Đại sứ Ta-ni-da-ki cho biết, đây là trận động đất mạnh nhất được ghi nhận trong lịch sử Nhật Bản và đã gây thiệt hại rất lớn. Ngay sau khi xảy ra thảm họa, Chính phủ Nhật Bản đã khẩn trương triển khai các chính sách khắc phục hậu quả thiên tai, tập trung trên ba mặt: Thứ nhất, đối với người dân bị nạn ở các vùng gần tâm chấn, nhất là các tỉnh đông bắc và vùng bờ biển phía đông của Nhật Bản, nhiệm vụ cấp bách là khôi phục các đường cung cấp thiết yếu (điện, nước, khí đốt) và hệ thống cơ sở hạ tầng, khẩn cấp chuyển hàng cứu trợ như lương thực, thiết bị y tế… tới người dân các vùng bị nạn. Hai là, khắc phục sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1. Tình hình tại nhà máy này vẫn đang diễn biến phức tạp. Ba là, việc các nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động đã gây thiếu hụt điện trên diện rộng, trong đó có Thủ đô Tô-ki-ô. Chính quyền đã phải lên kế hoạch cắt điện, tình hình sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân ở nhiều nơi bị ảnh hưởng.
Theo Đại sứ Ta-ni-da-ki, nhìn chung, khó khăn trên tất cả các mặt vẫn còn rất lớn, nhưng hai tuần sau động đất tình hình đã bước đầu được cải thiện. Tại những vùng gần tâm chấn động đất, các tuyến đường bộ đang được nối lại. Tuy nhiên, đây là những nơi vốn nổi tiếng với những thành phố cảng và ngành thủy sản cùng những khu công nghiệp, công nghệ cao. Vì vậy, phải mất ít nhất hai, ba năm mới có thể phục hồi những vùng này trở lại mức phát triển như trước thảm họa. Chi phí tái thiết dự kiến ít nhất là 200 tỷ USD.
Đại sứ Ta-ni-da-ki rất cảm động trước sự cảm thông, chia sẻ và trợ giúp của cộng đồng quốc tế đối với Nhật Bản. Đến nay đã có gần 140 nước và vùng lãnh thổ đề nghị trợ giúp Nhật Bản. Việc trợ giúp được tiến hành dưới nhiều hình thức như quyên góp tiền, gửi đội cứu trợ cùng những hàng hóa thiết yếu như lương thực, thiết bị y tế… sang Nhật Bản. Đại sứ nhấn mạnh, việc có rất nhiều nước đề nghị trợ giúp về nhiều mặt như vậy vượt ngoài sức tưởng tượng của ông cũng như nhiều người dân Nhật Bản.
Đặc biệt, Đại sứ Ta-ni-da-ki hết sức cảm kích đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã thể hiện tình đoàn kết và trợ giúp Nhật Bản. Ngay trong ngày Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam mở Sổ tang tưởng niệm những nạn nhân của thảm họa, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cùng đại diện nhiều bộ, ngành đã đến ghi Sổ tang, bày tỏ cảm thông sâu sắc với những đau thương, mất mát mà Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đang phải gánh chịu bởi thảm họa động đất và sóng thần gây ra. Đến nay đã có hơn 650 nhóm của các tổ chức và cá nhân ở Việt Nam đến ghi Sổ tang và quyên góp ủng hộ Nhật Bản. Ngoài Hà Nội còn có rất nhiều địa phương gửi thư và tiền quyên góp đến Đại sứ quán. Đại sứ Ta-ni-da-ki coi tình cảm ấm áp và sự trợ giúp hào phóng của Chính phủ và nhân dân Việt Nam là nguồn động viên rất lớn đối với cá nhân Đại sứ cũng như tất cả người dân Nhật Bản đang phải gồng mình chống chọi thảm họa thiên tai.
Đại sứ Ta-ni-da-ki cho biết, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản cũng đang hết sức đùm bọc, hỗ trợ công dân Việt Nam đang học tập và làm việc tại Nhật Bản được an toàn. Ngay sau khi xảy ra thảm họa, phía Nhật Bản đã phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản để xác nhận sự an toàn của khoảng 30.000 công dân Việt Nam đang học tập và làm việc tại Nhật Bản. Tất cả số công dân Việt Nam này đều đã được xác nhận an toàn. Đặc biệt, có 84 công dân Việt Nam đang làm việc, học tập tại các tỉnh Mi-y-a-gi, I-oa-tê và Phư-cư-si-ma bị thiệt hại nặng nề nhất do động đất và sóng thần gây ra. Toàn bộ số công dân Việt Nam này đã được đưa về Tô-ki-ô an toàn. Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã gửi thư bày tỏ cảm ơn sâu sắc sự trợ giúp của Chính phủ Nhật Bản đối với công dân Việt Nam tại Nhật Bản.
Đại sứ Ta-ni-da-ki khẳng định, với những đức tính kiên cường, đoàn kết và kỷ luật của mình cùng sự giúp đỡ, động viên kịp thời về vật chất và tinh thần của cộng đồng quốc tế nói chung và nhân dân Việt Nam nói riêng, nhân dân Nhật Bản sẽ sớm vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển. Đại sứ cũng cho biết, Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm phòng, chống thiên tai cũng như khắc phục hậu quả thảm họa thiên nhiên với các nước, trong đó có Việt Nam.
Ý kiến ()