Nhân tố quan trọng giữ gìn văn hoá truyền thống trong gia đình
– Trong mỗi gia đình, nhất là đối với gia đình nhiều thế hệ, người cao tuổi (NCT) là nhân tố quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cho con cháu, góp phần xây dựng gia đình yên ấm, hạnh phúc, để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn…
Bà Bế Thanh Súy, NCT phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn giới thiệu tư liệu lịch sử cho các cháu trong gia đình
Trong nhiều chuyến thăm, tặng quà mừng thọ NCT, các thành viên đoàn công tác của tỉnh đều khẳng định: “NCT là vốn quý của dân tộc”. Nhấn mạnh như vậy là bởi các cụ đã có nhiều trải nghiệm trong cuộc đời, tích lũy được kinh nghiệm trong các lĩnh vực của cuộc sống để truyền dạy, giáo dục, bảo ban con cháu.
Ông Nông Ngọc Tăng, Trưởng Ban Đại diện Hội NCT tỉnh cho biết: Nhằm phát huy vai trò của NCT trong xây dựng hạnh phúc gia đình, thời gian qua, các cấp hội trong tỉnh duy trì và tạo sự lan tỏa trong thực hiện phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền” với nhiều nội dung. Trong đó, tập trung vận động con cháu giữ gìn phẩm chất đạo đức, thuần phong mỹ tục; bảo ban con cháu học tập, tích cực phát triển kinh tế gia đình, giữ gìn tình làng, nghĩa xóm…
Có dịp đến thăm nhiều gia đình NCT, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc của các cụ khi con cháu đề huề, đỗ đạt, trưởng thành. Ông Đỗ Minh Hoạt, thôn Hồng Minh, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn cho biết: Mẹ tôi một đời vất vả nuôi chúng tôi khôn lớn. Nay bà đã 100 tuổi, con cháu đều đã lớn, trưởng thành nhưng lúc nào bà cũng dặn chúng tôi từ những điều nhỏ nhất, nhắc chúng tôi giữ gìn nền nếp gia phong… Tôi chỉ mong mẹ sống trường thọ để chúng tôi tiếp tục được báo hiếu!
Bà Lê Thị Văn, xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng hằng ngày đều bảo ban con cháu ngoan ngoãn, nỗ lực học tập và cống hiến góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Bà có 4 người con thì có 2 người làm công chức Nhà nước, gia đình nhiều năm liền đạt gia đình văn hóa. Bà Văn cho biết: Hằng ngày, tôi nói tiếng dân tộc với con cháu, dạy nghề thêu thùa, may trang phục truyền thống của người Nùng và dạy hát then, đàn tính để con cháu hiểu và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc…
Hiện nay, Lạng Sơn có gần 92.000 NCT, chiếm khoảng 10,9% dân số toàn tỉnh, phần lớn các cụ ở trong gia đình 3 thế hệ. Cũng như các trường hợp trên, NCT trong mỗi gia đình đã và đang trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc để con cháu ra sức học tập, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng xã hội tốt đẹp hơn. Nhờ vậy, hằng năm, có khoảng 90% hộ NCT đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Không những thế, các cụ còn nêu gương sáng trong lao động, sản xuất và các hoạt động xã hội tại địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh có 37.000 NCT vẫn trực tiếp tham gia lao động sản suất, trong đó có gần 1.500 NCT đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi; có trên 2.800 NCT tham gia công tác Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể ở cơ sở. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các cụ đã vận động con cháu tham gia hơn 10.000 ngày công, hiến hơn 20.600 m² đất, ủng hộ trên 1 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới ở địa phương…
Có thể khẳng định, mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, mỗi tế bào tốt sẽ góp phần làm cho xã hội tốt lên. Trong gia đình, ông bà, cha mẹ luôn là chỗ dựa, nhắc nhở, bảo ban con cháu những điều hay, lẽ phải, là tấm gương để con cháu soi vào, noi theo, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Ý kiến ()