Nhận thức về xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ
Trước hết nói về lịch sử của vấn đề. Ngay từ trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, chúng ta đã tạo nên truyền thống tự lực cánh sinh đồng thời coi trọng tranh thủ viện trợ của bên ngoài (cả tinh thần lẫn vật chất). Ðến khi bắt tay vào công cuộc xây dựng CNXH mà thực chất đó là một sự nghiệp có tính kinh tế - như Ănghen nói, thì chúng ta cũng luôn luôn đề cao tinh thần độc lập tự cường, đồng thời hết sức coi trọng sự giúp đỡ của các nước XHCN, coi đó là điều kiện để bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN tiến lên CNXH.
Trước hết nói về lịch sử của vấn đề. Ngay từ trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, chúng ta đã tạo nên truyền thống tự lực cánh sinh đồng thời coi trọng tranh thủ viện trợ của bên ngoài (cả tinh thần lẫn vật chất). Ðến khi bắt tay vào công cuộc xây dựng CNXH mà thực chất đó là một sự nghiệp có tính kinh tế – như Ănghen nói, thì chúng ta cũng luôn luôn đề cao tinh thần độc lập tự cường, đồng thời hết sức coi trọng sự giúp đỡ của các nước XHCN, coi đó là điều kiện để bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN tiến lên CNXH.
Tuy nhiên, các nước phương Tây lại thực hiện chính sách bao vây cấm vận, ngoài ra còn có cả lực lượng tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại toàn diện nước ta, thêm vào quán tính của chính sách phân phối bình quân, bao cấp, chia đều sự nghèo khổ, nền kinh tế nước ta lâm vào tình trạng khép kín, quan hệ hàng hóa – tiền tệ rất yếu ớt. Nhìn thẳng vào sự thật, nền kinh tế thiếu động lực phát triển. Lịch sử bao giờ cũng vẫn là người thầy dạy vĩ đại. Ðảng và nhân dân ta đã tiến hành công cuộc đổi mới. Và, cùng với nhiều nội dung đổi mới, thì có một đột phá là mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, cũng đúng lúc bối cảnh “toàn cầu hóa kinh tế phát triển mạnh”. Nhưng với truyền thống và nhạy cảm chính trị, Ðảng và nhân dân ta sớm tự cảnh báo “hội nhập mà không hòa tan”. Ðến Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa VIII) đã đề ra quyết sách “phát huy nội lực là chính, đồng thời coi trọng tranh thủ ngoại lực”. Bắt đầu bước sang thế kỷ 21, tổng kết lại 15 năm đổi mới, Ðại hội lần thứ IX của Ðảng đã xác định “Ðường lối kinh tế”, coi đó là trọng yếu của đường lối xây dựng CNXH, làm cơ sở, làm tiêu chuẩn cho các chính sách, chủ trương, giải pháp, quyết định về kinh tế, dĩ nhiên cuối cùng đều nhằm cải thiện đời sống nhân dân, củng cố vững chắc CNXH. Ðại hội IX diễn đạt như sau “Ðường lối kinh tế của Ðảng ta là: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp; ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng XHCN; phát huy cao độ nội lực đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững; tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường; kết hợp phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường quốc phòng – an ninh”.
Như vậy “xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ” là một trong năm nội dung cơ bản của đường lối kinh tế, là một đường lối kinh tế của Ðảng ta, của nước ta.
