Nhật Bản: Câu chuyện hồi sinh từ đổ nát
Nhật Bản vốn không xa lạ với các trận động đất, nhưng hiếm có trận động đất nào trong lịch sử có sức tàn phá khủng khiếp như trận động đất Kanto năm 1923, kéo theo một loạt thảm họa bao gồm bão lửa, sóng thần và lở đất khiến hơn 100.000 người thiệt mạng và 40.000 người mất tích. Tuy nhiên, đây cũng là cú hích để đất nước Mặt trời mọc có những nỗ lực vượt bậc nhằm tái thiết và phát triển mạnh mẽ sau đó.
Thành phố Yokohama từng là biểu tượng cho sự lạc quan của người Nhật Bản. Được ví von như “khu định cư nước ngoài” đầu tiên của đất nước này, Yokohama được thành lập vào năm 1859 khi Nhật Bản mở cửa với thế giới phương Tây. Thành phố đã phát triển với dân số gần nửa triệu người, trở thành một trung tâm văn hóa nơi người dân từ mọi tầng lớp xã hội tụ tập để trao đổi ý tưởng và bán đủ loại hàng hóa. Nhà văn Nhật Bản Junicho Tanizaki từng mô tả Yokohama là “sự hỗn loạn của màu sắc và mùi hương phương Tây ồn ào – mùi xì gà, mùi sôcôla, mùi hoa, mùi hương liệu”.
Thảm họa bất ngờ
Không ai có thể ngờ toàn bộ thành phố náo nhiệt đã bị phá hủy chỉ trong khoảng 14 giây. Khoảng giữa trưa ngày 1/9/1923 định mệnh, ở độ sâu hơn 9km dưới đáy biển Vịnh Sagami, cách Tokyo 48km về phía Nam, một mảng đại dương bị vỡ và đâm vào mảng lục địa Á-Âu. “Cú sốc” được cảm nhận ngay lập tức, với hậu quả kéo dài suốt nhiều năm.
Một đám đông khi đó đang tập trung tại bến cảng Yokohama, cảng lớn nhất Nhật Bản, để vẫy tay chào tạm biệt hành khách trên tàu Empress of Australia, một con tàu hơi nước sang trọng chuẩn bị khởi hành tới Vancouver. Ellis M. Zacharias, một sĩ quan Hải quân Mỹ, nhớ lại: “Những nụ cười biến mất và trong một khoảnh khắc, mọi người sững sờ” khi “âm thanh của sấm sét kinh hoàng” bao trùm lấy họ. Sau đó, cầu tàu sụp đổ dưới chân, người và xe lao xuống nước. Vài phút sau, một cơn sóng nước cao 12m ập xuống và cuốn trôi hàng nghìn người.
Hỏa hoạn bùng phát khắp nơi. Những ngôi nhà bằng gỗ trôi trên nền đất đầy nước. Hàng trăm người chết dưới sức nặng của đống đổ nát. Nhưng đây mới chỉ là khởi đầu của sự hủy diệt, khi dư chấn trận động đất lan rộng khắp vùng Kanto, gây thêm nhiều tàn phá khi lan đến cả Tokyo. Gió lớn khiến ngọn lửa lan rộng khắp vùng nông thôn, tiếp tục xé toạc các ngôi nhà.
Những người ở các khu dân cư nghèo hơn ở phía Đông sông Sumida bàng hoàng khi cuộc sống sụp đổ ngay trước mắt họ theo đúng nghĩa đen chỉ trong vài giây. Một số người bỏ chạy về phía sông – và bị chết đuối khi cây cầu sập. Hàng chục nghìn người tập trung tại một bãi đất trống gần sông, nhưng nơi trú ẩn tạm thời của họ đã bị phá hủy bởi một “cơn lốc lửa” cao tới hơn 90m. Trong số khoảng 44.000 người đã tập trung ở đây chỉ có 300 người sống sót.
Phải mất 48 giờ ngọn lửa mới tắt, để lại những hoang tàn thảm khốc, 45% diện tích thủ đô Tokyo đã bị đốt cháy và một số lượng người chết không thể tả xiết.
Trận động đất mạnh 7,9 độ ngày 1/9/1923 đã phá hủy nhiều tòa nhà xây bằng gạch ở khu vực đô thị Tokyo và Yokohama và khiến khoảng 1/10 công trình bê tông cốt thép trong khu vực bị sập hoàn toàn. Hàng nghìn ngôi nhà bị tàn phá, do trận động đất hoặc do đám cháy lan rộng trong bối cảnh hỗn loạn. Tệ hơn nữa, trận động đất đã kéo theo một cơn sóng thần cao 12m tại Vịnh Sagami, phá hủy 155 ngôi nhà khác và khiến 60 người thiệt mạng.
Trong ba ngày tiếp theo, những người sống sót đã trải qua gần 2.000 cơn dư chấn và một loạt đám cháy khủng khiếp, giết chết hàng chục nghìn người và thiêu rụi những khu vực rộng lớn ở Tokyo và Yokohama.
