Nhật Bản gồng mình chống "bão giá"
Lạm phát tại Nhật Bản đã tăng trong 13 tháng liên tiếp do đồng yen giảm giá và giá năng lượng tăng cao đang tác động mạnh tới các hộ gia đình ở nước này. Để đối phó “bão giá” và vực dậy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ Nhật Bản vừa phê duyệt gói kích thích kinh tế trị giá hơn 490 tỷ USD, trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước này.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước này. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 cùng xung đột Nga-Ukraine đã khiến giá cả không ngừng leo thang, tạo nên mức lạm phát cao gây quan ngại cho kinh tế Nhật Bản. Thống kê của chính phủ công bố mới đây cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi (trừ biến động giá của mặt hàng tươi sống) trong tháng 9 đã tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất kể từ năm 2014. Như vậy, tháng 9 là tháng thứ sáu liên tiếp CPI của Nhật Bản ở mức cao hơn mục tiêu lạm phát 2% mà BOJ đề ra.
Thống kê cho thấy, “bão giá” đặc biệt nghiêm trọng tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Cụ thể, giá thực phẩm (không bao gồm thực phẩm tươi sống) tại Tokyo trong tháng 10 tăng 5,9%; giá năng lượng cũng tăng 24,2%. Các nhà kinh tế dự đoán CPI lõi của nước này sẽ tăng hơn nữa từ nay đến cuối năm; nhu cầu về năng lượng dự báo sẽ tăng cao hơn nữa khi Nhật Bản chuẩn bị vào mùa đông.
Tình trạng giá cả, lạm phát leo thang như trên đã và đang tác động tiêu cực đến các hộ gia đình và doanh nghiệp tại Đất nước Mặt trời mọc. Một hệ lụy nữa của lạm phát là kể từ đầu năm tới nay, đồng yen của Nhật Bản đã mất giá khoảng 30% so với USD của Mỹ.
Những ngày gần đây, tại thị trường Tokyo, đồng yen tiệm cận gần ngưỡng hỗ trợ tâm lý 150 yen/USD bất chấp việc giới chức tài chính Nhật Bản đã nhiều lần cảnh báo sẽ can thiệp để chặn đà mất giá của đồng yen. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nêu trên là do lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng đã thúc đẩy các nhà đầu tư bán yen để mua vào USD.
Để đối phó các thách thức kinh tế nêu trên, Nội các Nhật Bản vừa thông qua gói kích thích kinh tế mới có tổng trị giá 71.600 tỷ yen (hơn 490 tỷ USD) nhằm giảm bớt tác động của tình trạng giá cả leo thang tới người dân và doanh nghiệp, đồng thời “tăng lực” cho đà phục hồi của nền kinh tế nước này. Trong gói kích thích kinh tế đó, Chính phủ Nhật Bản dành 39 nghìn tỷ yen cho chi tiêu công, phần còn lại cho khu vực tư nhân.
Theo đó, chính phủ dự kiến sẽ hỗ trợ 7 yen/kWh điện tiêu thụ cho các hộ gia đình và 3,5 yen/kWh cho các doanh nghiệp. Mỗi tháng, bình quân một hộ gia đình ở Nhật Bản sẽ được hỗ trợ khoảng 2.800 yen tiền điện và khoảng 900 yen tiền khí đốt. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ gia hạn chương trình trợ cấp cho các nhà nhập khẩu và bán buôn nhiên liệu nhằm giảm giá bán lẻ xăng, dầu trong nước sang năm 2023; thực hiện các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp tăng lương cho người lao động…
Chính phủ của Thủ tướng Kishida ước tính “liều thuốc tăng lực” nói trên mới có thể giúp tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Nhật Bản thêm 4,6%. Đồng thời, BOJ đã quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Hội đồng Chính sách BOJ đã quyết định nâng dự báo lạm phát ở Nhật Bản trong tài khóa 2022 (kết thúc vào cuối tháng 3/2023) từ 2,3% lên 2,9%, đồng thời hạ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế nước này từ 2,4% xuống còn 2%.
Hiện tại, BOJ quyết định giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0% nhằm hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, việc BOJ quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng có thể làm tăng áp lực giảm giá đối với đồng yen.
Điều này có thể sẽ khiến Chính phủ Nhật Bản phải can thiệp vào thị trường tiền tệ một lần nữa bằng nghiệp vụ bán USD để mua yen. Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) Masakazu Tokura tuần trước nhận định rằng, việc cố gắng kiểm soát tỷ giá hối đoái thông qua việc điều chỉnh lãi suất như vậy là “phi thực tế”.
Xem ra, các chính sách chống lạm phát và phục hồi kinh tế của Chính phủ Nhật Bản dù đã khá mạnh mẽ, song vẫn chưa bảo đảm triển vọng tăng trưởng và ổn định vĩ mô cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Thời gian tới, BOJ có thể sẽ phải điều chỉnh về lãi suất và Chính phủ Nhật Bản sẽ phải hành động quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn “bão giá”.
Ý kiến ()