Tuy nhiên, chưa cần tới nhận thức lý tính, mà mới chỉ bằng nhận thức cảm tính, chúng ta đã dễ dàng nhận ra nền công nghiệp nước ta hiện nay về cơ bản là công nghiệp lắp ráp, gia công cho nước ngoài, cùng 70 – 80% giá trị sản phẩm nông nghiệp là nhập ngoại, thì thực chất đó là dấu hiệu quan trọng của nền kinh tế lệ thuộc (chứ không còn ở mức phụ thuộc) nước ngoài. Không thể lường trước được sự rủi ro một khi có những biến động bất ngờ của tình trạng xuất khẩu tư bản thừa (tương đối) của các Conglomérat (Công ty xuyên quốc gia) có thể do nguyên nhân kinh tế, cũng có thể do nguyên nhân chính trị. Ðó là chưa kể đến cả sự yếu kém về sản xuất các phương tiện quân sự, quốc phòng, nhất là cho yêu cầu an ninh quốc phòng vùng biển, vùng trời. Và, đúng như Lê-nin nói: càng đi vào giải quyết các vấn đề cụ thể bao nhiêu thì càng đụng phải những vấn đề chung bấy nhiêu. Vấn đề chung ở đây là nền kinh tế độc lập tự chủ, là đường lối xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Từ thực trạng một kết cấu kinh tế chưa độc lập tự chủ sau 30 năm đổi mới làm ta phải suy nghĩ, phải trở lại nhận thức cho đúng đắn, cho sâu sắc đường lối xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ mà Ðảng đã từng vạch ra, nhất là đối với một nước có số dân tới ngót trăm triệu người. Trong thời đại có cách mạng khoa học – công nghệ thì 30 năm không phải là thời gian ngắn ngủi. Hàn Quốc chỉ với 30 năm cuối thế kỷ trước mà họ đã tiến bước dài, từ nền kinh tế kém phát triển, lạc hậu, trở thành nền kinh tế độc lập tự chủ giàu mạnh, có tên tuổi trên thế giới, ngày nay đang đứng trong G20. Ðiều đó cho ta một bài học quý giá về ý thức, về chiến lược và kế hoạch xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ. Cả lý luận và thực tiễn cho ta thấy cần thiết có những nhận thức và quan điểm đúng đắn về xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.
Thứ nhất, trong thế giới ngày nay, mặc dù sự tùy thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng gia tăng trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sự phân công tự nhiên của thị trường quốc tế rộng lớn, người ta chẳng những không coi nhẹ hơn, mà càng coi trọng hơn lợi ích quốc gia và dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc, càng chú ý hơn đến khả năng tự chủ về kinh tế để bảo đảm cho vị thế và lợi ích quốc gia, dân tộc mình trong cuộc cạnh tranh kinh tế gay gắt, là cơ sở khẳng định địa vị chính trị trên trường quốc tế.
Thứ hai, độc lập tự chủ về kinh tế thực chất là sự tự chủ mà không bị lệ thuộc vào nước khác, vào một tổ chức quốc tế nào đó về đường lối, chính sách phát triển kinh tế, vào những điều kiện kinh tế chính trị mà người khác áp đặt cho mình trong hợp tác song phương, đa phương hoặc tiếp nhận sự viện trợ, mà những điều kiện viện trợ ấy làm tổn hại đến chủ quyền quốc gia và lợi ích cơ bản của dân tộc mình. Ðộc lập tự chủ về kinh tế ở trình độ cao có nghĩa là trước những biến động lớn của thị trường bên ngoài, về cơ bản vẫn giữ được ổn định kinh tế – tài chính quốc gia và định hướng phát triển và nếu gặp phải sự bao vây cô lập về kinh tế của các thế lực thù địch bên ngoài, vẫn có thể đứng vững, không dẫn đến sự sụp đổ về kinh tế và chế độ chính trị. Ðiều đó cũng có nghĩa là nền kinh tế tự vận động được, tự giải quyết được các cân đối lớn mang tính khách quan như cân đối sản xuất – tiêu dùng, hàng – tiền, thu – chi, xuất – nhập khẩu… Chẳng hạn nước ta có vùng biển rộng dài, có nhiều đồng mía, có nhiều dân làm muối, có nhiều nhà máy đường, mà có năm phải nhập 200.000 tấn muối, 200.000 tấn đường, là mất cân đối giữa sản xuất và tiêu dùng, có năm lạm phát đến 25 – 30% là mất cân đối hàng – tiền. Nhiều năm nhập siêu hàng chục tỷ đô-la là mất cân đối xuất – nhập khẩu. Còn thu chi ngân sách thì thường xuyên mất cân đối, gần đây nhất trong tám tháng đầu năm 2013, thu ngân sách khoảng 250 nghìn tỷ đồng, thì trong đó thu trong nước chỉ được 180 nghìn tỷ đồng, tức nguồn thu từ bên ngoài chiếm gần một phần ba. Ðó là những biểu hiện của mất cân đối, tức cũng là phát triển thiếu bền vững của nền kinh tế quốc dân.
