Nhập nhèm thương hiệu
Trong thời kỳ hội nhập, nhiều doanh nghiệp (DN) đã không tiếc công sức và đầu tư tiền bạc để xây dựng và quảng bá thương hiệu Việt. Nhiều DN lớn bỏ tiền thuê tư vấn nước ngoài thiết kế lô-gô mới hoặc chỉnh sửa lô-gô truyền thống, xây dựng hệ thống nhận diện...
Trong thời kỳ hội nhập, nhiều doanh nghiệp (DN) đã không tiếc công sức và đầu tư tiền bạc để xây dựng và quảng bá thương hiệu Việt. Nhiều DN lớn bỏ tiền thuê tư vấn nước ngoài thiết kế lô-gô mới hoặc chỉnh sửa lô-gô truyền thống, xây dựng hệ thống nhận diện…
Với truyền thống bề dày và uy tín của một DN bán lẻ xăng dầu trong nước, những năm gần đây, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã đầu tư phát triển thương hiệu Petrolimex với hình ảnh chữ P quen thuộc với người tiêu dùng trong cả nước, hệ thống các cây xăng bán lẻ của tập đoàn được chuẩn hóa thống nhất từ lô-gô đến mầu sơn, bảng giá giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu một cách dễ dàng. Sắp tới, hệ thống các đại lý “chung thủy” với DN sẽ từng bước được đầu tư chuẩn hóa.
Ðây là lần đầu công tác bảo vệ thương hiệu của tập đoàn được triển khai trên quy mô lớn.
Tuy nhiên, sau một chương trình quảng bá nhận diện thương hiệu Petrolimex vẫn tồn tại nhiều bất cập do nhận thức pháp lý của nhiều chủ DN và cửa hàng ngoài tập đoàn về bảo hộ nhãn hiệu chưa đầy đủ. Một số vi phạm sau khi phát hiện, các DN trực thuộc tập đoàn đã gửi thư khuyến cáo, số ít chủ cửa hàng đã khắc phục nhưng phần lớn chưa hợp tác theo yêu cầu.
Nghệ An hiện có gần 600 cửa hàng xăng, dầu, trong số đó chỉ có 65 cửa hàng với 68 điểm bán trực thuộc Công ty xăng dầu Nghệ An (Petrolimex Nghệ An) và 199 cửa hàng là đại lý của công ty. Hiện nay, các cửa hàng trực thuộc công ty đã triển khai sơn, sửa theo hệ thống nhận diện thương hiệu mới thống nhất trong toàn tập đoàn, tất cả đại lý đã được phát lô-gô mới có chữ P kèm theo dòng chữ đại lý ở phía dưới để dán lên cột bơm và 140 đại lý đã được trang bị bảng giá theo nhận diện thương hiệu mới… Ðiều tra, khảo sát gần đây cho thấy, tại địa phương này có tới 96 cửa hàng ngoài hệ thống vi phạm các nhận diện mới của Petrolimex, mặc dù không có quan hệ mua bán hoặc đại lý nhưng vẫn sử dụng thương hiệu. Những cửa hàng vi phạm đã được chụp ảnh, gửi thư khuyến cáo ba lần kèm theo tài liệu chứng minh. Sau một thời gian kiểm tra mới có 20 cửa hàng khắc phục dỡ bỏ hoàn toàn, 15 cửa hàng sửa chữa một phần, còn lại 58 đơn vị không chịu khắc phục vi phạm. Cá biệt có những đơn vị, cửa hàng sai phạm từ chối hợp tác, trả khuyến cáo về nơi gửi.
Thị trường bán lẻ xăng dầu hiện nay có hàng chục DN tham gia cùng với hàng chục nghìn đại lý và gắn liền với nhiều vấn đề nhạy cảm liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng như chất lượng xăng dầu, giờ giấc bán hàng và đặc biệt là vấn đề gian lận thương mại. Ðể khắc phục tình trạng này, phải minh bạch hóa thị trường, chống nhập nhèm thương hiệu để làm rõ trách nhiệm các địa chỉ bán hàng. Mặt khác, thương hiệu là tài sản của DN, được Nhà nước bảo hộ, hiện nay hệ thống các cây xăng thuộc mọi thành phần kinh tế trong cả nước hằng ngày cung ứng hàng triệu lít xăng, dầu các loại phục vụ người tiêu dùng, để bảo vệ quyền lợi chính đáng khách hàng và uy tín của DN, các DN đầu mối có cửa hàng xăng dầu cần xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu của riêng mình, giúp khách hàng nhận biết để lựa chọn khi mua hàng. Những sai phạm về thương hiệu đặc biệt đánh lừa người tiêu dùng, sau khi bị phát hiện cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa DN và các cơ quan quản lý để xử lý kịp thời và triệt để, từng bước lập lại trật tự nhằm mục tiêu bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và uy tín của doanh nghiệp sở hữu thương hiệu đó.
Theo Nhandan
Ý kiến ()