Nhanh chóng triển khai gói cho vay hỗ trợ nhà ở
Gói 30 nghìn tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ đã chính thức được Ngân hàng Nhà nước ban hành hơn một tuần nay và thời điểm thực hiện từ ngày 1-6 đã cận kề. Tuy nhiên, đến nay, người dân vẫn còn khá "mông lung", doanh nghiệp (DN) xây dựng vẫn chờ đợi...
Gói 30 nghìn tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ đã chính thức được Ngân hàng Nhà nước ban hành hơn một tuần nay và thời điểm thực hiện từ ngày 1-6 đã cận kề. Tuy nhiên, đến nay, người dân vẫn còn khá “mông lung”, doanh nghiệp (DN) xây dựng vẫn chờ đợi…
Chị Ðào Mai Hương, 35 tuổi, nhân viên tại một cơ quan nhà nước, sống tại căn hộ cho thuê tại Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: Hiện vợ chồng chị có mức lương thu nhập bình quân khoảng 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trên bảng lương thực tế của anh chị chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng, còn lại là thu nhập bên ngoài, không được tính vào bảng lương. Ðối chiếu với điều kiện vay vốn của ngân hàng, chị Hương không khỏi băn khoăn liệu mình có được vay nguồn vốn này không và không biết làm cách nào để chứng minh được thu nhập và khả năng trả nợ ngân hàng.
Anh Mã Khắc Thành, hộ khẩu quận Long Biên (Hà Nội), đang làm việc cho một công ty tư nhân cho biết, mức thu nhập hiện nay khoảng gần 7 triệu đồng/tháng, đang phải thuê nhà, vì vậy rất vui mừng khi nghe được thông tin về gói hỗ trợ của ngân hàng. Tuy nhiên, khi đọc kỹ yêu cầu vay vốn ngân hàng thì cũng đã thấy khó khăn. Thứ nhất là phải chứng minh có thu nhập thường xuyên và phương án trả nợ, tiếp đến nếu phương án trả nợ không tốt thì phải có tài sản thế chấp. Những điều kiện như vậy thì khó có thể tiếp cận được nguồn vốn vay lần này. Anh Thành cho rằng, Nhà nước nên có những cơ chế linh hoạt, lãi suất cho vay thấp hơn để các đối tượng như anh có thể mua được nhà.
Các DN xây dựng cũng đứng ngồi không yên và hầu hết chọn cách âm thầm triển khai. Thông tư 11/TT-NHNN của NHNN quy định rõ DN được hưởng chính sách ưu đãi lần này là DN có các dự án triển khai kể từ khi Nghị quyết 02/NQ-CP ban hành. Ðiều này đồng nghĩa với việc các dự án triển khai trước ngày 7-1-2013 không nằm trong diện xét duyệt lần này. Nếu tính trung bình một hộ được vay 300 triệu đồng thì số lượng được hỗ trợ là 70 nghìn căn hộ, con số này là khá lớn nhưng thực tế hiện nay vẫn còn rất nhiều nhà thu nhập thấp đang “ế dài”, đơn cử như dự án nhà thu nhập thấp Ðặng Xá do Tổng công ty Viglacera đầu tư hiện còn tồn 200 căn hộ. Dự án Sài Ðồng của Công ty CP Ðầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 có 420 căn, song đến thời điểm này mới ký hợp đồng 314 căn. Khu nhà ở thu nhập thấp Kiến Hưng do Công ty Vinaconex Xuân Mai đầu tư cũng có nhiều căn hộ chưa dọn về ở vì vướng mắc về tài chính…
Một số chuyên gia ngành xây dựng nhận xét, gói hỗ trợ lần này hy vọng sẽ là liều thuốc làm ấm lên phân khúc nhà ở xã hội, từ đó sẽ lan tỏa đến các phân khúc khác và các thị trường liên quan. Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu, một số điều kiện vay vốn cần thay đổi vì đối tượng hỗ trợ lần này là người dân có thu nhập thấp và trung bình. Ngân hàng nên xem xét và quy định việc cho vay có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng chính tài sản xin mua hoặc thuê mua đối với người dân và chính dự án xin vay đối với DN. Ðồng thời có những chính sách cho vay ưu đãi dài hơi, ổn định, không chỉ gói gọn trong vòng 10 năm nhằm chia sẻ khó khăn với đối tượng đi vay. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng nhìn nhận, đây vẫn là thời hạn ngắn và rất ít gia đình có thể thu xếp để trả nợ được. Nhà nước nên tính toán để cho vay với lãi suất từ 5% đến 10%, nhưng phải là lãi suất cố định trong một thời gian dài. Thời gian trả nợ ít nhất 20 năm, thậm chí là 30 năm thì người dân mới chịu được. Ðồng quan điểm, mặc dù cũng ghi nhận nỗ lực của NHNN khi đưa ra mức lãi suất 6%/năm, thấp hơn mặt bằng lãi suất hiện nay, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Ðức Kiên cũng cho rằng, gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa nếu lãi suất chỉ ở 3%/năm.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đang rà soát, lên danh sách các đơn vị đủ điều kiện để được hưởng gói hỗ trợ lần này và trong vài ngày tới sẽ chính thức công bố. Hướng ưu tiên sẽ là các dự án chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội sắp hoàn thành, có vị trí thuận lợi, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, đồng thời sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc các dự án trong diện được hưởng chính sách hỗ trợ sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, “ghi tên giữ chỗ”.
Một điều quan trọng khác để triển khai gói cho vay hỗ trợ nhà ở này chính là thủ tục vay vốn như thế nào thì phần lớn các ngân hàng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể trên toàn hệ thống. Ðể đôn đốc việc triển khai thực hiện gói tín dụng này, Vụ trưởng Tín dụng (NHNN) Nguyễn Viết Mạnh cho biết, NHNN đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, báo cáo gửi về NHNN. Ðó là các ngân hàng: BIDV, VietinBank, Agribank, Vietcombank và MHB. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, trong số các ngân hàng kể trên mới chỉ có BIDV có thông báo chính thức về việc triển khai thực hiện. Theo Tổng Giám đốc Phan Ðức Tú, BIDV đăng ký và dành nguồn vốn khoảng 10 nghìn tỷ đồng để cho vay hỗ trợ nhà ở; đồng thời ban hành hướng dẫn cho vay trong toàn hệ thống. Các quy trình thủ tục, hướng dẫn triển khai,… được công khai minh bạch tại tất cả các chi nhánh và điểm giao dịch của BIDV.
Theo Nhandan
Ý kiến ()