Nhập nhèm thời trang xuất khẩu
Vài năm trở lại đây, phong trào ưu tiên dùng hàng Việt Nam, cùng hàng loạt thông tin về những hàng hóa kém phẩm chất, trôi nổi trên thị trường đã giúp người tiêu dùng hình thành thói quen sử dụng hàng trong nước. Tuy nhiên, lợi dụng tâm lý này, hàng loạt cửa hàng quần áo, giày dép đóng mác thời trang xuất khẩu mọc nhiều như "nấm sau mưa", nhưng phần lớn trong số đó là hàng nhái, hàng Trung Quốc không rõ nguồn gốc "đội lốt" hàng Việt Nam xuất khẩu.
Hàng lậu tung hoành
Trên các con phố của Thủ đô Hà Nội như Tạ Hiện, Ðiện Biên Phủ, Tô Hiệu,… ở đâu cũng có thể bắt gặp vô số cửa hàng quần áo treo biển “Thời trang xuất khẩu” hoặc “Made in Vietnam” (sản xuất tại Việt Nam). Có mặt tại một cửa hàng thời trang xuất khẩu (TTXK) nằm ngay mặt đường Ðiện Biên Phủ, chúng tôi không khỏi “choáng” bởi nơi đây bày bán bạt ngàn các loại quần, áo của những thương hiệu thời trang lớn như Zara, Mango, Levi's,…và đều gắn nhãn “Made in Vietnam”. Theo lời giới thiệu của nhân viên bán hàng, tất cả quần áo tại đây đều là hàng xuất khẩu, được các doanh nghiệp (DN) trong nước gia công theo đơn đặt hàng của công ty thời trang nước ngoài. Chủ một cửa hàng TTXK khác trên phố Tô Hiệu “bật mí”: Quần áo bán ở cửa hàng này đều là hàng xuất khẩu “xịn”, là những sản phẩm thừa, hoặc bị lỗi của các công ty may xuất khẩu tuồn ra ngoài bán, chỉ có người thân quen mới có thể đặt và lấy hàng. Tuy nhiên, giám đốc một DN dệt may xuất khẩu tiết lộ, khi các công ty nước ngoài ký hợp đồng gia công hàng may mặc với DN Việt Nam, đều kiểm tra, giám sát, nghiệm thu chất lượng và số lượng sản phẩm theo quy trình hết sức chặt chẽ, những mặt hàng lỗi bị “tuồn” ra thị trường nếu có số lượng cũng rất ít. Các DN dệt may xuất khẩu chính thống với cơ sở sản xuất được đầu tư lớn và hiện đại, sẽ không bao giờ dại dột sản xuất hàng nhái vì nếu “vỡ lở” sẽ phải chịu mức phạt rất cao, mất uy tín và ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh lâu dài của DN. Vì vậy, có thể trên thị trường vẫn bán những mẫu quần áo, giày dép,… là hàng xuất khẩu thật, nhưng số lượng không thể “chất cao như núi” tại các cửa hàng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, nguồn gốc của các mặt hàng TTXK được bày bán tại các cửa hàng đều rất phong phú về mầu sắc, đầy đủ về kích cỡ nên khó có thể là hàng dệt may xuất khẩu “xịn”. Vậy những sản phẩm TTXK đang được bày bán tràn lan trên thị trường hiện nay có nguồn gốc từ đâu? Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Ðặng Phương Dung thừa nhận: Nhiều nơi bày bán thời trang “Made in Vietnam” nhưng là sản phẩm không rõ nguồn gốc, có thể là hàng nhập lậu, trôi nổi, được tuồn vào thị trường bằng mạng lưới những người bán buôn và các cửa hàng nhỏ lẻ.
Chị Minh Ngọc, chủ một cửa hàng kinh doanh quần áo xuất khẩu tại đường Ðội Cấn (Ba Ðình, Hà Nội) cho biết: Các sản phẩm TTXK được bày bán, một phần nhỏ được sản xuất tại các xưởng may tư nhân trong nước, gia công, nhái mẫu các thương hiệu thời trang nổi tiếng của nước ngoài. Loại sản phẩm này chỉ giống về hình thức còn kém hẳn về đường may, chi tiết kiểu dáng cho đến chất vải. Phần còn lại, chủ yếu đều có xuất xứ từ Trung Quốc, chất lượng tùy thuộc giá thành mỗi loại. Những mặt hàng giá cao có thể đạt chất lượng gần bằng sản phẩm “xịn”, rất khó phân biệt bằng mắt thường nên người tiêu dùng rất dễ bị lừa. Tuy tất cả các sản phẩm này đều được gắn mác “Made in Vietnam”, nhưng trên thực tế, đây đều là tem, mác giả “được mua trên phố Hàng Bồ với giá khoảng một trăm đồng/chiếc”.
