Nhập siêu từ Trung Quốc tăng quá nhanh
Những ngày gần đây, dư luận rất quan tâm đến việc năm 2015, Việt Nam đã nhập siêu trở lại, sau 3 năm suất siêu. Trong số thị trường nhập siêu của Việt Nam 7 tháng năm 2015, thì Trung Quốc đứng đầu, với 19,5 tỷ USD. Điều này cho thấy, cơ cấu xuất nhập khẩu vẫn mất cân đối và không có sự cải thiện.
Tăng trên 144 lần trong 14 năm
Trong thời gian khá dài, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chưa cải thiện được nhiều, nhưng lại gia tăng mạnh về nhập khẩu từ quốc gia này. Và, Việt Nam luôn nhập siêu từ Trung Quốc với tỷ trọng có xu hướng ngày càng gia tăng. Theo số liệu tổng hợp của Trung tâm Thông tin tư liệu, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, trong giai đoạn 2000 – 2013, tỉ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ dao động trong khoảng trên dưới 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhưng tỉ trọng nhập khẩu đã tăng từ 10% lên mức 28% trong cùng thời gian.
Về cơ bản, trên thực tế, kể từ năm 2001 Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc với quy mô không ngừng tăng qua các năm, với tốc độ rất nhanh, từ khoảng 200 triệu USD năm 2001, lên đến 16 tỉ USD đến năm 2012. Như vậy, sau hơn 10 năm, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng hơn 76 lần. Những năm gần đây, con số này tiếp tục tăng, từ 23,7 tỉ USD năm 2013, lên 28,9 tỷ USD vào năm 2014, như vậy, tính đến năm 2014, kim ngạch Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc đã tăng tới khoảng 144 lần. Điểm đáng chú ý, trong khi đó, tổng nhập siêu của Việt Nam, sau khi đạt con số 18 tỉ USD vào năm 2008, và bắt đầu xu thế giảm xuống từ năm 2009, thậm chí còn chuyển sang trạng thái xuất siêu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2012 Việt Nam xuất siêu 284 triệu USD và là năm đầu tiên Việt Nam xuất siêu hàng hóa kể từ năm 1993; năm 2013 Việt Nam tiếp tục xuất siêu, với 863 triệu USD, năm 2014 là khoảng 2 tỷ USD.
Mất cân đối cơ cấu xuất nhập khẩu
Có nhiều nguyên nhân của tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc gia tăng. Theo Trung tâm Thông tin tư liệu, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, hàng Trung Quốc, từ máy móc, thiết bị đến nguyên phụ liệu hay hàng tiêu dùng hầu hết đều có giá rất rẻ do chi phí nhân công của Trung Quốc rất thấp. Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách hỗ trợ xuất khẩu dưới nhiều hình thức khác nhau. Nguyên phụ liệu từ Trung Quốc được nhập khẩu nhiều do giá rẻ, nhất là khi Việt Nam chưa có ngành công nghiệp hỗ trợ đủ mạnh để cung cấp nguyên phụ liệu cho các ngành gia công xuất khẩu.
Xét về cơ cấu nhập khẩu, theo phân loại ngành kinh tế lớn, có thể thấy phần lớn hàng hoá Việt Nam nhập từ Trung Quốc là hàng phụ trợ công nghiệp và tư liệu sản xuất, hàng hoá trung gian phục vụ sản xuất và nhập khẩu hai nhóm này từ Trung Quốc tăng cao hơn nhập khẩu từ các khu vực khác trên thế giới. Với cơ cấu hàng tiêu dùng chiếm tỉ trọng khoảng 20%, hàng tư liệu sản xuất chiếm khoảng 35%, hàng công nghiệp phụ trợ và máy móc phụ tùng vận tải 35%, có thể thấy khoảng 70% hàng hóa Trung Quốc được nhập vào Việt Nam để phục vụ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam.
Trong khi đó, Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc nông, lâm, thủy sản. Đây là các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, giá cả lại bấp bênh và thường có xu hướng giảm, giá so sánh tương đối thấp so với các sản phẩm chế biến – chế tạo. Trong khi đó, do hầu như không có hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc, nên hàng hóa bất kể chất lượng, phẩm cấp thế nào vẫn có thể nhập khẩu dễ dàng vào Việt Nam. Trong khi đó, ngoài hàng rào kỹ thuật, Trung Quốc yêu cầu hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc buộc phải qua một số cửa khẩu do Trung Quốc chỉ định để dễ kiểm soát. Thực tế cũng cho thấy, xuất khẩu nông sản của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc. Trong thời gian qua, nhiều loại nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khi các thương nhân Trung Quốc đột ngột ngừng thu mua. Điều này đã gây không ít khó khăn cho hoạt động xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam.
Mặt khác, Trung Quốc hiện đang là nhà thầu lớn của Việt Nam và rất nhiều dự án lớn do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC với tỷ lệ nội địa hóa 0% hoặc rất thấp. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà thầu của nước này nhập khẩu toàn bộ máy móc, thiết bị từ trong nước mang sang Việt Nam. Do đó, có thể, việc các doanh nghiệp Trung Quốc được chọn thắng nhiều gói thầu EPC đã và đang góp phần làm gia tăng nhanh chóng nhập siêu từ Trung Quốc….
Cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới đang diễn ra nhanh và mạnh, về tổng thể, cần có sự cân đối cơ cấu xuất nhập khẩu. Tuy thị trường xuất khẩu của Việt Nam khá đa dạng, nhưng thị trường nhập khẩu lại khá tập trung. Để hạn chế thâm hụt thương mại quá lớn trong hoạt động ngoại thương song phương, nhất là đối với Trung Quốc, cần đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hóa các đối tác để tranh thủ nắm bắt cơ hội. Nâng cao chất lượng các cuộc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tiếp tục tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến để các doanh nghiệp tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và cắt giảm thuế quan ngày càng sâu hơn của các đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA.
Nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường, cải thiện chất lượng hàng hóa nhằm tránh rủi ro cho doanh nghiệp khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu. Kiểm soát nhập siêu thông qua việc chuẩn bị các nguồn hàng đảm bảo yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, vệ sinh an toàn thực phẩm để xuất sang các thị trường đã ký được hiệp định thương mại, hạn chế nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng không cần thiết. Tăng cường hoạt động nghiên cứu phát triển thị trường phục vụ nhu cầu tiêu thụ hiệu quả sản phẩm trong nước. Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa, tiết kiệm chi phí và đổi mới công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong bối cảnh hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015, các doanh nghiệp cần có biện pháp để sản phẩm thích ứng với tiêu chuẩn thị trường toàn cầu cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam. Nếu được triển khai đúng đắn, FTA và AEC rõ ràng sẽ điều phối thương mại thông qua dỡ bỏ thuế quan nhưng FTA cũng giúp Việt Nam đặt các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng của mình ngang hàng với châu Âu thông qua khuôn khổ các quy định mang tính ổn định. Việc mở cửa thị trường cho đầu tư nước ngoài cần hướng đến chuyển giao các kĩ năng và công nghệ mới góp phần giảm bớt chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng sản phẩm cũng như về giá thành.
Nhanh chóng phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước để góp phần cung ứng nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, hạn chế phải nhập khẩu. Đa dạng hoá các đối tác đầu tư vào các dự án lớn…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()