Nhật Bản đối phó thách thức bùng nổ du lịch
Với khoảng 17,78 triệu lượt du khách nước ngoài đến Nhật Bản trong nửa đầu năm 2024, mức cao nhất từ trước đến nay xét trong giai đoạn sáu tháng, Nhật Bản dự kiến đón lượng du khách kỷ lục. Ðây là tín hiệu tích cực khi du lịch Nhật Bản phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19, song cũng đặt ra nhiều thách thức mới. Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực giải quyết tình trạng du lịch quá tải, phát triển bền vững ngành công nghiệp không khói.
Tại cuộc họp nội các ngày 19/7 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, số du khách nước ngoài tới Nhật Bản năm 2024 dự kiến là 35 triệu lượt người, vượt qua mức kỷ lục 31,88 triệu ghi nhận vào năm 2019, kéo theo chi tiêu của du khách quốc tế tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay, khoảng 8.000 tỷ yen (50 tỷ USD) do đồng yen yếu. Ðể tăng nguồn thu từ lĩnh vực kinh tế mũi nhọn này, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu thu hút 60 triệu lượt du khách nước ngoài mỗi năm từ năm 2030 thông qua việc đẩy mạnh mở rộng du lịch trong nước và phát triển các khu vực du lịch bền vững. Theo số liệu hằng tháng do Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản công bố, nước này đón khoảng 3,14 triệu lượt du khách quốc tế trong tháng sáu vừa qua, tăng 51,2% so với cùng kỳ năm 2023 và đánh dấu mốc kỷ lục mới hằng tháng. Ðây cũng là tháng thứ 4 liên tiếp vượt mốc 3 triệu lượt khách nước ngoài. Hàn Quốc đứng đầu về số du khách đến Nhật Bản trong tháng 6 với hơn 700.000 lượt người, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023, tiếp theo là Trung Quốc với khoảng 660.000 lượt người. Bên cạnh đó, đồng yen yếu cũng thúc đẩy chi tiêu du lịch lên mức cao mới là khoảng 2.100 tỷ yen (13 tỷ USD) trong quý từ tháng 4 đến tháng 6.
Mặc dù ngành du lịch Nhật Bản đang khởi sắc, song lượng du khách tăng vọt cũng gây ra nhiều thách thức như tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, xáo trộn sinh hoạt của cư dân và các vấn đề liên quan khác khi du khách không tuân thủ quy định của địa phương. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Kishida cam kết sẽ thực hiện các biện pháp giải quyết vấn đề du lịch quá tải, trong đó có tính đến việc thu hút khách du lịch đến những khu vực ít được biết đến hơn và giảm hệ lụy từ tình trạng quá tải du lịch như gây tắc nghẽn giao thông và vi phạm các nghi thức truyền thống Nhật Bản. Ðể thu hút du khách nước ngoài đến các vùng nông thôn, Chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét thiết lập chương trình hỗ trợ tài chính để mở rộng các chuyến bay đến các sân bay địa phương. 20 khu vực trên cả nước Nhật Bản được chọn làm mô hình tiên phong nhằm nâng cao nhận thức về cách cư xử của khách du lịch. Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ bổ sung thêm sáu khu vực, đồng thời lên kế hoạch biên soạn các hướng dẫn để giải quyết vấn đề du lịch quá tải vào cuối năm nay.
Trong nỗ lực đáp ứng nhu cầu nhập cảnh ngày một tăng, Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch giới thiệu hệ thống mới giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục nhập cảnh cho du khách nước ngoài từ đầu năm 2025. Hệ thống mới gọi là "thông quan trước" cho phép du khách quốc tế tận dụng thời gian chờ tại sân bay khởi hành để thực hiện hầu hết thủ tục nhập cảnh vào Nhật Bản. Khi đến nơi, du khách có thể nhập cảnh một cách suôn sẻ, nhanh chóng chỉ với một thao tác kiểm tra đơn giản. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản quyết định xây dựng các hướng dẫn vào cuối năm nay để ứng phó tình trạng quá tải du lịch. Dự kiến, hướng dẫn sẽ xem xét các vấn đề như phí cầu đường tại các điểm du lịch và áp dụng phí đặc biệt đối với du khách nước ngoài.
Tình trạng quá tải du lịch hay còn gọi là "ô nhiễm du lịch" gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương và trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Các chính quyền địa phương ở Nhật Bản đang gấp rút bảo đảm nguồn tài chính để trang trải chi phí cho các biện pháp đối phó như xem xét áp dụng chế độ thu thuế lưu trú nhằm có thêm nguồn kinh phí để nâng cao chất lượng dịch vụ. Hiệp hội các nhà điều hành doanh nghiệp Nhật Bản đã đề xuất dự thảo luật hóa thuế lưu trú và áp dụng từ năm 2026 như một nguồn thu ổn định để phục hồi ngành du lịch.
Nhật Bản chứng kiến sự tăng trưởng đáng kinh ngạc trong lĩnh vực du lịch nhiều năm qua và trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất ở châu Á. Việc Chính phủ Nhật Bản thực thi nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ không chỉ góp phần khai thác tiềm năng du lịch mà còn thúc đẩy phát triển du lịch một cách bền vững, để đất nước Mặt trời mọc luôn trở thành một điểm đến hấp dẫn.
Ý kiến ()