Nhật Bản dẫn đầu về đầu tư FDI vào Việt Nam
Nhật Bản đã vượt qua nhiều quốc gia, nền kinh tế và trở thành nước đầu tư lớn nhất FDI tại Việt Nam. Nhiều dự báo cho rằng, vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới…
![]() |
Ảnh minh hoạ (Nguồn: ipavinhphuc.vn) |
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch Đầu tư, kinh tế thế giới vẫn trong bối cảnh phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới dòng vốn FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn lại gần 30 năm đổi mới, kể từ khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987, có thể thấy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã trở thành một động lực quan trọng, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá… Đặc biệt, dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam vẫn đang duy trì ở xu thế tăng sau nhiều năm hợp tác đầu tư. Trước đó, vào tháng 2/2012, Nhật Bản đã thay thế Hàn Quốc, trở thành quốc gia đứng đầu trong danh sách các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Kết quả này một phần nhờ việc hoàn thiện chính sách về thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam, cũng như những cải thiện tích cực trong môi trường kinh doanh của Việt Nam, đặc biệt là thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, với quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam, các cơ chế hướng tới cải thiện môi trường kinh doanh thông qua sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản đã có từ 10 năm qua được đánh giá cao và có tác động tích cực… Đến cuối năm 2013, Nhật Bản tiếp tục là quốc gia dẫn đầu trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam. Tính lũy kế đến hết tháng 11/2013, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 2.103 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đạt 34,526 tỷ USD, chiếm 15,6% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.
Nhiều dự báo cũng cho rằng, nước dẫn đầu về đầu tư tại Việt Nam sẽ tiếp tục thuộc về Nhật Bản. Nhận định này ngày càng được củng cố khi thời gian gần đây các đoàn doanh nghiệp đến từ Nhật Bản vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến môi trường đầu tư tại Việt Nam. Các chuyến thăm Việt Nam của các đoàn doanh nghiệp đến từ Nhật Bản vẫn liên tục diễn ra như vào ngày 20/11, một đoàn gồm 40 doanh nghiệp Nhật Bản, thuộc Hiệp hội Kinh tế tỉnh Hiroshima – Nhật Bản đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh Hà Nam. Đây là những doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm: Thiết bị y tế, cơ khí, du lịch, điện tử, truyền thông…Trước đó, vào ngày 21/10, đoàn doanh nghiệp tỉnh Toyama – Nhật Bản gồm 30 doanh nghiệp cũng sang khảo sát môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Các lĩnh vực mà các doanh nghiệp Toyama quan tâm tại Việt Nam là công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là những ngành sử dụng công nghệ cao.
Theo điều tra của Jetro, Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam nội dung các doanh nghiệp Nhật Bản đang quan tâm khi đầu tư vào Việt Nam đó là tiền lương trả cho lao động Việt Nam bằng khoảng 40% tiền lương của người lao động Trung Quốc, Thái Lan. Tuy nhiên, do năm 2010, năm 2011, giá tiêu dùng tăng mạnh, tỷ lệ tăng lương của Việt Nam cao hơn các nước khác là 16,8%. Đó là chưa kể tới lộ trình tăng lương tối thiểu tiếp tục thực hiện từ ngày 1/1/2013 và đến năm 2015, mức lương tối thiểu sẽ lên tới 3 triệu đồng. Cùng với đó, sự thiếu hụt kỹ sư, nhân sự quản lý cấp trung ngày càng trầm trọng, đòi hỏi hệ thống giáo dục hoàn chỉnh lao động trong các ngành công nghiệp của nước ta phải có sự thay đổi để đáp ứng nhu cầu của phía đầu tư…
Ngoài ra, theo điều tra của Jetro, tỷ lệ nội địa hoá tại Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản dừng lại ở 28,7%, còn thấp so với các nước khác ở châu Á. Để duy trì sự phát triển kinh tế thì việc nuôi dưỡng, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ là nhiệm vụ cấp thiết đối với Việt Nam. Muốn phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, trước hết cần thu hút các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất linh kiện, sau đó thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp nước ngoài cho các doanh nghiệp địa phương.
Theo Dangcongsan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()