Nhật Bản: Những ưu tiên của Tân Thủ tướng Shinzo Abe
Ngày 26/12, quốc hội Nhật Bản đã chính thức bầu ông Shinzo Abe làm Thủ tướng Nhật Bản. Tuy chiến thắng này không phải lần đầu tiên đến với ông Abe song lại mở ra trước mắt nhà lãnh đạo này những “thách thức và trải nghiệm mới mẻ” trên cương vị là người đứng đầu đất nước mặt trời mọc, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và quan hệ đối ngoại với các nước trong khu vực.Tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Ảnh: Reuters)Với tỷ lệ 328 phiếu thuận trên tổng số 478 phiếu bầu, quốc hội Nhật Bản ngày 26/12 đã bầu ông Shinzo Abe, 58 tuổi, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do, là Thủ tướng mới của Nhật Bản thay thế ông Yoshihiko Noda vừa từ nhiệm. Đây là lần nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 2 của ông Shinzo Abe. Chỉ vài giờ sau khi trở thành vị Thủ tướng thứ 96 của Nhật Bản, ông Abe đã công bố danh sách các thành viên nội các, trong đó bổ nhiệm cựu Thủ tướng Taro Aso làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính; ông Fumio Kishida, cựu Bộ trưởng đặc trách...
Ngày 26/12, quốc hội Nhật Bản đã chính thức bầu ông Shinzo Abe làm Thủ tướng Nhật Bản. Tuy chiến thắng này không phải lần đầu tiên đến với ông Abe song lại mở ra trước mắt nhà lãnh đạo này những “thách thức và trải nghiệm mới mẻ” trên cương vị là người đứng đầu đất nước mặt trời mọc, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và quan hệ đối ngoại với các nước trong khu vực.
Tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Ảnh: Reuters) |
Với tỷ lệ 328 phiếu thuận trên tổng số 478 phiếu bầu, quốc hội Nhật Bản ngày 26/12 đã bầu ông Shinzo Abe, 58 tuổi, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do, là Thủ tướng mới của Nhật Bản thay thế ông Yoshihiko Noda vừa từ nhiệm. Đây là lần nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 2 của ông Shinzo Abe.
Chỉ vài giờ sau khi trở thành vị Thủ tướng thứ 96 của Nhật Bản, ông Abe đã công bố danh sách các thành viên nội các, trong đó bổ nhiệm cựu Thủ tướng Taro Aso làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính; ông Fumio Kishida, cựu Bộ trưởng đặc trách các vấn đề Okinawa, giữ chức Ngoại trưởng và cựu Thứ trưởng Ngoại giao Itsunori Onodera đảm nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng. Chính phủ mới của Nhật Bản lên nắm quyền trong bối cảnh nước này phải đối mặt với hàng loạt các thách thức cả trên lĩnh vực kinh tế lẫn đối ngoại và an ninh quốc gia.
Theo số liệu từ Văn phòng nội các Nhật Bản, GDP quý III của nước này giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước và giảm 0,9% so với quý trước. Cán cân thương mại Nhật Bản tiếp tục thâm hụt tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 10 do cuộc khủng hoảng nợ châu Âu và mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc do tranh chấp lãnh thổ làm xuất khẩu giảm mạnh. Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Tài chính Nhật Bản hồi tháng 11/2012, nợ công của Nhật Bản đã lên mức cao kỷ lục 983.300 tỷ yen (12.400 tỷ USD) vào cuối tháng 9/2012, chủ yếu do những chương trình khôi phục đất nước sau thảm họa kép hồi tháng 3/2011. Trước bối cảnh trên, ông Abe đã khẳng định tham vọng sẽ khôi phục đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới vốn đang lâm vào tình cảnh ảm đạm trong suốt 20 năm qua.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 26/12, ông Abe cho biết, ông đã chỉ thị cho nội các mới tại Nhật Bản nỗ lực hết sức mình nhằm khôi phục kinh tế Nhật Bản, đặc biệt là vùng Đông Bắc Nhật Bản vốn bị tàn phá nặng nề trong thảm họa kép động đất – sóng thần hồi năm 2011. Một trong những biện pháp mà ông Abe đề cập đến nhằm “cải thiện tình hình kinh tế Nhật Bản” bao gồm khôi phục lại chức năng của Hội đồng Kinh tế và Chính sách Tài khóa Nhật Bản; nới lỏng chính sách tiền tệ và các biện pháp tài khóa; hình thành một chiến lược tăng trưởng cụ thể nhằm thu hút đầu tư công.
Không chỉ phải đối mặt với những khó khăn về đối nội, ông Able lên nắm quyền Thủ tướng Nhật Bản trong bối cảnh tình hình trong khu vực và trên thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp như: chương trình hạt nhân của Iran và CHDCND Triều Tiên, cuộc khủng hoảng tại Syria…Những vấn đề này đòi hỏi sự phản ứng nhạy bén của ông Abe để có thể vừa giải quyết một cách thỏa đáng những vấn đề này, vừa không làm “sứt mẻ mối quan hệ đồng minh truyền thống” với các nước phương Tây mà Nhật Bản đã vun vén suốt bao năm qua.
Ngoài những vấn đề mang tầm quốc tế và khu vực đang chờ đợi được giải quyết, bản thân mối quan hệ giữa Tokyo và một số nước láng giềng quan trọng như Hàn Quốc, Trung Quốc đang nguội lạnh do những tranh chấp về chủ quyền biển đảo. Hồi tháng 8, quan hệ giữa Seoul và Tokyo đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ sau khi ông Lee Muyng-bak trở thành Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc đi thăm hai hòn đảo thuộc nhóm đảo đang tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Takeshima còn Hàn Quốc gọi là Dokdo trên biển Nhật Bản. Đến tháng 9/2012, Tokyo tiếp tục gặp sóng gió trong quan hệ với Bắc Kinh sau khi chính phủ Nhật Bản tuyên bố mua lại và quốc hữu hóa 3 trong tổng số 5 hòn đảo đang tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông.
