Nhập nhèm xuất xứ xe đạp, xe máy điện
Tiện lợi và có giá cả phải chăng, xe đạp, xe máy điện đang trở thành phương tiện di chuyển được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, cần kiểm soát chặt nguồn gốc xuất xứ của loại phương tiện này để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.
Không kiểm soát được xuất xứ
Có con vừa trúng tuyển vào đại học, chị Nguyễn Kiều Liên (Mỹ Đình, Hà Nội) có nhu cầu chọn mua một chiếc xe máy điện cho con đi học. Chị chia sẻ: “Xe máy điện vừa tiện, giá cả phải chăng, lại không đòi hỏi phải có bằng mới được đi nên tôi muốn chọn cho con một chiếc làm phương tiện đi học”.
Giống như chị Liên, tại thời điểm các trường đại học liên tục thông báo nhập học, nhiều phụ huynh có nhu cầu mua cho con cái một chiếc xe máy hoặc xe đạp điện làm phương tiện đi lại. Tuy nhiên, hầu hết các bậc phụ huynh đều chỉ quan tâm đến giá cả, sự tiện lợi hay giấy chứng nhận lái xe thay vì quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. “Thấy bạn bè tôi mách xe máy điện rất tiện cho học sinh nên tôi mua chứ thú thật, tôi cũng không quan tâm đến xuất xứ. Vả lại, sau khi con đi học vài năm thì sẽ chuyển xe máy, nên chắc trong khoảng thời gian ngắn như thế, xe cũng chưa kịp hỏng”, chị Liên nói.
Vài năm trở lại đây, xe đạp, xe máy điện là một phân khúc tiềm năng với mức tăng trưởng hơn 30%/năm. Khi có nhu cầu tìm hiểu về xe đạp điện, khách hàng có thể tìm kiếm dễ dàng trên các con phố Tôn Đức Thắng, Bà Triệu (Hà Nội)… thậm chí là trên các trang thương mại điện tử. Hầu hết các mẫu xe này đều được giới thiệu là lắp ráp tại Việt Nam với mức giá phổ biến từ 6 – 12 triệu đồng với xe đạp điện và 14 – 20 triệu đồng với xe máy điện. Nhiều thương hiệu như VinFast, Yadea, Pega… thường có giá bán cao hơn từ 20 – 50 triệu đồng. Tuy nhiên, các mẫu xe đạp và xe máy điện cỡ nhỏ vẫn là phổ biến nhất. Và đa số người tiêu dùng đều khó phân biệt được kiểu dáng và khó có thể phân biệt được đâu là hàng Việt Nam hay nhập ngoại.
Theo các cơ quan chức năng, có gần một triệu phương tiện xe đạp điện, xe máy điện được tiêu thụ mỗi năm nhưng chỉ có khoảng 290 nghìn phương tiện được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam. Một lượng lớn xe đạp điện, xe máy điện được nhập khẩu vào Việt Nam đang bị “thả nổi” về chất lượng.
Ông Đoàn Ngọc Linh, CEO hãng xe điện Pega cho rằng có tới 90% các loại xe đạp và linh kiện trên thị trường đều không rõ nguồn gốc. Các loại xe đạp và linh kiện xe đạp điện nhập lậu theo con đường tiểu ngạch. Các loại xe bán trên thị trường không có tem hợp quy, không đầy đủ giấy tờ hóa đơn cũng như nguồn gốc xuất xứ. Các dòng xe này đa phần có chất lượng kém bởi linh kiện đầu vào không bảo đảm được chất lượng.
Chưa kể, ở các vùng nông thôn, các loại xe đạp, xe máy điện được chọn mua nhiều là loại chỉ vào khoảng trên dưới 10 triệu đồng/chiếc. Đây chính là phân khúc xe nhập nhèm xuất xứ và chất lượng nhất.
Cần kiểm soát chặt nguồn gốc xe đạp, xe máy điện
Việc hàng triệu chiếc xe đạp điện, xe máy điện được bán ra và lưu thông trên thị trường mỗi năm không qua đăng ký đã mang lại nguồn thu không nhỏ cho các doanh nghiệp sản xuất, phân phối. Mặt khác, thị trường xe máy điện và xe đạp điện đang bị hàng lậu, hàng giả hàng nhái áp đảo gây thiệt hại cho người tiêu dùng và gây thất thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước.
Ngoài ra, các quy định hiện hành chưa yêu cầu người đi xe đạp điện phải đi đăng ký biển kiểm soát như xe máy điện, nên khách hàng cũng không quan tâm đến việc tem nhãn, giá trị hóa đơn trên xe hay những giấy tờ khác liên quan đến xe. Vì vậy các đơn vị nhập lậu lợi dụng kẽ hở này để trục lợi. Hiện nay cũng có rất nhiều chủng loại đang làm nhái kiểu dáng của các mẫu xe thương hiệu nhưng cơ quan quản lý chưa xử lý được. Nhiều mẫu xe được nhập lậu về thị trường Việt Nam qua đường tiểu ngạch, có xe được lắp ráp ngay trong nước nhưng không có giấy tờ kiểm định.
Trong khi đó, kết quả điều tra của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho thấy, tỷ lệ cha mẹ học sinh ủng hộ việc điều khiển xe đạp điện và xe máy điện cần có chứng chỉ sát hạch kỹ năng lái xe lên tới 68% và 89%. Điều này cho thấy sự bức thiết trong quản lý và giám sát đối tượng học sinh đi xe đạp, xe máy điện hiện nay.
Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường Hà Nội, mới đây, Cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố đã yêu cầu các đội QLTT triển khai các biện pháp nghiệp vụ quản lý thông tin địa bàn, lĩnh vực, chủ động phối hợp các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh mặt hàng xe đạp điện, xe máy điện (bao gồm bộ phận ắc quy điện) nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả mạo, gian lận thương mại. Đồng thời, tuyên truyền phổ biến các quy định cũng như các tác động xấu ảnh hưởng tiêu cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước từ hoạt động kinh doanh mặt hàng xe điện nhập lậu, giả mạo, gian lận xuất xứ.
Các chuyên gia khuyến cáo, để hạn chế những nguy cơ tiềm ẩn, người tiêu dùng không nên lưu thông mặt hàng xe điện nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không được đăng kiểm, chứng nhận chất lượng giả mạo.
Ý kiến ()