Dự án khai thác mỏ đa kim Núi Pháo được triển khai từ năm 2005, là một trong những dự án về khoáng sản lớn nhất Việt Nam do Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo thực hiện. Với nguồn lực tài chính mạnh, công nghệ hiện đại, Dự án Núi Pháo hứa hẹn trở thành hình mẫu lý tưởng trong ngành khai thác khoáng sản Việt Nam.
Tuy nhiên, năm qua, các cấp, các ngành huyện Đại Từ và tỉnh Thái Nguyên đã nhận được rất nhiều đơn của người dân thuộc xóm 2, 3, 4, 5, 6, 7, 9 (xã Hà Thượng) sát khu vực Mỏ Núi Pháo phản ánh Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo gây ô nhiễm môi trường. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lê Hòa, Bí thư Chi bộ xóm 4 cho biết: Từ ngày Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo về khai thác khoáng sản tại địa phương, đời sống dân cư và cảnh quan môi trường bị xáo trộn. Để thuận lợi cho việc khai thác, Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo đã cải dịch quốc lộ 37, đoạn đường đi qua hai xóm 3 và 4; đắp đứng và xây dựng cầu vượt cao tới hàng chục mét so với mặt bằng khu dân cư, khiến cát bụi bay đầy vào các hộ gia đình mỗi khi có gió hoặc phương tiện giao thông qua lại. Việc cải dịch quốc lộ 37 đã cắt đứt sự giao thương buôn bán từ lâu của người dân, nhất là của các hộ gia đình hai bên quốc lộ, khiến cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Thành (xóm 6) cho biết: Để đắp đập làm bể chứa nước và bể chứa nước thải, Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo đã chặn hết dòng chảy của các đập lớn đầu nguồn, chặn và phá các dòng chảy tự nhiên từ xa xưa khiến chúng tôi không có nước sinh hoạt và nước dùng để gieo trồng, nhiều diện tích đất canh tác bị bỏ hoang. Việc xây dựng đắp đập làm bể chứa nước và bể chứa nước thải ở đầu nguồn gây nguy hiểm cho người dân mỗi khi mưa lũ về.
Chị Nguyễn Thị Tường, Trưởng xóm 4 cho biết thêm: Việc nổ mìn khai thác quặng với số lượng lớn thường xuyên làm chấn động nhà cửa và đất đai. Ngoài ra, nhà máy khai thác hoạt động cả ngày lẫn đêm, băng tải bột quặng cao hàng chục mét xả bụi vào không khí bay khắp vùng kèm theo mùi hôi khiến người dân khó thở, thậm chí nôn mửa. Khi Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo bắt đầu tuyển quặng thì thật sự là nỗi kinh hoàng đối với các hộ dân sát hàng rào nhà máy và khu vực dự án. Hằng ngày, từng đoàn xe chở các thùng hóa chất với đủ các loại mùi khiến người dân hít phải lập tức hắt hơi, chảy nước mũi, tức ngực, khó thở, nôn mửa hàng loạt. Từ ngày Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo xả thải khí độc ra môi trường, số ca bệnh hô hấp tăng đột biến, các bệnh về da, nổi ban đỏ, mẩn ngứa, chữa mãi không khỏi. Đáng nói là Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo thường xả các khí độc hại với nồng độ cực cao vào ban đêm và sáng sớm. Khi các đoàn kiểm tra môi trường về đo nồng độ độc hại và ô nhiễm, nhà máy thường lấy lý do nghỉ bảo dưỡng, hoặc giảm nồng độ độc hại tối thiểu để che giấu hành vi vi phạm của mình.
Bác Lê Quang Chính (xóm 3) bức xúc: Không khí ô nhiễm, nguồn nước cũng ô nhiễm nặng. Nguồn nước thải của nhà máy xả ra khu vực xóm 3 và xóm 4, xã Hà Thượng đen ngòm, hôi tanh, sủi bọt khiến cây cối bị chết. Theo kết quả quan trắc môi trường của cơ quan chức năng huyện Đại Từ, chất lượng nước mặt tại khu vực cầu Sắt xã Hà Thượng bị ô nhiễm nặng, nồng độ a-sen vượt gấp bảy lần mức cho phép; thủy ngân vượt 6,54 lần; xy-a-nua vượt 10 lần… Nhà máy thường xuyên xả nhiều nước thải vào ban đêm, lợi dụng những hôm mưa to để xả với số lượng lớn ra môi trường… Dân chúng tôi đề nghị sớm được di dời chỗ ở càng xa Dự án Núi Pháo càng tốt.
Về phía chính quyền xã, ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Hà Thượng cho biết: Chính quyền các cấp ở địa phương đã thấy rõ tình trạng ô nhiễm môi trường chung quanh Dự án Núi Pháo, và đã nhiều lần vào cuộc giúp đỡ người dân, trực tiếp yêu cầu Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo không được xả chất độc chưa qua xử lý ra môi trường. Năm 2012, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có chủ trương cho Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo bồi thường, hỗ trợ di chuyển các hộ dân xóm 3, 4 của xã Hà Thượng ra khỏi khu vực gần nhà máy. Đến năm 2014, UBND tỉnh Thái Nguyên chủ trương thu hồi đất của các hộ bị ảnh hưởng môi trường. Tuy nhiên, quá trình triển khai rất chậm, đến nay, khu tái định cư vẫn chưa hoàn thành. Về phía chính quyền tỉnh, mới đây tại buổi tiếp và đối thoại với đại diện nhân dân xóm 3, 4, 6 thuộc xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Đoàn Văn Tuấn đã chỉ đạo: Phải di dời ngay các hộ dân ở gần khu vực ô nhiễm bởi Dự án Núi Pháo. Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ với những bức xúc của các hộ dân, ghi nhận những kết quả giải quyết bước đầu của địa phương và Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo.
Trước nguyện vọng được di dời chỗ ở của các hộ dân thuộc các xóm 3, 4 và xóm 6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh đã giao các cơ quan liên quan phối hợp Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo xây dựng kế hoạch triển khai. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo tích cực triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường, không để xảy ra sự cố môi trường ảnh hưởng người dân. Tại buổi tiếp và đối thoại với người dân các xóm nêu trên, đại diện Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo cho biết, Công ty sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục để UBND tỉnh phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất dự án Núi Pháo. Công ty đã xây dựng Khu tái định cư Đồng Bông, khi UBND tỉnh xác định giá đất người dân sẽ được nhận tái định cư…
Trước đó, Đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ đã có buổi làm việc với huyện Đại Từ. Tại đây Đoàn công tác cho rằng: Môi trường là vấn đề sống còn, khó đánh giá hết tác động tiêu cực của nó, cho nên chính quyền địa phương, Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo phải chia sẻ với các hộ dân thuộc xóm 3, 4, 6, xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Người dân xã Hà Thượng rất hy vọng vào sự quyết liệt của Thanh tra Chính phủ, các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên và Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo, mong sớm được di dời nơi ở để thoát khỏi cảnh phải sống chung với ô nhiễm độc hại nhiều năm qua.
Ý kiến ()