Nhật Bản điều chỉnh mức tăng GDP trong quý III/2019
Ngày 9/12, Văn phòng Nội các Nhật Bản thông báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III của Nhật Bản tăng 0,4%, cao hơn so với dự báo ban đầu do nhu cầu tiêu dùng trong nước và tình hình xuất khẩu tỏ ra lạc quan trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại và căng thẳng thương mại Mỹ – Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ảnh minh họa. |
Theo dữ liệu được công bố, nền kinh tế Nhật Bản trong quý III tăng trưởng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng trưởng 0,2% ước tính trong báo cáo sơ bộ được công bố trước đó. So với quý trước đó, GDP của Nhật Bản cũng được điều chỉnh nâng từ mức 0,1% lên mức 0,4%. Đây là quý tăng trưởng thứ 4 liên tiếp, vượt xa dự báo của các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó là khi tăng trưởng chỉ đạt 0,7%.
Theo số liệu chính thức được công bố tháng trước, chi tiêu hộ gia đình Nhật Bản trong tháng 9 tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nhu cầu tiêu dùng và đầu tư doanh nghiệp tăng trước thời điểm Chính phủ tăng thuế tiêu dùng từ mức 8% lên 10% từ ngày 1/10 vừa qua. Một số nhà phân tích dự báo tăng trưởng quý IV có thể sẽ chậm lại do dự báo về chi tiêu tiêu dùng sẽ giảm.
Chi tiêu vốn trong quý III tăng 1,8% so với quý II, cao hơn mức tăng 0,9% được ghi nhận trong báo cáo sơ bộ trước đó và vượt mức tăng trưởng 1,7% so với dự báo được đưa ra.
Chi tiêu cá nhân, chiếm 60% GDP của Nhật Bản tăng 0,5% so với quý II, cao hơn mức tăng 0,4% ước tính sơ bộ. Xuất khẩu ròng giảm 0,2%, trong khi nhu cầu trong nước tăng 0,6%.
Tăng trưởng GDP của Nhật Bản trong quý III phục hồi nhanh hơn so với dự báo sau khi xuất khẩu và sản lượng nhà máy tại Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua vào tháng 10.
Một số chuyên gia cho rằng đầu tư kinh doanh và chi tiêu tiêu dùng tăng đột biến trước thời điểm Chính phủ tăng thuế tiêu dùng từ ngày 1/10 sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng trong những tháng tới.
Vào tuần trước, lần đầu tiên kể từ năm 2016, Chính phủ Nhật Bản đã công bố gói kích thích tài chính mới trị giá 122 tỷ USD nhằm giúp xứ sở Mặt trời mọc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Động thái này nhằm giảm bớt tác động tiêu cực từ việc tăng thuế tiêu thụ cùng những ảnh hưởng đáng kể từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ – Trung Quốc và bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()