Nhật Bản không trì hoãn việc xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố không thể trì hoãn kế hoạch xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra biển từ đầu năm 2023.
Theo tờ The Guardian ngày 18-10, trong chuyến thị sát đầu tiên tới nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để bảo đảm với người dân địa phương rằng nguồn nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý được xả ra T
Các bể chứa nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.Ảnh: AP |
hái Bình Dương là an toàn. “Tôi cho rằng việc xả số nước thải này ra biển là vấn đề trọng đại không nên bị trì hoãn”, Thủ tướng Kishida phát biểu với báo giới sau cuộc làm việc với Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO)-đơn vị vận hành nhà máy Fukushima Daiichi.
Hồi tháng 4 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản quyết định cho phép xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý bằng công nghệ tiên tiến từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra biển, đồng thời cam kết bảo đảm nước thải này luôn ở mức an toàn. Quyết định được đưa ra hơn một thập niên sau các sự cố liên tiếp ở nhà máy này do thảm họa động đất và sóng thần gây ra hồi tháng 3-2011. Thảm họa động đất và sóng thần đã gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân ở nhà máy Fukushima Daiichi, dẫn đến tình trạng mất điện ở các lò phản ứng từ số 1 đến số 4. Hậu quả là các lò từ số 1 đến số 3 bị nóng chảy, buộc nhà máy phải bơm nước làm mát. Cùng với nước ngầm tại khu vực cũng bị nhiễm phóng xạ, nước thải sau quá trình làm mát ở các lò phản ứng được xử lý bằng hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến ALPS và chứa trong các bể chứa tại nhà máy. ALPS giúp loại bỏ phần lớn các chất phóng xạ, trong đó có strontium và cesium, nhưng không thể loại bỏ tritium, chất được cho là ít gây nguy hiểm đến sức khỏe con người khi ở nồng độ thấp. Có hơn 1,2 triệu tấn nước thải đã qua xử lý đang ở trong các bể chứa tại nhà máy Fukushima Daiichi. TEPCO cho biết, tới mùa thu năm 2022, lượng nước thải ra sẽ vượt quá sức chứa của các bể chứa.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong chuyến thị sát tới nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.Ảnh: Kyodo News |
Tới tháng 8-2021, TEPCO công bố kế hoạch xây dựng một đường hầm dưới biển để xả hơn 1,2 triệu tấn nước thải nói trên ra biển. Công tác xây dựng đường hầm sẽ được triển khai vào tháng 3-2022 sau khi thực hiện các nghiên cứu khả thi và được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng. Dự kiến, đường hầm này sẽ có đường kính khoảng 2,5m, với chiều dài khoảng 1km kéo dài về phía Đông Thái Bình Dương. Theo Chính phủ Nhật Bản, việc xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra biển sẽ bắt đầu vào mùa xuân năm 2023 và phải mất hàng thập niên mới hoàn tất.
Tờ The Guardian cho biết, Nhật Bản đã đề nghị Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hỗ trợ bảo đảm việc xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn toàn cầu. IAEA cho rằng việc xả thải của Nhật Bản là phù hợp với thông lệ quốc tế và khả thi về mặt kỹ thuật, đồng thời khẳng định sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình giám sát việc xả thải này.
Mặc dù vậy, quyết định của Chính phủ Nhật Bản cũng khiến một số quốc gia láng giềng và cộng đồng ngư dân địa phương quan ngại. TEPCO khẳng định sẵn sàng bồi thường những thiệt hại liên quan tới công tác xả thải này cũng như chấp nhận sự thanh tra của IAEA về độ an toàn. Tờ The Guardian dẫn lời Thủ tướng Kishida cho biết, Chính phủ “sẽ đưa ra những giải thích về tính an toàn của việc xả thải dựa trên quan điểm khoa học và minh bạch để xua tan mọi lo ngại”.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()