Nhật Bản đếm ngược tròn một năm tới Olympic Tokyo 2020
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại buổi lễ đánh dấu tròn một năm đếm ngược đến Olympic Tokyo 2020.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phấn khởi cho biết, hiện công việc chuẩn bị cho kỳ Thế vận hội mùa hè lần thứ 32 trong lịch sử vẫn theo đúng kế hoạch đã đặt ra, dù sáu năm vừa qua đã trôi qua nhanh chóng kể từ khi Tokyo chính thức nhận vinh dự đăng cai Olympic 2020 vào năm 2013.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị của nước chủ nhà, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach nhấn mạnh, Tokyo đã bảo đảm những gì tốt nhất có thể cho công tác này hơn bất kỳ thành phố nào đã từng đăng cai Thế vận hội.
Một năm trước ngày hội lớn, chỉ còn ba địa điểm tổ chức Olympic đang trong giai đoạn hoàn tất trên tổng số 43 địa điểm, bao gồm 25 địa điểm có sẵn, 10 địa điểm tạm thời và tám địa điểm được xây mới hoàn toàn. Dự kiến, Olympic 2020 sẽ chứng kiến số lượng các môn thể thao kỷ lục, bao gồm 33 bộ môn với 339 nội dung thi đấu.
Trước đó, hồi đầu tháng này, Ban tổ chức cũng cho biết, khoảng 3,22 triệu vé xem Olympic đã được bán ra cho các khán giả Nhật Bản trong đợt đầu tiên vào tháng 6. Theo ước tính ban đầu, khoảng 7,8 triệu vé sẽ được mở bán cho tất cả các sự kiện Olympic, nhưng con số này dự kiến sẽ sớm vượt mốc chín triệu, cho thấy sức hút lớn của Olympic với người dân Nhật Bản.
Đợt bán vé thứ hai cho công dân ở xứ sở Mặt trời mọc sẽ được tổ chức vào tháng 8, trong khi khoảng ba triệu vé khác sẽ tiếp tục được bán ra trong các giai đoạn sau. Ngoài ra, khoảng 20-30% tổng số vé cũng sẽ được phân phối cho khán giả quốc tế và đại diện các nhà tài trợ. Hiện tại, con số khổng lồ hơn 200 nghìn người Nhật Bản ở cả trong và ngoài nước đăng ký làm tình nguyện viên tại Thế vận hội cũng là bằng chứng cho thấy công dân nước chủ nhà đang rất háo hức trước sự kiện thể thao tầm cỡ này.
Ngày 24-7, đồng hồ đếm ngược đặt tại ga Tokyo được khởi động vào thời điểm tròn một năm trước khi Thế vận hội 2020 chính thức khai màn.
Trong buổi lễ ngày hôm qua, Ban tổ chức cũng đã ra mắt các Đại sứ cho hành trình rước đuốc Thế vận hội Tokyo 2020, dự kiến sẽ khởi động ở Fukushima và đi qua các khu vực khác ở đông bắc Nhật Bản, nơi đã hứng chịu tàn phá nặng nề trong thảm họa kép động đất và sóng thần vào tháng 3-2011. Chính vì thế, một kỳ “Thế vận hội tái thiết” cũng là khẩu hiệu của nước chủ nhà, nhằm chứng minh cho cả thế giới về những nỗ lực mà Nhật Bản đã làm để hồi sinh các khu vực bị thiệt hại do động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân cách đây hơn tám năm.
Ngoài ra, tại buổi lễ, thiết kế mẫu huy chương Olympic 2020 cũng đã được công bố. Theo đó, mẫu thiết kế của Junichi Kawanishi, một nhà thiết kế đồ họa đến từ Osaka đã được lựa chọn trong hơn 200 bản đăng ký dự thi gửi đến Ban tổ chức. Các huy chương Olympic 2020 có đường kính 85 mm, mặt trước có hình nữ thần chiến thắng Nike trong thần thoại Hy Lạp cùng biểu tượng Olympic. Đặc biệt, các mẫu huy chương này được làm bằng kim loại tái chế, thu thập từ 6,21 triệu thiết bị điện tử cũ quyên góp bởi người dân trên khắp Nhật Bản.
Nhà thiết kế Junichi Kawanishi thuyết trình về mẫu huy chương Olympic Tokyo 2020.
Cận cảnh các mẫu huy chương Olympic 2020, phần thưởng cao quý mà bất cứ vận động viên nào cũng mong muốn được sở hữu.
Ngoài những con số ấn tượng kể trên thì Olympic 2020 cũng gặp phải một số khó khăn nhất định, đặt biệt là vấn đề liên quan đến kinh phí tổ chức. Theo số liệu được công bố vào tháng 12 năm ngoái, tổng chi phí cho Olympic 2020 rơi vào khoảng 1,35 nghìn tỷ Yên (12,5 tỷ USD), cao hơn nhiều so với ước tính ban đầu của nước chủ nhà (chỉ ở mức dưới bảy tỷ USD). Tuy vậy, con số này vẫn còn thấp hơn so với chi phí 13,2 tỷ USD cho Olympic Rio 2016 và 15 tỷ USD ở Olympic London 2012. Trong lần đầu tiên đăng cai Thế vận hội cũng ở Tokyo vào năm 1964, nước chủ nhà đã tiêu tốn khoảng một nghìn tỷ Yên. Tuy nhiên, con số thâm hụt so với chi phí tổ chức dự kiến ở kỳ Thế vận hội sắp tới có thể được bù đắp phần nào bằng khoản tài trợ kỷ lục so với các Olympic trước đó khi đã vượt mốc ba tỷ USD.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh lo ngại về đợt nắng nóng kỷ lục như tháng 7-2018 vốn cướp đi sinh mạng của hàng chục người ở Tokyo có thể tái diễn, nước chủ nhà cũng lên kế hoạch tăng cường các biện pháp đối phó với thời tiết nắng nóng vào mùa hè 2020, như bố trí các khu vực có bóng râm, các phòng chờ máy lạnh và phòng tắm hạ nhiệt cho các vận động viên, cũng như các vòi phun nước giải nhiệt tại các khu vực công cộng.
Olympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra từ ngày 24-7 đến 9-8 mùa hè năm tới, đánh dấu 56 năm kể từ khi thủ đô của Nhật Bản đăng cai kỳ Thế vận hội lần đầu tiên vào năm 1964. Ủy ban Olympic Nhật Bản cũng đã đặt chỉ tiêu 30 Huy chương Vàng cho đoàn vận động viên nước chủ nhà. Paralympic 2020 sẽ diễn ra ngay sau khi Olympic khép lại, từ ngày 25-8 đến 6-9 năm sau.
Ý kiến ()