Thứ ba, khác với trước đây, trong cuộc kháng chiến đầy gian khổ, cách xa hậu phường XHCN, chúng ta thường hình dung một nền kinh tế tự cung tự cấp, khép kín, trong điều kiện ngày nay, độc lập tự chủ kinh tế gắn liền với mở cửa và hội nhập với thị trường bên ngoài chủ động tham gia vào sự giao lưu, hợp tác, phân công lao động quốc tế. Ðộc lập tự chủ về kinh tế tạo cơ sở cho hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả. Hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả tạo điều kiện cần thiết để xây dựng kinh tế độc lập tự chủ. Ðây là cặp phạm trù liên quan mật thiết, làm tiền đề cho nhau cùng tồn tại phát triển, vắng mặt này thì mặt kia không còn ý nghĩa, càng nâng cao kinh tế độc lập tự chủ thì càng phát huy được khả năng hội nhập kinh tế quốc tế, ngược lại càng hội nhập kinh tế quốc tế thì càng có thể và cần phải giữ vững và nâng cao kinh tế độc lập tự chủ. Nên coi đấy là tư duy mới về xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, về nâng cao phẩm chất độc lập tự chủ.
Thứ tư, phát huy cao độ nội lực đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp nội lực và ngoại lực thành nguồn lực tổng hợp để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Ðây cũng là một nội dung cơ bản của đường lối kinh tế của Ðảng ta, nó phản ánh quy luật chung của thế giới, theo đó mọi sự vật bao giờ cũng là tự thân vận động, nhân tố bên trong bao giờ cũng quyết định, nhân tố bên ngoài chỉ phát huy tác dụng thông qua nhân tố bên trong. Nghị quyết Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa VIII đã ghi nhận phát huy nội lực là chính đồng thời hết sức coi trọng ngoại lực, coi đó là một quan điểm cơ bản trong công cuộc đổi mới của nước ta. Nội lực của nước ta là lực lượng lao động dồi dào, tài nguyên đa dạng, phong phú, là nền kinh tế nhiều thành phần cùng sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế, là khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là sự gắn bó giữa Ðảng và nhân dân cùng sự thống nhất về chính trị và tinh thần trong xã hội. Tuy nhiên, hiện nay nên cảnh báo tình trạng nội lực suy giảm: sức lao động dồi dào không được tận dụng, trái lại sử dụng lãng phí (nhiều nông dân là người thất nghiệp tiềm tàng, năng suất lao động của công nhân và viên chức trong kinh tế nhà nước và cơ quan nhà nước rất thấp…); tài nguyên thì bị khai thác để bán chứ không được sử dụng để xây dựng cơ cấu kinh tế của nước nhà; một bộ phận không nhỏ của kinh tế nhà nước chưa phát huy hiệu quả; sự phân hóa không mang tính khách quan về thu nhập đã làm rạn nứt khối đoàn kết keo sơn trong nhân dân và ngay cả trong Ðảng, giảm sút lòng tin của nhân dân và ngay cả của đảng viên. Nội lực suy giảm như thế làm cho nền kinh tế đã từng phát triển những năm 1991 – 2000 nay phát triển chậm so với nhiều nước Ðông – Nam Á.
