồ” sản xuất chip AI Nvidia của Mỹ đã công bố kế hoạch đầy tham vọng xây dựng một “mạng lưới AI” trên khắp đất nước. Trước đó, hàng loạt khoản đầu tư từ Mỹ đã đổ vào Nhật Bản, trong đó có cả Microsoft, đối tác của OpenAI, nhà phát triển ChatGPT.
Theo Seth Hays, tác giả của bản tin Asia AI Policy Monitor, tự động hóa dựa trên AI có thể giúp Nhật Bản, quốc gia có dân số già thứ hai thế giới sau Monaco (Mô-na-cô), giải quyết bài toán nhân khẩu học.
Ông Hays nhấn mạnh Nhật Bản cần tận dụng AI để đạt được mức tăng năng suất cần thiết để duy trì sự phát triển của đất nước.
Thách thức năng lượng
Khoản đầu tư mới của chính phủ sẽ củng cố dự án Rapidus trong nước, tập trung vào sản xuất chất bán dẫn thế hệ mới. Nhật Bản đã cam kết hỗ trợ tới 4.000 tỷ yen để giúp tăng gấp ba doanh số bán chip trong nước vào năm 2030.
Bà Forbes khẳng định chất bán dẫn là mấu chốt của sự đổi mới AI. Hầu hết chip trên thế giới được sản xuất tại Đài Loan. Tuy nhiên, lo ngại về một cuộc phong tỏa từ Trung Quốc đang ngày càng gia tăng.
Đứng trước áp lực từ các khách hàng và chính phủ về việc đa dạng hóa sản xuất, nhà sản xuất chip khổng lồ của Đài Loan TSMC đã khai trương một nhà máy chip trị giá 8,6 tỷ USD tại miền Nam Nhật Bản vào tháng 2/2024 và đang lên kế hoạch xây dựng cơ sở thứ hai tại đây để sản xuất chip tiên tiến hơn.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang rót tiền vào việc xây dựng các nhà máy chip trên đất Mỹ, bao gồm 6,1 tỷ USD cho Micron và 6,6 tỷ USD cho TSMC.
Bà Forbes nhận định các khoản đầu tư của Nhật Bản là nỗ lực “duy trì tính cạnh tranh trong lĩnh vực này, đồng thời chuẩn bị cho căng thẳng địa chính trị đang gia tăng.”
Tuy nhiên, Nhật Bản cần tìm cách cung cấp năng lượng cho các dự án tiêu tốn nhiều năng lượng này, từ sản xuất chip đến vận hành trung tâm dữ liệu để huấn luyện các mô hình AI.
Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, và chính phủ đang nỗ lực đưa các nhà máy điện hạt nhân bị dừng hoạt động sau thảm họa Fukushima năm 2011 trở lại hoạt động.
Quy định linh hoạt
Nvidia đang hợp tác với SoftBank để phát triển một siêu máy tính mới sử dụng chip AI Blackwell tiên tiến. Tại một bài phát biểu ở Tokyo, CEO Nvidia Jensen Huang cam kết “biến mạng viễn thông thành mạng AI” tại Nhật Bản.
Mặc dù có nhiều triển vọng, song Nhật Bản vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh kỹ thuật số toàn cầu năm nay của trường quản lý IMD (Thụy Sĩ), Nhật Bản chỉ đứng thứ 31.
Để thúc đẩy lĩnh vực này, luật bản quyền của Nhật Bản thực sự là một trong những luật bản quyền thân thiện với AI nhất trên thế giới. Ông Hays cho biết về cơ bản, nó cho phép các công ty AI đào tạo trên dữ liệu có bản quyền, ngay cả vì mục đích lợi nhuận.
Đồng thời, Nhật Bản đang “dẫn đầu” trong các cuộc thảo luận quốc tế về AI, bao gồm một sáng kiến được khởi động tại Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2023 ở Hiroshima.
Thủ tướng Shigeru Ishiba cũng cam kết “xây dựng một khuôn khổ hỗ trợ mới để thu hút hơn 50.000 tỷ yen đầu tư công và tư trong 10 năm tới” cho AI và chip.
Bà Forbes cho biết Nhật Bản có thể hưởng lợi từ những tiến bộ của AI trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đồng thời gọi các khoản đầu tư mới nhất là nỗ lực “đưa Nhật Bản lên vị trí tiên phong trong cuộc cách mạng công nghệ này”./.
Ý kiến ()