Nhanh chóng hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Mới đây, Bộ Công an đã hoàn thành và cho ra mắt hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC). Đây được coi là một chiến dịch “thần tốc” của ngành công an. Đằng sau sự vận hành của hệ thống này là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân (cand).
“Cốt lõi” của Chính phủ điện tử
Hiện nay, ở nước ta có khoảng 5.400 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành. Tuy nhiên, việc quản lý dân cư mang tính đơn lẻ, từng bộ, ngành quản lý, theo dõi riêng biệt thông qua việc cấp một số loại giấy tờ cho mỗi công dân. Do vậy, mỗi công dân có thể sở hữu nhiều loại giấy tờ khác nhau (giấy khai sinh, CMND, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, thẻ bảo hiểm y tế, hộ chiếu, giấy phép lái xe, các loại chứng chỉ…). Việc nghiên cứu, xây dựng các cơ sở dữ liệu trước đây mới chỉ tập trung vào mục tiêu quản lý nhà nước của từng bộ, ngành, lĩnh vực mà chưa đặt vấn đề kết nối, chia sẻ thông tin về công dân giữa các cơ sở dữ liệu, gây chia cắt thông tin, không thống nhất về thông tin cơ bản của công dân. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng, đưa vào vận hành, khai thác CSDLQGVDC.
Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư cho biết, dự án CSDLQGVDC là dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước tới nay có ý nghĩa rất quan trọng trong xác lập nền tảng công dân số, xã hội số và được coi là “cốt lõi” để xây dựng và kết nối hệ thống các cơ sở dữ liệu với nhau. Bởi lẽ, CSDLQGVDC là tập hợp thông tin cơ bản về công dân được chuẩn hóa, số hóa, phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thông qua việc tổ chức thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân sẽ tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các bộ, ngành và chính quyền các cấp nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. CSDLQGVDC chính là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân. Nếu như trước đây, một công dân phải tự quản lý khoảng 22 giấy tờ tùy thân thì với CSDLQGVDC, mỗi người dân chỉ cần tự quản lý mã số định danh cá nhân duy nhất. Việc tra cứu thông tin trong CSDLQGVDC khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao chứng thực các giấy tờ công dân, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại cho nhân dân. Cũng theo Thượng tá Tô Anh Dũng, thông tin về dân cư được thu thập, cập nhật thường xuyên sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý dân cư, quản lý chắc biến động dân cư, quản lý các loại đối tượng, hỗ trợ công tác tra cứu, xác minh về nhân thân của công dân, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Huy động lực lượng tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu
Ðể hoàn thành được hệ thống CSDLQGVDC là cả một quá trình nỗ lực làm việc ngày đêm của lực lượng CAND, theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên T.Ư Ðảng, Thứ trưởng Công an, thực hiện Luật Căn cước công dân (CCCD), Ðề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020 (Ðề án 896), lực lượng công an được Ðảng và Nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ “chưa có tiền lệ” từ trước đến nay là xây dựng hệ thống CSDLQGVDC và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD, tạo tiền đề xây dựng Chính phủ điện tử, xã hội số, kinh tế số. Ngay sau khi có các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Bộ trưởng Công an làm trưởng ban, ba đồng chí Thứ trưởng là Phó Trưởng ban và lãnh đạo 10 Cục nghiệp vụ liên quan là thành viên để chỉ đạo triển khai thực hiện hai dự án. Ðồng thời, tham mưu lãnh đạo bộ ban hành Kế hoạch số 82/KH-BCA-C06 ngày 4-3-2020 xác định tám nhóm nhiệm vụ, 48 công việc để thực hiện Dự án dân cư; và Kế hoạch số 389/KH-BCA-C06 ngày 8-9-2020 với chín nhóm nhiệm vụ, 55 công việc để thực hiện dự án CCCD. Trong quá trình thu thập dữ liệu, Bộ Công an đã thành lập gần 100 đoàn công tác với hơn 200 lượt và gần 6.000 đoàn của công an các địa phương kiểm tra, phúc tra đến tận cơ sở, bảo đảm chính xác thông tin về dân cư đã thu thập; một số đồng chí giám đốc cũng đã xuống tận cấp xã để kiểm tra, đôn đốc. Từ đó, nắm tình hình cũng như khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, kịp thời thống nhất đưa ra những giải pháp hiệu quả cho từng địa phương.
Nêu ý kiến về quá trình triển khai thực hiện việc thu thập thông tin về dân cư, đồng chí Ðại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an cho biết: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư hai dự án: xây dựng CSDLQGVDC; sản xuất, cấp và quản lý CCCD, Bộ Công an đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách của toàn lực lượng. Bộ Công an đã ưu tiên cao nhất các nguồn lực, kinh phí, phương tiện với tinh thần “thần tốc” “vừa chạy vừa xếp hàng” để hoàn thành hai dự án đúng tiến độ đề ra. Các nhiệm vụ của dự án được xác định cụ thể với mốc thời gian hoàn thành tính theo từng ngày. Hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ Công an T.Ư và địa phương đã được huy động tham gia, làm việc không quản ngày đêm để hoàn thành khối lượng rất lớn công việc của hai dự án. Bộ trưởng Công an Tô Lâm nêu rõ, trong quá trình thực hiện hai dự án, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, đơn vị để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ liên quan xây dựng hoàn thiện hai hệ thống. Bảo đảm đúng nguyên tắc hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí. Ðặc biệt, đặt trong bối cảnh năm 2020 có nhiều khó khăn, thách thức đặt ra do tác động của dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ những kết quả đạt được của hai dự án xây dựng hệ thống CSDLQGVDC và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD là rất to lớn.
Được biết, qua nghiên cứu, phân tích của các chuyên gia, dự tính tổng chi phí người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được hằng năm khi tích hợp, thực hiện các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia khi hệ thống CSDLQGVDC và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD được đưa vào vận hành lên tới gần 5.000 tỷ đồng/năm.
Ý kiến ()