Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp do dịch Covid-19: Quyết định vì tương lai
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chính phủ Nhật Bản một lần nữa phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Quyết định này sẽ gây thiệt hại đáng kể đối với nền kinh tế Nhật Bản, nhưng được xem là bước đi cần thiết để ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng hơn mà đại dịch có thể gây ra trong tương lai.
Động thái mới được đưa ra đúng vào thời điểm trước kỳ nghỉ tuần lễ Vàng – giai đoạn bao gồm nhiều ngày lễ nối tiếp nhau của Nhật Bản. Tình trạng khẩn cấp sẽ áp dụng đối với thủ đô Tokyo và ba tỉnh phía Tây gồm Osaka, Kyoto, Hyogo, trước mắt kéo dài trong 17 ngày, từ 25-4 đến 11-5. Các biện pháp hạn chế ảnh hưởng tới khoảng 25% trong tổng số 126 triệu người dân và 1/3 nền kinh tế của Nhật Bản. Đây là lần thứ ba đảo quốc Mặt trời mọc ban bố tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, sau các đợt hồi tháng 4-2020 và tháng 1-2021.
Trong những tuần qua, tình hình dịch Covid-19 tại Nhật Bản đã diễn biến theo chiều hướng xấu. Ngày 24-4, riêng Tokyo ghi nhận 876 trường hợp nhiễm Covid-19 mới – mức nhiều nhất kể từ ngày 28-1, thời điểm của lần ban bố tình trạng khẩn cấp gần nhất. Số ca nhiễm mới trung bình trong 7 ngày qua đã tăng lên 714 trường hợp, thay vì chỉ 569 trường hợp của tuần trước đó. Ngoài thủ đô, tình hình dịch nghiêm trọng không kém tại tỉnh Hyogo với con số kỷ lục 635 trường hợp nhiễm mới trong ngày 24-4.
Tỉnh lân cận Osaka cũng có thêm 1.067 trường hợp, là ngày thứ 5 liên tiếp địa phương này vượt mốc lây nhiễm mới bốn chữ số. Nguyên nhân của tốc độ lây lan nhanh là do biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 – vốn chiếm tới 80% số ca bệnh ở Osaka và Hyogo. Số ca bệnh trầm trọng tại Nhật Bản cũng đã tăng vọt từ 11 trường hợp hồi giữa tuần lên hơn 800 trường hợp trong những ngày cuối tuần. Cùng với đó, số ca tử vong liên quan đến vi rút SARS-CoV-2 cũng tăng nhanh.
Bước vào đợt hạn chế mới, người dân Nhật Bản không được phép tham gia các sự kiện đông người. Dịch vụ đi lại công cộng sẽ dừng hoạt động sớm hơn thường lệ đối với các ngày trong tuần và giảm hoạt động vào cuối tuần, ngày lễ. Các cơ sở thương mại lớn tạm ngừng hoạt động và chỉ mở cửa các gian hàng bán nhu yếu phẩm thiết yếu. Cơ sở ăn uống phải đóng cửa trước 8h tối, quán rượu và dịch vụ karaoke phải đóng cửa hoàn toàn… Có thể thấy, tình trạng khẩn cấp tại Nhật Bản tuy không nặng nề như biện pháp phong tỏa cách ly ở một số quốc gia, nhưng điều này cũng gây thiệt hại không nhỏ đối với nền kinh tế.
Các cơ quan nghiên cứu kinh tế nhận định, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của xứ sở Hoa anh đào sẽ thiệt hại lớn do ảnh hưởng của đợt ban bố tình trạng khẩn cấp này. Viện Nghiên cứu tổng hợp Nomura cho rằng, mức giảm GDP sẽ vào khoảng 699 tỷ yên, tương đương 0,13%. Trong đó, Tokyo thiệt hại khoảng 411 tỷ yên, các tỉnh Osaka, Hyogo, Kyoto thiệt hại khoảng 228 tỷ yên. Theo Trung tâm nghiên cứu Daiwa, nếu tình trạng khẩn cấp kéo dài tới một tháng, mức thiệt hại có thể sẽ cao hơn. Dù vậy, việc ban bố tình trạng khẩn cấp vào lúc này là cần thiết, bởi chỉ ba tháng nữa là Olympic Tokyo sẽ diễn ra. Nếu Nhật Bản không ngăn chặn được sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2, đại dịch sẽ gây ra những thiệt hại vô cùng lớn đối với nền kinh tế – đặc biệt là sự kiện Olympic Tokyo gặp sự cố phải dừng, hoãn hoặc hủy.
Theo giới phân tích, việc sẵn sàng đánh đổi lợi ích kinh tế vì sự an toàn của cộng đồng trong quyết định lần này của Thủ tướng Suga Yoshihide và nội các tiếp tục thể hiện ý chí và tinh thần quyết tâm của Nhật Bản trong việc khống chế, đẩy lùi dịch Covid-19. Đây là động lực quan trọng để Nhật Bản sớm kiểm soát đại dịch, khẳng định nỗ lực phi thường của người dân đất nước Mặt trời mọc.
Ý kiến ()