Nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma: Cần điều chỉnh quy định để phát huy tiềm năng cửa khẩu song phương
(LSO) – Từ tháng 9/2018, cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn, Việt Nam) và của khẩu Ái Điểm (Quảng Tây, Trung Quốc) chính thức trở thành cặp của khẩu song phương. Từ thời điểm đó đến nay, mặc dù hơn 20 mặt hàng mới đã được phép thực hiện xuất nhập khẩu (XNK) qua cửa khẩu Chi Ma nhưng kim ngạch XNK hàng hóa qua cửa khẩu này vẫn liên tục giảm. Trong đó, việc mặt hàng dược liệu không được phép nhập khẩu qua cửa khẩu Chi Ma là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến kim ngạch hàng hóa XNK qua cửa khẩu.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma, từ đầu năm 2019 đến 13/10/2019, kim ngạch XNK hàng hóa qua cửa khẩu đạt gần 96,3 triệu USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2018.
Ông Chu Bá Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma cho biết: Kim ngạch nguyên liệu thuốc bắc nhập khẩu qua cửa khẩu Chi Ma năm 2015 gần 14,3 triệu USD, năm 2016 gần 9,8 triệu USD, trong hơn 6 tháng đầu năm 2017 kim ngạch đạt gần 12,8 triệu USD. Tuy nhiên khi Nghị định 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược có hiệu lực (từ 1/7/2017), mặt hàng dược liệu trước đây chủ yếu nhập khẩu qua cửa khẩu Chi Ma thì từ thời điểm 1/7/2017 phải làm thủ tục nhập khẩu qua cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị.
Cán bộ hải quan cửa khẩu Chi Ma làm thủ tục XNK hàng hoá cho doanh nghiệp
Ông Hoàng Văn Quân, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma cho biết: Việc chúng ta quy định như vậy không chỉ ảnh hưởng về mặt hàng dược liệu, mà trong hoạt động giao thương giữa hai bên hiện nay thường phải có sự đối đẳng. Cụ thể, khi quy định của ta không cho phép nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma, thì quy định của nước bạn cũng hạn chế lượng nhập khẩu hải sản và một số nông sản khô từ Việt Nam qua cửa khẩu Ái Điểm. Như vậy, kim ngạch hàng hóa XNK qua cửa khẩu Chi Ma không chỉ “mất” mặt hàng dược mà kim ngạch các mặt hàng khác cũng đều giảm theo.
Cụ thể, kim ngạch hải sản xuất khẩu qua cửa khẩu Chi Ma năm 2017 đạt trên 146 triệu USD, đến năm 2018 chỉ đạt hơn 11 triệu USD, trong 9 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 6,2 triệu USD. Còn đối với mặt hàng nông sản khô xuất khẩu (nhãn khô, long nhãn, hạt vừng, hạt sen), kim ngạch cũng giảm mạnh (năm 2018 đạt trên 133 triệu USD, trong 9 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt có 36,4 triệu USD).
Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma giãi bày: Theo thông tin chúng tôi nắm được, nếu chúng ta không sớm điều chỉnh về quy định cho mặt hàng dược liệu được phép nhập khẩu ở các cửa khẩu khác (ngoài cửa khẩu quốc tế) thì Trung Quốc sẽ hạn chế khoảng 200 mặt hàng khác được phép XNK qua các cửa khẩu phía ta, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không chỉ đến cửa khẩu Chi Ma mà còn ảnh hưởng đến hoạt động XNK của các cửa khẩu khác của Lạng Sơn nói riêng và các cửa khẩu đường bộ ở các địa phương khác nói chung.
Theo ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, Chính phủ cần sớm điều chỉnh quy định về nhập khẩu dược liệu trong Nghị định 54 ((tại Khoản 7, Điều 91, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP quy định “thuốc, nguyên liệu thuốc chỉ được nhập khẩu qua các cửa khẩu quốc tế”). Nhìn vào thực tế, cửa khẩu Chi Ma và Ái Điểm là cặp cửa khẩu song phương, và sau khi được đầu tư xây dựng, hiện tại, cửa khẩu Chi Ma có 4 kho ngoại quan, 9 bến bãi; khu làm việc của các lực lượng biên phòng, hải quan, kiểm dịch rất khang trang, đáp ứng đủ điều kiện XNK hàng hóa nói chung và dược liệu nói riêng.
Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn vào ngày 1/10/2019, lãnh đạo tỉnh đã có kiến nghị với Thủ tướng về vấn đề này. Theo đó, tỉnh Lạng Sơn kiến nghị với Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế xem xét, trình Chính phủ sửa đổi quy định tại Khoản 7, Điều 91, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP theo hướng cho phép nhập khẩu dược liệu qua cả cửa khẩu chính. Và ngay tại buổi làm việc này, đại diện Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT đều cho rằng: điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng tại cửa khẩu Chi Ma tương đối tốt. Và việc điều chỉnh, cho phép nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma là hoàn toàn phù hợp với điều kiện của địa phương. |
Ý kiến ()