Nhật Bản khuyến khích tăng tuổi nghỉ hưu lên 70 do già hóa dân số
Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số nhanh chóng dẫn tới thiếu hụt lao động
Là một phần của các biện pháp đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động, Chính phủ Nhật Bản sẽ hối thúc các công ty thực hiện các nỗ lực nhằm bảo đảm công việc cho người lao động tới 70 tuổi bằng việc đưa ra các hình thức như tiếp tục thuê lao động sau khi tới tuổi nghỉ hưu, hỗ trợ người lao động tìm công việc mới tại các công ty khác, hỗ trợ tài chính cho các hợp đồng thuê việc tự do và hỗ trợ doanh nghiệp.
Nhiều công ty tại Nhật Bản đặt độ tuổi nghỉ hưu cho người lao động là 60 tuổi, nhưng người lao động vẫn có thể làm việc tới 65 tuổi nếu họ mong muốn và chủ lao động tuân thủ luật thuê lao động.
Phát biểu tại cuộc họp thảo luận các chính sách phát triển với Hội đồng đầu tư cho tương lai vào hôm qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng, nếu cần thiết, chính phủ sẽ cung cấp nhiều hình thức để sử dụng được chuyên môn thành thạo của những lao động nhiều tuổi. “Tôi muốn những người già khỏe mạnh, có mong muốn làm việc được sử dụng kinh nghiệm và trí tuệ của họ cho xã hội”, Thủ tướng Abe nhấn mạnh.
Chính phủ Nhật Bản đặt kế hoạch đệ trình một dự luật lên Quốc hội vào năm tới để sửa đổi một số luật liên quan nhằm tạo việc làm ổn định cho người cao tuổi.
Già hóa dân số nhanh chóng
Bảo đảm lực lượng lao động ổn định là một phần quan trọng để bảo đảm các quỹ an sinh nhằm đáp ứng với chi phí an sinh xã hội ngày một tăng cao do dân số già. Theo số liệu công bố của chính phủ Nhật Bản, cứ một trong số ba người dân nước này sẽ ở độ tuổi 65 vào năm 2025. Năm ngoái, trong số 66,64 triệu lao động có độ tuổi từ 15 tuổi trở lên có 8,62 triệu lao động (chiếm 13%) ở độ tuổi 65.
Một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu dân số và an ninh xã hội quốc gia Nhật Bản cho biết, xã hội già hóa dân số nhanh chóng của Nhật Bản sẽ chứng kiến 1/4 dân số bước vào tuổi 75 và cao hơn vào năm 2040.
Theo đó, tổng số hộ gia đình có chủ hộ từ 75 tuổi trở lên sẽ vào khoảng 12,17 triệu người, và số hộ gia đình chỉ có một người sẽ lên tới 19,94 triệu, chiếm 2/5 tổng số hộ gia đình. Đáng báo động, số người trên 75 tuổi sống đơn độc sẽ lên tới 5 triệu người.
Báo cáo này nhận định, khi số lượng người già Nhật Bản sống một mình tăng lên, đất nước này càng phải cần cải tạo hệ thống an sinh xã hội và cơ sở hạ tầng có liên quan
Hiện tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản chỉ đạt 2,3%, mức thấp nhất từ đầu những năm 1990, đã cho thấy mức độ thiếu hụt lao động ở một loạt lĩnh vực từ công nghiệp tới các cửa hàng tiện lợi.
Chính phủ Nhật Bản đã công bố một loạt biện pháp đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động do tốc độ già hóa dân số nhanh chóng như tuyển nhiều hơn lao động nước ngoài và khuyến khích phụ nữ tham gia vào thị trường lao động.
Tuy nhiên, theo tính toán của Viện Nghiên cứu và Tư vấn Persol thuộc Đại học Chuo, đến năm 2030, đất nước “Mặt trời mọc” sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt 6,44 triệu lao động.
Trong khi gia tăng các hình thức việc làm cho người cao tuổi, chính phủ Nhật Bản sẽ không xem xét việc tăng độ tuổi nhận lương hưu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()