Nhận thức đúng về việc chống bạo lực gia đình
Không ít vụ bạo hành trong gia đình xảy ra thời gian qua đã dẫn đến hậu quả thương tâm, gây bức xúc trong xã hội. Bạo lực gia đình cũng được xem là tác nhân chính làm tan vỡ hôn nhân, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, gây những bất ổn trong xã hội.
Khi thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phòng, chống bạo lực gia đình, từ đó nhận diện rõ hơn các hành vi bạo lực gia đình, nhất là bạo lực về tinh thần để có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa.
Tham gia ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) nêu vấn đề, từ thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã xác định có 4 nhóm hình thức bạo hành gia đình về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục. Việc nhận diện được những hình thức bạo hành là rất quan trọng, đây là cơ sở để triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật, bảo vệ người bị bạo hành.
Minh họa: Theo nld.com.vn |
Tuy nhiên, theo đại biểu, thực tế cho thấy, hiện nay mới khảo sát, đo lường được bạo hành về thể chất, còn bạo lực về tinh thần rất khó phát hiện nhưng lại mang hậu quả khó lường. Vì vậy, cần phải có thang đo cũng như phương pháp khảo sát đặc thù của các cơ quan chức năng để nhận diện đúng, rõ hơn các hình thức và hành vi bạo lực gia đình trong thực tế.
Đồng thời, cần thông tin cụ thể đến người dân để chính những thành viên trong gia đình tự bảo vệ mình, tránh trường hợp người bị bạo hành gia đình không biết mình bị bạo hành, dẫn tới việc không thể hoặc gây khó khăn trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm.
Cùng với nhận diện rõ hành vi bạo lực gia đình, việc sửa đổi luật lần này cũng cần chú trọng quy định cụ thể về trách nhiệm và cơ chế phối hợp của các cơ quan, tổ chức liên quan. Đặc thù của công tác phòng, chống bạo lực gia đình đòi hỏi sự phối hợp, trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức. Do vậy, nếu xây dựng được cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả sẽ giúp hỗ trợ xử lý, ngăn chặn kịp thời các hành vi bạo lực gia đình.
Bên cạnh đó, cũng cần quy định rõ các biện pháp xử lý thật cụ thể, phù hợp với người có hành vi bạo lực gia đình. Tránh tình trạng xử lý hời hợt, không tương xứng với vi phạm, dẫn đến người thực hiện hành vi bạo lực gia đình có tâm lý coi thường pháp luật, tiếp tục tái diễn. Cùng với đó, cần coi trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hướng đến nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi. Khi mọi thành viên trong gia đình, rộng hơn là cộng đồng xã hội đều ý thức rõ quyền và nghĩa vụ của mình sẽ là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, phòng ngừa từ sớm với bạo lực gia đình. Đây cũng là điều kiện quan trọng để xây dựng hạnh phúc gia đình, nền tảng để xã hội phát triển bền vững.
Ý kiến ()