Hệ lụy đi kèm
Hàng nhái, hàng lậu, nhất là hàng giả “đội lốt” hàng TTXK đang diễn ra tràn lan và có xu hướng ngày càng gia tăng. Chỉ trong hai ngày 6 và 7-12 vừa qua, Công an TP Hà Nội đã bắt giữ được hơn 40 tấn hàng lậu, trong đó chủ yếu là các sản phẩm quần áo, giày dép, túi xách thời trang. Nếu không bị phát hiện, rất có thể số hàng hóa này sẽ được “phù phép” thành hàng “Made in Vietnam”, “chui” qua các cửa hàng TTXK để đến tay người tiêu dùng. Nhiều kẻ đã lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng, ngang nhiên buôn bán hàng giả, hàng nhái kiếm lời bất chính, bất chấp những hệ lụy nguy hại. Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Ðặng Phương Dung, hàng giả, hàng nhập lậu đang hủy hoại và làm triệt tiêu những cố gắng của nhiều DN dệt may trong nước. Các DN dệt may khó có thể cạnh tranh về giá, thường phải “né” sang những mảng ít “sức ép” hơn, khiến hiệu quả kinh doanh giảm và hạn chế phát triển. Ngoài việc gây thất thu ngân sách nhà nước, hàng giả, hàng lậu còn là nguyên nhân khiến thị trường rối loạn và khó kiểm soát. Bên cạnh đó, các mặt hàng này còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại tới sức khỏe người tiêu dùng do nguồn gốc sản phẩm không được bảo đảm.
Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) Vương Ngọc Tuấn cho biết, lĩnh vực dệt may vô cùng phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã sản phẩm và có nhiều cấp độ khác nhau để người tiêu dùng lựa chọn sử dụng. Trên thực tế, nhiều người tiêu dùng dù biết rõ hàng giả, hàng nhái, nhưng vẫn cố tình mua và chấp nhận vì giá rẻ. Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, phụ thuộc vào chính ý thức của họ, cơ quan quản lý nhà nước chỉ có thể kiểm tra và phát hiện, xử lý hành vi vi phạm.
Nói về những giải pháp khắc phục tình trạng trên, bà Ðặng Phương Dung kiến nghị, mỗi DN nên có ý thức hơn trong việc bảo vệ thương hiệu, như sử dụng tem chống hàng giả, xây dựng hệ thống phân phối riêng, có tiêu chí và chỉ dẫn rõ ràng,… Về phía mỗi người dân, hãy trở thành người tiêu dùng thông thái, không tiếp tay cho hành vi buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bằng việc mua hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Khi mua hàng, nên lựa chọn những cửa hàng có uy tín, xem xét kỹ nhãn mác, chi tiết sản phẩm. Ðặc biệt, nếu phát hiện cửa hàng bán sản phẩm làm giả, làm nhái thương hiệu có tên tuổi, phải thông tin đến các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý, ngăn chặn.
Cần thông tin chính xác Nếu trong cửa hàng “Made in Vietnam” bán sản phẩm không phải của Việt Nam lại được gắn mác nội thì đó là hàng nhái, tức là đã vi phạm pháp luật. Một trong những quyền của người tiêu dùng là được cung cấp thông tin một cách chính xác, do đó những hành vi như vậy là lừa đảo. Người tiêu dùng có quyền khiếu nại lên Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) và Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) để yêu cầu được bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. NGUYỄN MẠNH HÙNG Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vinastas |
Bài trừ hành vi vi phạm Việc buôn bán hàng nhái, hàng nhập lậu gây ảnh hưởng lớn đến mặt bằng chung của những người kinh doanh chân chính và cả niềm tin của người tiêu dùng. Khi phát hiện hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, khách hàng nên góp ý thẳng thắn, trực tiếp với chủ cửa hàng. Nếu họ không ghi nhận mà vẫn tiếp tục kinh doanh, người dân có thể tẩy chay và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người biết và phòng tránh. TS ÐINH THỊ MỸ LOAN Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam |
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()