Nhật Bản quan ngại sâu sắc về các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông
Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại mạnh mẽ đối với Luật hải cảnh mới của Trung Quốc cũng như việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động căng thẳng ở biển Hoa Đông và Biển Đông thời gian qua.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, tối 5/4, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Motegi đã bày tỏ Nhật Bản quan ngại sâu sắc về các động thái của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông, trong đó có việc tàu hải cảnh Trung Quốc liên tục xâm nhập vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và việc Trung Quốc thực thi Luật hải cảnh mới.
Tại cuộc điện đàm, ngoại trưởng hai nước cũng khẳng định vai trò quan trọng của Nhật Bản và Trung Quốc với trách nhiệm là những nước lớn trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế.
Hai bên nhất trí tiếp tục thảo luận về quan hệ kinh tế Nhật-Trung, ứng phó với COVID-19 và chống biến đổi khí hậu.
Hai bên cũng trao đổi ý kiến về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, công dân Nhật Bản bị phía Triều Tiên bắt cóc hay thúc đẩy khôi phục ổn định tại Myanmar.
Trước đó, tại cuộc họp thường niên theo “Cơ chế liên lạc đường biển và đường không” giữa cơ quan quốc phòng hai nước cuối tháng 3, đại diện Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại mạnh mẽ đối với Luật hải cảnh mới của Trung Quốc cũng như việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động căng thẳng ở biển Hoa Đông và Biển Đông thời gian qua.
Việc Trung Quốc đưa hơn 200 tàu hoạt động tại cụm đảo Sinh Tồn trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành động đánh dấu một bước leo thang đáng lo ngại ở Biển Đông.
Nhiều quốc gia đã bày tỏ lo ngại trước những động thái trên và yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức đưa các tàu ra khỏi khu vực này, chấm dứt hành động gây hấn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC)./.
Ý kiến ()