Nhật Bản, Hàn Quốc phản đối Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo
Quân sự thế giới hôm nay (27-3) có những tin đáng chú ý sau: Nhật Bản, Hàn Quốc phản đối Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo; Nga cáo buộc Australia tham gia “NATO toàn cầu”; Israel sa thải Bộ trưởng Quốc phòng.
* Nhật Bản, Hàn Quốc phản đối Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo
Theo India Today, vào lúc 7 giờ 47 phút và 8 giờ sáng 27-3 (giờ địa phương), Triều Tiên tiếp tục phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Đây là tên lửa đạn đạo thứ 10 và 11 trong 8 ngày liên tục trong tháng Triều Tiên phóng ra vùng biển phía Đông nhằm phản đối các cuộc tập trận tăng cường của liên quân Mỹ – Hàn Quốc, trong đó có kịch bản đổ bộ quy mô lớn.
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, 2 quả tên lửa được phóng đi từ tỉnh Hwanghae phía Nam Thủ đô Bình Nhưỡng và đã bay được quãng đường 370km, trong đó cả 2 quả tên lửa đều bay quãng đường khoảng 350km ở độ cao 50km trước khi rơi xuống biển bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un quan sát trong một lần phóng thử tên lửa đạn đạo. Ảnh: KCNA. |
Nhật Bản và Hàn Quốc ngay lập tức đã cáo buộc hành động này của Triều Tiên đe dọa an ninh khu vực và Hàn Quốc tuyên bố vẫn sẽ tập trận chung với Mỹ theo kế hoạch. Trong khi đó, phía Triều Tiên đã nhiều lần lên án chính việc Mỹ và Hàn Quốc liên tục tập trận thời gian qua với thái độ thù địch với Triều Tiên mới là nguyên nhân khiến an ninh trên bán đảo Triều Tiên bị đe dọa nghiêm trọng. Quốc gia Đông Á này đồng thời cũng khẳng định sẽ tiếp tục diễn tập quân sự và phóng tên lửa phản đối.
Bán đảo Triều Tiên đang trong một giai đoạn căng thẳng leo thang chưa từng có khi Mỹ và Hàn Quốc liên tục tập trận chung với các kịch bản nhắm vào Triều Tiên và Triều Tiên cũng liên tục phóng tên lửa phản đối.
* Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant sau khi ông này phản đối kế hoạch cải cách tư pháp của chính phủ. Phản ứng trước động thái nói trên, hàng chục nghìn người đã xuống đường, chật kín cao tốc Ayalon, cửa ngõ dẫn vào Tel Aviv, để biểu tình phản đối. Biểu tình cũng nổ ra ở Beersheba, Haifa và Jerusalem. Từ Mỹ, ông Asaf Zamir, Tổng lãnh sự Israel tại New York, cũng tuyên bố sẽ từ chức để phản đối quyết định sa thải Bộ trưởng Quốc phòng nói trên.
Biểu tình phản đối chính phủ sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và cải cách tư pháp. Ảnh: Reuters. |
Các cuộc biểu tình đã diễn ra nhiều tháng qua phản đối chính sách cải cách tư pháp do chính phủ ông Netanyahu đưa ra. Những người biểu tình cho rằng Thủ tướng đang tìm cách thủ tiêu cơ chế “kiểm soát và cân bằng quyền lực”. Hiện tại, Bộ Quốc phòng Israel vẫn chưa có người đứng đầu mới.
* Nga cáo buộc Australia tham gia “trục quân sự” với Mỹ và NATO như một phần của kế hoạch “NATO toàn cầu”. Cáo buộc nói trên được Tổng thống Vladimir Putin đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với Kênh truyền hình Nga Rossiya-24 tối ngày 26-3 (giờ địa phương), trong đó ông Putin đã chỉ rõ các nước Australia, New Zealand và Hàn Quốc đang có xu hướng gia nhập “NATO toàn cầu”. Tổng thống Nga cũng nhắc tới thỏa thuận quốc phòng giữa Vương quốc Anh và Nhật Bản.
Trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Vladimir Putin cũng xác nhận rằng Nga và Trung Quốc không thiết lập một liên minh quân sự, ngay cả sau chuyến thăm Nga chính thức của Chủ tịch Tập Cận Bình, và hợp tác quốc phòng giữa 2 nước là hết sức minh bạch. Ông nói: “Nga không thiết lập liên minh quân sự với Trung Quốc. Chúng tôi có quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quân sự – kỹ thuật và không giấu giếm điều đó. Mọi thứ đều rất minh bạch, không có gì là bí mật cả”.
* Quân đội Canada đang đứng trước làn sóng phản đối của hàng nghìn quân nhân mất trợ cấp sinh hoạt phí mà không được tham khảo ý kiến trước. Cụ thể, tuần trước Bộ Quốc phòng Canada thông báo sẽ cắt khoản trợ cấp sinh hoạt phí bổ sung đối với khoảng 7.700 quân nhân bắt đầu từ tháng 7 tới. Thay vào đó, Bộ Quốc phòng sẽ đưa vào thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở mới mà theo lãnh đạo quân đội là sẽ tốt hơn và hướng đến những đối tượng cần được hưởng trợ cấp hơn.
Quân đội Canada bỏ trợ cấp chi phí sinh hoạt và thay bằng trợ cấp hỗ trợ nhà ở. Ảnh: ctvnews.ca. |
Nhiều quân nhân đã bày tỏ sự bất bình trước kế hoạch này, cho rằng lộ trình thời gian như vậy là quá ngắn và không hài lòng với tỷ lệ tăng lương 10% trong thời gian 4 năm. Các chuyên gia cho rằng việc không được tham khảo ý kiến trước cho thấy cách thức quân đội hành xử với quân nhân của mình và lo ngại điều này sẽ đem lại thêm nhiều bất lợi hơn trong bối cảnh quân đội Canada vốn đang gặp khó trong tuyển dụng và giữ chân quân nhân.
Năm 2000, quân đội Canada bắt đầu thực hiện chính sách trợ cấp sinh hoạt phí cho quân nhân đóng quân ở một số khu vực có chi phí đắt đỏ. Sau nhiều năm tranh cãi giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính, đến nay khoản tiền trợ cấp này đã chính thức bị bãi bỏ với quan điểm cho rằng quân đội Canada đã được trả lương tương đối cao so với mặt bằng chung của xã hội.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-27-3-nhat-ban-han-quoc-phan-doi-trieu-tien-phong-ten-lua-dan-dao-723054
Ý kiến ()