Nhật Bản chuẩn bị bầu Thủ tướng mới: Bước chuyển tiếp quan trọng
Chính trường Nhật Bản đang nóng lên khi thời điểm bầu người kế nhiệm Thủ tướng Kishida Fumio ngày càng đến gần. Trong bối cảnh Xứ sở Hoa anh đào đối mặt bộn bề thách thức, việc lựa chọn thủ tướng mới là bước chuyển tiếp quan trọng, góp phần định hình sự phát triển của Nhật Bản trong những năm tới.
Hơn một tháng sau khi Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố không tiếp tục ứng cử cương vị Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, LDP tuyên bố sẽ bầu nhà lãnh đạo mới vào ngày 27/9 tới, trước khi Quốc hội tiến hành phiên họp bất thường vào đầu tháng 10 để chọn ra thủ tướng tiếp theo của nước này.
Giới phân tích nhận định, cuộc đua vào ghế Chủ tịch LDP cũng chính là cuộc đua giành vị trí thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản, bởi trên thực tế, LDP chiếm thế đa số tại Quốc hội Nhật Bản. Vì vậy, người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu chọn lãnh đạo LDP sẽ trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Kishida Fumio.
Cuộc đua vào "ghế nóng" năm nay ghi nhận số lượng ứng cử viên đông nhất kể từ năm 1972, vượt xa con số năm ứng cử viên tại các cuộc bầu cử Chủ tịch LDP các năm 2008 và 2012.
Theo kết quả thăm dò ý kiến mới đây của Kyodo News, trong số chín ứng cử viên, Bộ trưởng An ninh kinh tế Sanae Takaichi, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba và cựu Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi đang tạm thời dẫn đầu.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, do số lượng ứng cử viên đông cho nên nhiều khả năng số phiếu bầu ở vòng một sẽ bị phân tán và không có ứng cử viên nào giành được đa số quá bán để trở thành tân chủ tịch đảng cầm quyền. Khi đó, hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất sẽ bước vào cuộc đua song mã trong vòng bỏ phiếu thứ hai mang tính quyết định.
Ngày bầu cử càng đến gần, dư luận càng đổ dồn mọi sự chú ý vào quan điểm của mỗi ứng cử viên về những thách thức mà Nhật Bản phải đối mặt. Tại những cuộc tranh luận chính sách công khai, các ứng cử viên không ngần ngại đề cập nhiều chủ đề "gai góc" như vấn đề uy tín của LDP, tình trạng già hóa dân số, kế hoạch phát triển kinh tế, chính sách an ninh xã hội… Giới phân tích nhận định, dù ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản sẽ phải đối mặt hàng loạt thách thức.
Trước hết là bài toán kinh tế. Mặc dù ghi nhận một số dấu hiệu tích cực thời gian gần đây, song theo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), nền kinh tế nước này còn đối mặt một số trở ngại, trong đó lạm phát là vấn đề nan giải hàng đầu.
Theo Bộ Nội vụ Nhật Bản, chỉ số giá tiêu dùng không bao gồm thực phẩm tươi sống, thước đo lạm phát chính của BoJ, tăng trong tháng thứ 36 liên tiếp. Giá gạo tăng tới 28,3% so cùng kỳ năm 2023, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ năm 1975.
Ngoài ra, già hóa dân số cũng là thách thức lớn đối với nền kinh tế, xã hội quốc gia Đông Bắc Á. Theo thống kê mới nhất, số người hơn 65 tuổi hiện chiếm 29,3% tổng dân số Nhật Bản, đưa Xứ sở Mặt trời mọc trở thành quốc gia có tỷ lệ dân số trong nhóm tuổi này cao nhất trên thế giới.
Đáng lo ngại, tỷ lệ nêu trên có thể chạm mốc 34,8% vào năm 2040. Trong khi đó, số ca sinh trong sáu tháng đầu năm 2024 lại giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1969.
Tokyo đã triển khai nhiều chính sách nhằm đảo ngược tình trạng tỷ lệ sinh giảm, song giới phân tích cho rằng, tăng tỷ lệ sinh sẽ không giải quyết được tình trạng thiếu lao động trong ngắn hạn. Do vậy, đây sẽ tiếp tục là vấn đề nan giải đối với thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản.
Bên cạnh đó, người kế nhiệm Thủ tướng Kishida Fumio cũng sẽ gánh trên vai trọng trách xây dựng lại niềm tin của người dân đối với đảng LDP cầm quyền, nhất là sau vụ bê bối quỹ chính trị khiến vị thế của LDP bị lung lay đáng kể.
Người dân Nhật Bản kỳ vọng, dù người giành chiến thắng là ai, thủ tướng tiếp theo sẽ sớm đưa đất nước vượt qua những khó khăn hiện nay và tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu trên con đường phát triển.
Ý kiến ()