Ðể có nội lực, để phát huy nội lực, thì điều cơ bản và quan trọng hàng đầu là tổ chức sản xuất, đẩy mạnh sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm vật chất đáp ứng nhu cầu của sản xuất và nhu cầu của tiêu dùng. Bằng cách đó mà tận dụng sức lao động dồi dào và tài nguyên phong phú của nước ta, tạo ra nhiều giá trị mới, thúc đẩy tái sản xuất mở rộng không ngừng, vừa cải thiện đời sống xã hội, vừa là cơ sở tăng thu ngân sách, tăng tích lũy… Lúc đầu giá sản phẩm có thể đắt hơn một chút nhưng hiệu quả kinh tế – xã hội thì thật là to lớn. Như thế, quan điểm cho rằng “trong mở cửa hội nhập quốc tế, cứ hàng rẻ mà mua, việc gì phải sản xuất” là quan điểm sai lầm. Cũng cần lưu ý thêm rằng để tận dụng sức lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, sử dụng được tài nguyên trong điều kiện kinh tế hàng hóa thì cần có tiền để nối các yếu tố đó của sản xuất. Và, trong trường hợp này lạm phát là cần thiết, đây là lạm phát lành mạnh (INFLATION SAINE), lạm phát nhằm phát huy nội lực, lạm phát nhằm đẩy mạnh sản xuất. Một khi sản xuất đã được đẩy mạnh, đã phát triển thì tạo cơ sở tốt cho tăng trưởng kinh tế, cho cải thiện đời sống và tích lũy, cho thu ngân sách, cho khắc phục nợ xấu, do đó là cơ sở tốt, bền vững cho chống lạm phát. Như thế là biện chứng của sự phát triển kinh tế nước ta. Còn chủ trương kiềm chế lạm phát thì cũng cần thiết, phù hợp với yêu cầu tiết kiệm chi, chống lãng phí. Vậy trong quá trình xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ của nước ta vừa có lạm phát lành mạnh, lại vừa có kiềm chế lạm phát không lành mạnh.
ODA là một nguồn vốn quan trọng mà bè bạn quốc tế giúp nước ta phát triển kinh tế. Tuy chúng ta được ưu đãi về lãi suất, song các thế hệ sau vẫn gánh trách nhiệm trả nợ, hơn nữa điều kiện là nước viện trợ phải được trúng thầu và đưa nguyên vật liệu, thiết bị cùng công nghệ vào nước ta, điều đó phần nào hạn chế phát huy nội lực của chúng ta, và cũng có khi tiếp nhận cả công nghệ không thật tiên tiến, ảnh hưởng đến yêu cầu công nghiệp hóa rút ngắn thời gian của nước ta. Vì thế chúng ta cần phải chủ động và sáng suốt lựa chọn. Ngay cả tư bản nước ngoài đầu tư vào ngân hàng và bảo hiểm xã hội là vấn đề vô cùng hệ trọng, đụng chạm vào sinh mệnh của nền kinh tế độc lập tự chủ.
Thứ năm, để có một nền kinh tế độc lập tự chủ thì phải trải qua một quá trình xây dựng, theo đó là tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng một cơ cấu kinh tế hợp lý, hiện đại theo quy luật của tái sản xuất mở rộng không ngừng, vận dụng phù hợp với đặc điểm đất nước và dân tộc Việt Nam. Một cơ cấu kinh tế hợp lý, hiện đại phải là sản phẩm của kế hoạch, quy hoạch chứ không thể tự phát, không thể chỉ chờ vào tác động của các quy luật thị trường. Việc thu hút đầu tư nước ngoài đạt được thành tựu đáng kể, song nhìn chung vẫn mang nặng tính tự phát, phổ biến là bán đất cho chủ đầu tư nước ngoài để họ xây dựng nhà cao tầng, làm đường cao tốc, hình thành những khu công nghiệp lắp ráp, những xí nghiệp khai thác quặng mỏ, những trung tâm thương mại – dịch vụ, tuy góp phần tăng trưởng GDP, song không rõ phát huy nội lực gì. Theo quy luật của tái sản xuất mở rộng không ngừng thì khu vực Ia (tư liệu sản xuất để chế tạo tư liệu sản xuất) phải phát triển nhanh nhất, rồi đến Ib (chế tạo tư liệu sản xuất), và sau