Nhật Bản là thị trường được nhiều lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài lựa chọn
Theo Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), trong tháng 2-2023, Nhật Bản là thị trường được nhiều lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài lựa chọn.
Số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp cho thấy, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 2-2023 là 6.601 lao động (2.626 lao động nữ), gấp hơn 13 lần so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 2-2022 là 500 lao động, trong đó 43 lao động nữ), trong đó, Nhật Bản chiếm ưu thế với 3.470 lao động (1.618 lao động nữ), ngoài ra lao động làm việc tại các thị trường khác như: Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hungary…
Lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. Ảnh minh họa: TTXVN |
Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 28.429 lao động (9.452 lao động nữ) đạt 25,84% kế hoạch năm 2023, (năm 2023, dự tính kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là từ 110.000 lao động) và gấp hơn 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái (2 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 1.359 lao động).
Về việc đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động Việt Nam khi làm việc tại nước ngoài, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị các Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động người lao động về nước đúng thời hạn hợp đồng và lao động đang cư trú bất hợp pháp về nước.
Theo đại diện Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo Bộ, sự phối hợp hiệu quả và kịp thời của các đơn vị trong và ngoài Bộ, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các địa phương.
Trong năm 2023, Cục quản lý lao động ngoài nước sẽ tập trung hoàn thiện, thúc đẩy ký kết cũng như sửa đổi, bổ sung các Thỏa thuận, Bản Ghi nhớ về hợp tác lao động với các nước tiếp nhận; tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữ vững các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống, mở rộng để tăng dần số lượng lao động Việt Nam đi làm việc tại một số quốc gia châu Âu trong các ngành nghề mới với công việc ổn định và thu nhập cao; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan hữu quan của các quốc gia/vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động theo dõi sát sao tình hình của người lao động làm việc ở nước ngoài, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động;…
Nguồn:https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/nhat-ban-la-thi-truong-duoc-nhieu-lao-dong-viet-nam-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-lua-chon-721285
Ý kiến ()