Nhập khẩu dược liệu qua Cửa khẩu Chi Ma: Sẵn sàng trước giờ “G”
– Từ ngày 1/10/2021, việc nhập khẩu dược liệu qua Cửa khẩu Chi Ma chính thức được triển khai theo Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 23/9/2021 của Chính phủ về việc thực hiện Đề án thí điểm nhập khẩu dược liệu qua Cửa khẩu song phương Chi Ma. Đến thời điểm này, các lực lượng chức năng, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kho bãi tại Cửa khẩu Chi Ma đã hoàn thiện đầy đủ các điều kiện để tạo thuận lợi nhất cho hoạt động nhập khẩu dược liệu.
Theo đó, cơ quan hải quan đã xây dựng phần mềm quản lý về tiêu chuẩn chất lượng của các loại dược liệu được phép nhập khẩu. Ông Nguyễn Công Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Chi Ma cho biết: Sau khi doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu kê khai qua phần mềm, cơ quan hải quan sẽ cập nhật số dược liệu nhập khẩu có trong danh mục cho phép hay không. Nếu trong danh mục, cơ quan hải quan mới cho phép thông quan. Còn nếu không nằm trong hệ dược liệu thô cho phép, cơ quan hải quan sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng khác thực hiện kiểm nghiệm, vừa đảm bảo không để những loại dược liệu ngoài quy định nhập khẩu vào Việt Nam, vừa đảm bảo quyền lợi và lợi ích cho doanh nghiệp nhập khẩu.
Cán bộ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Chi Ma kiểm tra hàng nhập khẩu
Cùng với đơn vị hải quan tại cửa khẩu, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma cũng chủ động nâng cấp phần mềm quản lý phương tiện điện tử để tạo thuận lợi cho việc đăng ký, thống kê phương tiện, lái xe chở dược liệu nhập khẩu vào khu vực cửa khẩu. Điều này giúp cơ quan chức năng có thể nắm bắt được số lượng phương tiện vận chuyển hàng dược liệu nhập khẩu ra, vào từng bãi tại cửa khẩu.
Cùng với đó, đến thời điểm này, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kho bãi tại cửa khẩu cũng đã hoàn thiện đầy đủ các điều kiện về kho bảo quản, bãi kiểm hóa… để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu dược liệu. Ông Trần Trí Hiếu, Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh kho ngoại quan Bắc Kinh – Chi Ma cho biết: Hiện doanh nghiệp đã bố trí, sắp xếp khu vực bãi và kho ngoại quan rộng hơn 7.000 m2. Kho được ngăn cách với khu vực xung quanh bằng hệ thống tường rào cao, cùng hệ thống camera lắp đặt theo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan hải quan.
Để đảm bảo hoạt động nhập khẩu đúng quy định về pháp lý, các sở, ngành liên quan cũng chủ động phương án phối hợp trong các bước triển khai. Theo đó, cơ quan y tế tỉnh sẽ tổ chức phối hợp với cơ quan hải quan trong hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng dược liệu nhập khẩu và tiếp tục triển khai các quy trình kiểm soát y tế để chủ động phòng, chống dịch COVID-19 tại khu vực cửa khẩu.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Hải quan Cửa khẩu Chi Ma, kim ngạch dược liệu thô nhập khẩu qua Cửa khẩu Chi Ma năm 2015 đạt gần 14,3 triệu USD, năm 2016 đạt gần 9,8 triệu USD, trong hơn 6 tháng đầu năm 2017 kim ngạch đạt gần 12,8 triệu USD. Tuy nhiên, khi Nghị định 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược có hiệu lực (từ ngày 1/7/2017), mặt hàng dược liệu phải dừng làm thủ tục nhập khẩu qua Cửa khẩu Chi Ma, điều này khiến kim ngạch hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu này giảm.
Ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh cho biết: Việc Chính phủ xem xét, tiếp tục cho mặt hàng dược liệu được nhập khẩu qua Cửa khẩu Chi Ma chắc chắn sẽ giúp kim ngạch hàng hóa qua cửa khẩu này tăng cao hơn. Đặc biệt, việc cho phép nhập khẩu dược liệu qua Cửa khẩu Chi Ma là tiền đề quan trọng để trao đổi, đàm phán với Trung Quốc để một số mặt hàng nông sản, thuỷ, hải sản của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc, từ đó, khai thác tối đa hiệu quả tiềm năng của cặp cửa khẩu song phương này.
Theo cơ quan hải quan, dược liệu là mặt hàng có thuế suất cao (từ 10 – 15%, tùy loại thành phần dược liệu), do vậy, việc cho phép nhập khẩu dược liệu qua Cửa khẩu Chi Ma chắc chắn sẽ giúp tăng thu ngân sách. Đồng thời, việc phía Việt Nam cho phép nhập khẩu dược liệu sẽ mở ra hướng xuất khẩu mặt hàng dược liệu của Việt Nam sang Trung Quốc
Ý kiến ()