Nhân Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường ( 29/4-6/5/2013): Nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh
LSO- Nước sạch và vệ sinh môi trường là nhu cầu rất cần thiết trong đời sống hàng ngày. Đây cũng là một trong những chỉ số quan trọng của Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới. Việc xúc tiến chương trình nước sạch và đảm bảo vệ sinh môi trường sống không chỉ giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, bảo vệ sức khỏe người dân, mà còn ổn định và từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
LSO- Nước sạch và vệ sinh môi trường là nhu cầu rất cần thiết trong đời sống hàng ngày. Đây cũng là một trong những chỉ số quan trọng của Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới. Việc xúc tiến chương trình nước sạch và đảm bảo vệ sinh môi trường sống không chỉ giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, bảo vệ sức khỏe người dân, mà còn ổn định và từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong những năm qua, tỉnh ta đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc cung cấp nước sạch và phương tiện vệ sinh cho người dân nông thôn. Tuy vậy, những tiến bộ đạt được vẫn còn rất xa so với mục tiêu đề ra; số lượng hộ dân được sử dụng nước sạch còn thấp, chất lượng của các phương tiện vệ sinh ở hộ gia đình, nhà trường và nơi công cộng vẫn là vấn đề cần được quan tâm. Tính đến nay toàn tỉnh có khoảng 700 giếng khoan, 28.000 giếng đào, 2.000 bể chứa nước và gần 500 công trình cấp nước tập trung; cung cấp cho trên 70% dân số nông thôn được dùng nước sạch hợp vệ sinh, trong đó chỉ có hơn 35% được dùng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Điều đó cho thấy, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn vẫn còn hạn chế; trong khi đó, một số công trình cấp nước tập trung chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân, nhất là ở các xã vùng cao, vùng sâu.
Ra quân tuyên truyền bảo vệ môi trường ở huyện Hữu Lũng
Hiện nay, tại một số vùng nông thôn trong tỉnh, nguồn nước người dân sử dụng sinh hoạt chủ yếu là ở ao, hồ, bể chứa nước mưa và nước ngầm từ giếng khơi, giếng khoan. Nếu nguồn nước không đảm bảo vệ sinh sẽ gây nên nguy cơ mắc các bệnh đường ruột, bệnh ngoài da và một số căn bệnh khác. Chính vì thế, vai trò của nước sạch với đời sống nói chung, với các vùng nông thôn luôn quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết. Cùng với tăng trưởng kinh tế là gánh nặng về xả thải, chất thải ra môi trường.
Ông Nguyễn Đình Duyệt, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Trung bình mỗi ngày, toàn tỉnh phát sinh hàng trăm tấn rác thải sinh hoạt, trong đó khoảng 50% được thu gom nhưng tỷ lệ rác được xử lý bảo đảm công nghệ, kỹ thuật còn thấp (chủ yếu là ở thành phố, thị trấn). Hầu hết nguồn chất thải của con người ở khu vực nông thôn chưa được xử lý đúng cách, gây ô nhiễm đáng kể cho nguồn nước, đất, thực phẩm và môi trường xung quanh.
Qua tìm hiểu tại một số xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy, rất nhiều hộ dân chưa quan tâm đến việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cấp tỉnh. Việc quản lý và sử dụng công trình vệ sinh tại các trường học, trạm y tế, chợ gặp nhiều khó khăn, vẫn còn công trình vệ sinh đã được xây dựng nhưng đóng cửa không sử dụng. Một số công trình bị hư hỏng thiếu kinh phí sửa chữa. Nhận thức và hành vi sử dụng công trình vệ sinh công cộng còn kém. Tình trạng sử dụng phân người và gia súc chưa được xử lý an toàn để bón ruộng, nuôi cá vẫn còn tồn tại ở một số vùng nông thôn, nguy cơ phát tán mầm bệnh ra môi trường là rất cao.
Giữ gìn môi trường sống trong lành là quyền lợi và nghĩa vụ của cư dân, do vậy, chúng ta phải đối mặt và giải quyết các thách thức này một cách khẩn trương, sáng tạo với các nguồn lực và sự cam kết mạnh mẽ. Theo đó, để từng bước giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, trước hết, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục; quán triệt nội dung, kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, giai đoạn 3 (2011 – 2015) trên địa bàn. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, làm cho việc sử dụng nước sạch, thực hiện vệ sinh môi, xây dựng nhà tiêu đạt tiêu chuẩn và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh trở thành thói quen thường xuyên đối với mọi người dân ở vùng nông thôn. Đồng thời, cần nâng hiệu quả sử dụng và nâng công suất của các trạm cấp nước cũ, đầu tư thêm hệ thống đường ống dẫn nước để đưa nước sạch đến từng hộ gia đình ở vùng sâu.
Hồ Xuân Hương
Ý kiến ()