Sự kiện kinh hoàng đã kết thúc, chặng đường dài vượt qua nỗi đau và công cuộc tái thiết chỉ mới bắt đầu.
Không chỉ là đổ nát
Sau thảm họa, ước tính 48% những ngôi nhà ở Tokyo – tương đương nơi sinh sống của gần 400.000 gia đình – đã bị phá hủy hoặc được phân loại là không thể ở được do hậu quả của trận động đất và hỏa hoạn sau đó. Trong số 2,26 triệu cư dân của thành phố Tokyo, gần 1,4 triệu người trở thành vô gia cư, và tại tỉnh Kanagawa, nơi tâm chấn là thành phố Yokohama, 781.000 người đã trở thành vô gia cư sau ngày định mệnh đó.
Các thành phố và công trình không phải là thứ duy nhất sụp đổ trong trận động đất. Xã hội trở nên hỗn loạn và người dân hoảng loạn. Những người tị nạn sau thảm họa nhanh chóng bắt đầu lan truyền tin đồn. Một số người nói rằng núi Phú Sĩ đã phun trào hoặc sắp phun trào. Những người khác cho rằng Yokohama đã bị cuốn trôi hoàn toàn.
Một số tin đồn thậm chí nhắm trực tiếp vào cộng đồng người Triều Tiên, nhóm sắc tộc thiểu số lớn nhất ở Nhật Bản. Thảm họa kinh hoàng đã gây ra một cú sốc lâu dài đối với đất nước Nhật Bản, và khơi dậy những xúc cảm của chủ nghĩa dân tộc cũng như tâm lý phân biệt chủng tộc khi nhiều người muốn tìm thứ gì đó để “đổ lỗi”. Nhiều tin đồn thất thiệt cáo buộc người Triều Tiên đã thành lập các băng nhóm vô luật pháp, phóng hỏa, cướp phá các tòa nhà bị sập và đầu độc các giếng nước trên khắp khu vực. Người ta ước tính rằng có tới 10.000 người Triều Tiên đã bị sát hại chỉ vì những tin đồn này.
Quân đội Nhật Bản phải huy động 50.000 người để lập lại trật tự cho khu vực, triển khai các hoạt động ổn định, phục hồi và cứu trợ, phân phát lương thực và nước uống, xây dựng 74 cây cầu tạm thời, dọn sạch những con đường, thu thập và hỏa táng người đã mất. Cuối năm 1923, Tokyo trở thành “thành phố của doanh trại, nơi trú ẩn tạm thời và cộng đồng tạm bợ”.
Thảm họa động đất đã tàn phá tất cả các khía cạnh của nền kinh tế và xã hội vùng Tokyo và Yokohama, khiến việc trở lại các hoạt động bình thường hầu như là không thể. Ước tính gần 7.000 nhà máy bị phá hủy, hơn 120 ngân hàng trong tổng số 138 trụ sở đã bị hư hỏng; 162 bệnh viện và 117 trường học của Tokyo bị tàn phá. Các hạ tầng công cộng và xã hội ít ỏi vốn dùng cung cấp dịch vụ cho những cư dân nghèo nhất Tokyo cũng trở thành đống đổ nát. Theo các ghi chép, 33,4 triệu m2 của Tokyo đã bị biến thành tro bụi và gạch vụn do hậu quả của thảm họa động đất Kanto.
Trận động đất diễn ra vào thời điểm chủ nghĩa tự do và các tư tưởng cánh tả bắt đầu phổ biến trong xã hội Nhật Bản, điều mà giới quyền lực phản đối kịch liệt. Nhiều người cho rằng trong xã hội Nhật Bản thời đó, đi cùng với sự phát triển mạnh mẽ và thịnh vượng, tồn tại nhiều vấn nạn, từ khoảng cách giàu nghèo, lối sống vị kỷ, xa hoa, phân biệt đối xử và nhiều thứ khác làm xói mòn các giá trị tốt đẹp. Thảm họa ở khía cạnh nào đó cũng thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít. Cho đến nay vẫn còn nhiều tranh luận về việc liệu trên thực tế, trận động đất là thứ khơi dậy những cảm xúc này hay chỉ đơn thuần là bộc lộ những gì đã âm thầm từ lâu.
Các kế hoạch tái thiết đã được hình dung và xây dựng đầy tham vọng, song chính những mâu thuẫn xã hội và tranh cãi chính trị thời bấy giờ đã ít nhiều cản trở các dự án, và thu hẹp nguồn ngân sách.
Hồi sinh
Sau thảm họa, nước sạch và thực phẩm trở thành nhu cầu bức thiết. Ban đầu, các đơn vị lục quân và hải quân trên khắp Nhật Bản đã phải huy động và quyên góp gần 120.000 khẩu phần chiến đấu từ các cơ sở quân sự trong vùng để cứu trợ người dân. Các tàu hải quân huy động để vận chuyển gạo từ các kho quân sự ở Kobe, Osaka, Kure và Sasebo, trong khi lực lượng hải quân sửa chữa các bến tàu hư hỏng, xây dựng cầu tàu để tiếp nhận hàng cứu trợ.