cùng là khu vực II (sản xuất tư liệu tiêu dùng hay còn gọi là tư liệu sinh hoạt). Quy luật này hoạt động mạnh mẽ trong nền sản xuất lớn. Một cơ cấu kinh tế hợp lý hiện đại là phải tuân theo quy luật này. Trước năm 1986, bên cạnh ưu điểm, thì chúng ta cũng mắc phải khuyết điểm lớn trong xây dựng cơ cấu kinh tế, như vốn ít nhưng rải rộng khắp nơi, khắp các lĩnh vực, chưa coi trọng đầy đủ vấn đề cấp bách là lương thực và hàng tiêu dùng. Từ khi bước vào thời kỳ đổi mới, chúng ta sửa chữa khuyết điểm này, và trong những năm 1991-1996 nền kinh tế đã phát triển vượt bậc, tốc độ trung bình hằng năm trên 9%, lương thực đủ ăn lại còn xuất khẩu được nhiều hàng tiêu dùng phong phú, bắt đầu có tích lũy từ nội bộ nền kinh tế quốc dân, nghĩa là đã tạo được những tiền đề cần thiết để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã gần 20 năm, mà cả khu vực Ia, Ib, đều rất yếu (ngoại trừ điện lực và một số thép xây dựng nhà ở, cầu đường). Ðặc biệt, ngành cơ khí, bao gồm cả cơ khí chế tạo máy, cơ khí điện tử, cơ khí chính xác đều kém, thậm chí Nhà máy cơ khí quy mô lớn nhất Ðông – Nam Á trước đây, nay bị xóa bỏ. Nhiều nông dân, công nhân vẫn còn lao động thủ công vất vả, cực nhọc, năng suất thấp. Dù có công nghệ phần mềm, có kinh tế tri thức, thì phần mềm đó, phần tri thức đó, cũng vẫn phải được vật chất hóa, được tác động thông qua phần cứng, cho nên cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy công nghiệp nặng, trong đó có công nghiệp cơ khí là quan trọng hàng đầu trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì thế, cương lĩnh của Ðảng (bổ sung phát triển năm 2011) ghi “coi trọng phát triển các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo có tính nền tảng và các ngành công nghiệp có lợi thế…” là rất đúng đắn.
Một vấn đề quan trọng khác, đó là giữ vững và phát huy thành quả của sản xuất nông nghiệp. Do điều kiện cụ thể của nước ta, trong mọi tình huống, không có nông nghiệp phát triển thì đừng nói đến công nghiệp, đừng nói đến nền kinh tế độc lập tự chủ. Sản xuất nông nghiệp, đặc biệt lương thực và thực phẩm luôn luôn là vấn đề chiến lược đối với loài người, đối với nhiều dân tộc, nhiều quốc gia. Và, đối với nước ta, trong tương lai không gần lắm, nông nghiệp vẫn là công ăn việc làm trực tiếp của bộ phận không nhỏ trong dân cư. Hơn nữa lại có những thách thức mới, đòi hỏi chúng ta có ý thức thường trực và phương án quyết liệt đối phó với những biến đổi khí hậu và những biến đổi bất lợi khác tác hại đến nông nghiệp nước ta.
Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ là một thử thách lớn trong bối cảnh mở cửa, hội nhập quốc tế, trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, thị trường thế giới là một thể thống nhất, trong bối cảnh xuất hiện chủ nghĩa thực dân kinh tế thông qua xuất khẩu tư bản thừa (tương đối), lại đứng trước cả yêu cầu quốc phòng gay gắt. Ðây là cuộc phấn đấu gian nan, đòi hỏi phải có ý thức chính trị đúng đắn, trình độ hiểu biết các quy luật kinh tế sâu sắc để có những chính sách, biện pháp tổ chức quản lý và bước đi khôn ngoan. Sau gần 30 năm, thực hiện ba chiến lược mười năm phát triển kinh tế – xã hội, đã đến lúc nên nhìn lại thật nghiêm túc công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ của nước nhà.
Theo nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()