Phát biểu ngay sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử Nhật Bản, ông Abe đã tỏ rõ tham vọng muốn nâng cao vị thế của Nhật Bản trên trường thế giới. Quan điểm này của tân Thủ tướng Nhật Bản đã nhận được sự tán thưởng mạnh mẽ từ phía dư luận, đặc biệt trong bối cảnh nhiều người đang lo ngại Nhật Bản sẽ “thụt lùi” so với nước láng giềng Trung Quốc về cả mặt kinh tế và ngoại giao. Một trong những biện pháp đầu tiên mà ông Abe đề cập tới nhằm trấn an sự lo lắng của người dân Nhật Bản đó là, chính quyền Tokyo sẽ tiếp tục giải quyết triệt để vấn đề tranh cãi chủ quyền biển đảo với Trung Quốc và tăng cường mối quan hệ đồng minh với Mỹ.
Đưa ra phản ứng sau khi ông Abe chính thức được bổ nhiệm làm Thủ tướng Nhật Bản, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying bày tỏ hy vọng, chính quyền Tokyo sẽ nỗ lực hết mình nhằm đưa mối quan hệ song phương Nhật Bản – Trung Quốc quay trở về quỹ đạo “phát triển bình thường”.
Trong bối cảnh có nhiều quan chức Trung Quốc lo ngại ông Abe sẽ áp đặt “một lập trường ngoại giao cứng rắn hơn” đối với Bắc Kinh, đặc biệt liên quan tới vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo, lại có một số ý kiến khác tin tưởng rằng, ông Abe sẽ có những lập trường “mềm dẻo và linh hoạt hơn” nhằm giải quyết những khúc mắc ngoại giao với Bắc Kinh. Trên thực tế, ngay từ khi lần đầu tiên lên nắm quyền Thủ tướng Nhật Bản năm 2006, ông Abe đã chọn Trung Quốc là điểm công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới. Chuyến đi này đã được dư luận hai nước hoan nghênh và đánh giá “là một động thái giúp hàn gắn mối quan hệ đang nguội lạnh giữa Bắc Kinh và Tokyo lúc bấy giờ”.
Ngay trong ngày 26/12, Tổng thống Lee Myung-bak đã gửi thư chúc mừng tân Thủ tướng Nhật Bản Abe, nhấn mạnh, Hàn Quốc và Nhật Bản là “láng giềng và đồng minh thân cận”. Bức thư của ông Lee Myung-bak viết: “Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục duy trì hợp tác và trao đổi như là láng giềng và đồng minh thân cận”. Ông kêu gọi hai bên “cùng thực hiện những nỗ lực chung hướng tới tương lai vì hòa bình và thịnh vượng của hai nước, khu vực Đông Bắc Á và thế giới”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng ra tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi muốn phối hợp chặt chẽ với chính phủ mới của Nhật Bản để thúc đẩy phát triển quan hệ song phương thành một quan hệ đối tác chín muồi thông qua hợp tác hướng tới tương lai, dựa trên sự nhìn nhận đúng đắn lịch sử”.
Không chỉ các nước trong khu vực, báo chí nước ngoài cũng nhanh chóng đưa ra bình luận về việc ông Shinzo Abe tái đắc cử Thủ tướng Nhật Bản. Các bài viết trên chủ yếu đề cập tới một khó khăn hàng đầu của ông Abe đó là “làm thế nào để có thể hồi phục nền kinh tế Nhật Bản”.
Tờ New York Times và kênh truyền hình CNN cho rằng, ông Abe sẽ nhanh chóng thực hiện các cam kết trong chiến dịch tranh cử, đặc biệt là các biện pháp cải thiện tình hình kinh tế bởi chính trường Nhật Bản rất khắc nghiệt. Việc Nhật Bản liên tiếp thay đến 7 lần Thủ tướng chỉ trong vòng hơn 6 năm qua cho thấy, “môi trường chính trị của đất nước mặt trời mọc sẽ sớm quay lưng với những nhà lãnh đạo tỏ ra thất bại trong việc thực hiện những cam kết về thay đổi”.
Trong khi đó, hãng truyền thông BBC lại có bài viết đề cập tới các biện pháp cải cách do ông Abe đề xuất nhằm “mang lại một sự thay đổi lớn” cho nền kinh tế Nhật Bản. Cụ thể, tân Thủ tướng Abe cam kết sẽ chấm dứt tình trạng trì trệ về mặt kinh tế đã kéo dài tại Nhật Bản thông qua các biện pháp cụ thể như: thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, hãng tin này cũng dẫn lời một số chuyên gia cho rằng, “những chính sách trên của ông Abe chỉ đưa ra một sự thay đổi rất nhỏ so với những chính sách hiện hành tại Nhật Bản”.
Trong khi chủ yếu các hãng truyền thông khác đề cập tới những nỗ lực cải cách kinh tế của tân Thủ tướng Nhật Bản thì hãng thông tấn Reuters lại nhắc tới một trong những cam kết cũng được xem là “không kém phần quan trọng” trong chiến dịch tranh cử của ông Abe về việc chính quyền Tokyo sẽ áp dụng một lập trường cứng rắn đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với hai nước láng giềng là Hàn Quốc và Trung Quốc. Tuy nhiên, hãng tin này cũng đưa ra nhận định rằng, trong bối cảnh hiện nay, có nhiều khả năng ông Abe sẽ tạm hoãn lại những vấn đề về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ nhằm đặt ưu tiên cho những nỗ lực thúc đẩy kinh tế.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()