Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo Đề án 30 đã đem lại những lợi ích to lớn về kinh tế và thời gian cho người dân và các cơ quan chức năng. Trong quá trình thực hiện, nhiều bộ, ngành, địa phương đã tìm ra những cách làm mới, mang lại hiệu quả cao, mà trước hết bắt đầu từ thay đổi nhận thức.Coi người dân là đối tượng được phục vụÔng Hoàng Văn Sông, từ huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng xuống UBND tỉnh, cách nơi ông ở hơn 100 km để làm thủ tục thành lập Công ty cổ phần kinh doanh khai thác đất đá, cát sỏi và sản xuất vật liệu xây dựng. Trước đây, để có giấy phép đầu tư, ông Sông phải 'nằm' ở tỉnh gần một tháng và gõ cửa hơn mười cơ quan từ tỉnh đến huyện, nhưng nay ông chỉ cần đến Văn phòng 'một cửa liên thông' của UBND tỉnh đặt tại Sở Kế hoạch - Đầu tư để nộp hồ sơ, được tư vấn, hướng dẫn và nhận giấy hẹn. Với cách làm này, ông Sông không phải đi lại nhiều lần mà dự án...
Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo Đề án 30 đã đem lại những lợi ích to lớn về kinh tế và thời gian cho người dân và các cơ quan chức năng. Trong quá trình thực hiện, nhiều bộ, ngành, địa phương đã tìm ra những cách làm mới, mang lại hiệu quả cao, mà trước hết bắt đầu từ thay đổi nhận thức.
Coi người dân là đối tượng được phục vụ
Ông Hoàng Văn Sông, từ huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng xuống UBND tỉnh, cách nơi ông ở hơn 100 km để làm thủ tục thành lập Công ty cổ phần kinh doanh khai thác đất đá, cát sỏi và sản xuất vật liệu xây dựng. Trước đây, để có giấy phép đầu tư, ông Sông phải 'nằm' ở tỉnh gần một tháng và gõ cửa hơn mười cơ quan từ tỉnh đến huyện, nhưng nay ông chỉ cần đến Văn phòng 'một cửa liên thông' của UBND tỉnh đặt tại Sở Kế hoạch – Đầu tư để nộp hồ sơ, được tư vấn, hướng dẫn và nhận giấy hẹn. Với cách làm này, ông Sông không phải đi lại nhiều lần mà dự án vẫn được chấp thuận sớm hơn quy định mười ngày. Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp đã được giải quyết thủ tục hành chính thuận lợi tại bộ phận 'một cửa', 'một cửa liên thông' của tỉnh Cao Bằng thời gian qua. Theo đồng chí Vương Văn Diễn, Trưởng phòng kiểm soát TTHC thuộc Văn phòng UBND tỉnh, qua thời gian thực hiện, mô hình Văn phòng 'một cửa liên thông' đã tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho các tổ chức, cá nhân đến giải quyết công việc, nhất là từng bước đẩy lùi tệ tiêu cực, nhũng nhiễu của một bộ phận công chức khi giải quyết TTHC.
Mô hình 'một cửa liên thông' của tỉnh Cao Bằng cũng là 'điểm nhấn' trong cải cách TTHC của các địa phương trên cả nước. Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, đến nay hầu hết các sở, quận, huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều triển khai 'một cửa' và 'một cửa liên thông'. Từ mô hình này, ngày càng có nhiều cách làm sáng tạo, đầu tư phương tiện hiện đại để từng bước nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính. Tại các bộ, ngành T.Ư, công tác cải cách TTHC được coi là khâu đột phá trong việc xây dựng bộ máy quản lý hành chính. Ngành Hải quan là một trong những ngành có số lượng TTHC nhiều nhất. Cùng với sự phát triển chung, giờ đây với việc áp dụng kê khai hải quan điện tử đã giúp thời gian làm thủ tục xuất, nhập khẩu giảm từ hai ngày xuống còn 30 phút. Việc rút ngắn thời gian thực hiện TTHC trong ngành Hải quan đã tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho cá nhân và tổ chức khi làm thủ tục xuất, nhập khẩu. Ngành Hải quan đang khẩn trương triển khai để áp dụng thông quan điện tử tại tất cả các cửa khẩu trong thời gian tới. Mới đây ngành Hải quan ra 'tuyên ngôn phục vụ khách hàng', coi cá nhân, tổ chức có nhu cầu thực hiện thủ tục hải quan là khách hàng, là đối tượng được phục vụ và công chức Hải quan thật sự là công bộc của dân.
Mô hình “một cửa liên thông” góp phần đẩy nhanh thời gian thực hiện thủ tục hành chính.
Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện đơn giản hóa gần 5.000 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của 24 bộ, ngành. Sau khi các phương án đơn giản hóa TTHC được thực thi đã cắt giảm hơn 37% chi phí tuân thủ TTHC cho người dân và doanh nghiệp, tương đương 30.000 tỷ đồng mỗi năm. Còn tại các địa phương, thông qua công tác cải cách TTHC đã thu gọn từ 10.000 bộ thủ tục cấp xã, 700 thủ tục cấp huyện xuống còn 63 bộ thủ tục cấp xã và 63 bộ thủ tục cấp huyện để thống nhất thực hiện. Công tác cải cách TTHC thời gian qua không chỉ mang lại lợi ích to lớn cho người dân và xã hội mà còn tạo sự tin cậy đối với các nhà đầu tư quốc tế về môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới công bố tháng 11-2010 cho biết, thông qua hoạt động cải cách đã đưa Việt Nam vào nhóm mười nền kinh tế có nhiều sự cải thiện môi trường kinh doanh nhất và tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng các nền kinh tế. Còn Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD) khi đánh giá về Đề án 30 của Việt Nam đã cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong cải thiện quản trị công, nâng cao chất lượng thể chế, kích thích năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bình đẳng. Chương trình cải cách của Việt Nam có thể được coi là mô hình mẫu cho các quốc gia có thu nhập bình quân đầu người tương tự tham khảo.
Đơn giản hóa TTHC là việc làm thường xuyên, lâu dài
Mặc dù công tác cải cách TTHC mang lại những kết quả tích cực, nhưng trong quá trình thực hiện, nhiều nơi, nhiều lúc còn có hạn chế. Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong thực hiện cải cách TTHC thời gian qua do một bộ phận lãnh đạo, công chức chưa nhận thức đầy đủ, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác cải cách TTHC. Vẫn còn tình trạng lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương chưa dành sự quan tâm cần thiết để chỉ đạo triển khai thực hiện. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu 14 bộ và ba cơ quan ngang bộ nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc thực hiện chưa đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng trong việc tổng hợp danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ trực tiếp thực hiện TTHC không muốn cải tiến quy trình vì sợ mất quyền lợi. Theo kết quả kiểm tra, hiện nay hầu hết các ngành, các cấp đã có bộ phận 'một cửa', nhưng ở một vài địa phương, qua kiểm tra phát hiện một số công việc thuộc lĩnh vực 'nhạy cảm' như đất đai, xây dựng… chưa đưa vào giải quyết ở 'một cửa' mà vẫn giải quyết ở các phòng chuyên môn, gây phiền nhiễu cho người dân, doanh nghiệp khi đến làm thủ tục.
Do vậy, biện pháp quan trọng để đẩy mạnh cải cách TTHC thời gian tới là tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân. Thực hiện đánh giá trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành, các huyện, xã. Nhiều địa phương như Cao Bằng, Bắc Giang, Quảng Ninh đã thực hiện việc luân chuyển cán bộ ở các lĩnh vực đất đai, tài chính với thời gian từ ba tháng đến một năm đã mang lại kết quả tích cực. Cùng với đó, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cũng như nâng cao trình độ cán bộ, công chức cho bộ phận 'một cửa' nhất là ở cấp xã, vùng sâu, vùng xa.
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động của Tổ công tác Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ vừa tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách TTHC và coi đây là việc làm thường xuyên, liên tục và lâu dài, nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho người dân. Cùng với việc cương quyết loại bỏ những TTHC không thật sự cần thiết, các đơn vị phải kiểm soát chặt chẽ ngay từ khi ban hành văn bản pháp luật, tránh phát sinh những TTHC không cần thiết, gây khó khăn cho người dân khi thực hiện. Vừa qua, Cục Kiểm soát TTHC thuộc Văn phòng Chính phủ được thành lập. Cơ quan này sẽ giữ vai trò trung tâm kiểm soát TTHC tại các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi cả nước theo các nhóm tiêu chí nhằm bảo đảm tính cần thiết, hợp lý, hợp pháp và hiệu quả; bảo đảm tính công khai, minh bạch của TTHC tại bốn cấp chính quyền. Đồng thời, chịu trách nhiệm nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực thi TTHC. Cùng với việc thành lập Cục Kiểm soát TTHC ở T.Ư, tại các địa phương sẽ thành lập Phòng kiểm soát TTHC trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, nhằm kiểm soát tận gốc việc ban hành và thực thi TTHC.
Theo Nhandan
Ý kiến ()