Nhanh chóng có giải pháp hỗ trợ và điều trị cho nạn nhân chất độc da cam
Do lịch sử chiến tranh của đất nước, Việt Nam đã phải hứng chịu các đợt phun rải chất độc màu da cam (dioxin), phơi nhiễm với chất độc da cam đã và đang là mối đe dọa sức khỏe đối với con người và môi trường trong nhiều năm qua…
Ngày 20/12, tại Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phối hợp Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) và Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Bệnh, tật liên quan với phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam – Hiện trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả dự phòng và điều trị”.
Di chứng và nỗi đau da cam
Phát biểu tại hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng bệnh tật liên quan với phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam; trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác hại của chất độc da cam/dioxin đối với sức khỏe con người.
Theo thống kê chưa đầy đủ đến nay cho thấy, đã có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc dioxin và 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam. Trong đó, có khoảng 22% số gia đình có 3 nạn nhân trở lên. Nhiều gia đình nạn nhân thuộc hộ đói và nghèo, 90% nạn nhân không có chuyên môn, nghề nghiệp. Qua điều tra, khảo sát của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, hiện toàn quốc có khoảng 150 nghìn nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; hơn 35 nghìn nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3; hơn 2.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4; 22% số gia đình nạn nhân chất độc da cam có từ 3 nạn nhân trở lên, trong đó hộ gia đình nạn nhân thuộc diện nghèo chiếm tỷ lệ cao; khoảng 90% nạn nhân không có chuyên môn, nghề nghiệp. Di chứng chất độc da cam đã truyền sang thế hệ thứ 3, thứ 4.
Các nạn nhân chất độc da cam thế hệ này hầu hết đều bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật. Có gia đình cả 15 người con đều là nạn nhân chất độc da cam; cũng có những gia đình tất cả mọi người con khi sinh ra đều tử vong vì bị nhiễm chất độc này. Nhiều căn bệnh hiểm nghèo vẫn tiếp tục xảy ra đối với thế hệ con cháu của họ, và đã truyền sang tới thế hệ thứ 3. Không chỉ người Việt Nam mà các lính Mỹ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand…, từng tham chiến trong chiến tranh ở Việt Nam cũng mắc nhiều bệnh tật do phơi nhiễm chất độc da cam. Có thể thấy, nỗi đau da cam là nỗi đau quá lớn không dễ dàng có thể xoa dịu.
Tại hội thảo, GS, TS Hoàng Văn Lương, Phó Giám đốc Học viện Quân y cho biết, chất độc da cam đã và đang tác động mạnh mẽ, lâu dài tới sức khỏe con người. Các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và thế giới cho thấy, chất độc da cam/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể…, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản. Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ (NAS) đã công bố danh mục 14 bệnh, Bộ Y tế Việt Nam công bố danh mục 17 bệnh tật, dị dạng, dị tật do phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin và danh mục này vẫn để mở…
Đẩy nhanh tốc độ tẩy độc môi trường ở các “điểm nóng”
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, các thầy thuốc ở Việt Nam và quốc tế đã thảo luận và xem xét, đánh giá thực trạng các bệnh, tật được Việt Nam và các nước khác nhận định có liên quan với phơi nhiễm chất độc da cam; nghiên cứu một số bệnh khác có bằng chứng liên quan với phơi nhiễm chất độc da cam; đánh giá kết quả nghiên cứu và điều trị các bệnh, đồng thời đưa ra một số mô hình điều trị và phòng ngừa các bệnh, tật có liên quan với phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin…
Từ sự nhìn nhận như trên, các nhà khoa học kêu gọi chính phủ các nước, cộng đồng quốc tế tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân Việt Nam khắc phục hậu quả do chất độc da cam/dioxin gây ra cho sức khỏe con người ở Việt Nam, đồng thời đưa ra một số đề xuất, kiến nghị.
Theo đó, cần đẩy nhanh hơn nữa việc tẩy độc môi trường ở các “điểm nóng” về độ tồn lưu dioxin; tiếp tục coi trọng thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường, sinh thái ở những khu vực đã bị ảnh hưởng của việc phun rải chất độc hóa học trong chiến tranh, nhằm hạn chế, khắc phục tình trạng tiếp tục nhiễm mới chất độc hóa học sử dụng từ thời kỳ chiến tranh.
Cùng việc xử lý môi trường, cần quan tâm, chú trọng đầu tư nhiều hơn nữa cho việc nghiên cứu và tổ chức điều trị, phòng ngừa các bệnh, tật có liên quan với phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin để giảm bớt tỷ lệ tử vong do bị các bệnh có liên quan với phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, giúp những người bị nhiễm chất độc da cam trực tiếp cũng như gián tiếp cải thiện điều kiện sức khỏe, điều kiện sống.
Đồng thời, quan tâm, chú trọng tổ chức điều trị, phòng ngừa bệnh, tật liên quan với phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin cần được thể hiện bằng các hành động cụ thể trong các chương trình hành động quốc gia và hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam…
Việt Nam đã đầu tư nhiều công trình khảo sát, nghiên cứu khoa học, tiến hành một số dự án xử lý khu vực đất nhiễm dioxin, ngăn chặn, chống lan tỏa chất độc hóa học; phối hợp Mỹ tẩy độc tại sân bay Đà Nẵng, phối hợp Quỹ Môi trường toàn cầu quốc tế (GEF) xử lý đất ô nhiễm ở sân bay Phù Cát và một phần ở sân bay Biên Hòa. Tổ chức trồng lại rừng và phục hồi các hệ sinh thái trên toàn miền nam…
Nhà nước cũng ban hành và luôn bổ sung hoàn thiện các chế độ chính sách đối với nạn nhân chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, gồm chính sách với người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm và chính sách với các đối tượng khác bị phơi nhiễm; huy động nhiều nguồn lực thực hiện các dự án hỗ trợ nạn nhân về sản xuất, y tế, giáo dục, phục hồi chức năng…
Ý kiến ()