Các nhà chức trách phải di dời hơn 3.000 toa tàu và xe điện bị hư hỏng ở Tokyo, tái thiết 85 km đường sắt và xây dựng 27 cây cầu tạm bắc qua các con sông của Tokyo để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng cứu trợ thiết yếu, phân phát thực phẩm, nước sạch đến với người dân ở các khu tị nạn.
Nhiều khu cư trú tạm thời đã được dựng nên, trở thành nơi cưu mang những nạn nhân sau thảm họa như đền Meiji, công viên Ueno và công viên Hibiya.
Cộng đồng quốc tế cũng chung tay đóng góp hỗ trợ Nhật Bản khắc phục hậu quả thiên tai và cứu chữa người dân. Ước tính tổng số tiền mặt đóng góp cho Nhật Bản sau thảm họa lên tới khoảng 22 triệu yen, trong đó Mỹ hỗ trợ tới 70%, khoảng 15,4 triệu yen.
Từ thành phố xinh đẹp, náo nhiệt, Tokyo và Yokohama trở thành những thị trấn tồi tàn, đổ nát, và người ta dự đoán có thể mất nhiều thập kỷ để họ vươn lên từ đống tro tàn và trở lại sự thịnh vượng trước đây. Một đất nước Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ và tràn đầy lạc quan đã bị trận động đất Kanto xóa sạch tất cả chỉ trong một buổi chiều.
Tuy nhiên, giữa những khổ đau và mất mát, vẫn có niềm tin rằng thảm họa mặt nào đó là cách để cảnh tỉnh con người, và là cơ hội thứ hai để xây dựng lại cuộc sống và các giá trị của Nhật Bản. Động lực này càng quan trọng trong bối cảnh công cuộc tái thiết sau động đất trên thực tế đòi hỏi nhiều nỗ lực đặc biệt quy mô bởi 33 triệu m2 diện tích chịu ảnh hưởng, các tòa nhà chính phủ, nhà cửa, cửa hàng, đường xá, công viên và cầu cống đều bị hư hại hoặc sập hoàn toàn. Đống đổ nát cần được dọn sạch, kế đến là phải khảo sát, lập kế hoạch và tìm nguồn vật liệu xây dựng để tái thiết thành phố, ngăn chặn dịch bệnh và khôi phục cuộc sống.
Như phượng hoàng trong đống tro tàn, cựu Thị trưởng Thành phố Tokyo Goto Shinpei, người sau đó trở thành Bộ trưởng Nội vụ, tin rằng họ có cơ hội xây dựng một thành phố của tương lai, thay đổi nhận thức cho người dân và bắt đầu một cuộc sống mới. Rất nhiều ý kiến trái chiều đã nảy sinh về việc tái thiết thành phố. Một số nhà hoạch định và các quan chức hy vọng rằng một thành phố mới hoành tráng với những đại lộ rộng lớn và các tòa nhà ấn tượng sẽ mọc lên và đem đến diện mạo “đế quốc” cho Tokyo. Nhưng số khác lại muốn một thiết kế tổng thể để xây dựng một thành phố hiện đại với cơ sở hạ tầng phúc lợi xã hội do nhà nước điều hành, xây dựng thêm nhiều công viên, vỉa hè và vành đai xanh vừa giúp nâng cao hạ tầng phòng cháy chữa cháy, ngăn chặn thiên tai trong tương lai vừa cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngày của người dân.
Sau nhiều tranh cãi, dự luật tái thiết ban đầu ước tính cần tới 598 triệu yen đã bị bác bỏ vào tháng 12/1923, thay vào đó là kế hoạch thu hẹp hơn, còn 468 triệu yen. Các quan chức thành phố buộc phải điều chỉnh lại quỹ đất để tái phát triển những phần bị tàn phá của thành phố, cụ thể chia khoảng 33 triệu m2 bị tàn phá của Tokyo thành 66 quận, trong đó 15 quận thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ và 51 quận còn lại thuộc quyền quản lý của thành phố Tokyo. Phần lớn diện tích đất này được dùng để xây dựng đường xá, vỉa hè, công viên nhỏ và các công trình phúc lợi xã hội.
Ngày 1/9/1960 đã được chính phủ Nhật Bản lấy làm “Ngày phòng chống thiên tai” hằng năm để tưởng niệm các nạn nhân. Trong các sự kiện liên quan luôn được tiến hành cùng những hoạt động diễn tập và nâng cao ý thức phòng chống, ứng phó thiên tai và thảm họa.
Hơn 100 năm đã trôi qua từ sau thảm họa động đất kinh hoàng tại Kanto, những ký ức vẫn còn đó, nhưng trên nền của đống đổ nát và hoang tàn ngày nay là thành phố phát triển hiện đại bậc nhất thế giới.
Nguồn:https://antg.cand.com.vn/Ho-so-mat/nhat-ban-cau-chuyen-hoi-sinh-tu-do-nat-i708081/
Ý kiến ()