Nhận thức của người tiêu dùng Thái Bình về hàng Việt đang được nâng lên
Đánh giá kết quả thực hiện sau 3 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Thái Bình, ông Vũ Đức Hạnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh kiêm Trưởng ban chỉ đạo tỉnh, khẳng định: “Cái được lớn nhất của cuộc vận động là đã tạo được sự chuyển biến, thay đổi cơ bản trong nhận thức và hành vi của người tiêu dùng và người sản xuất về hàng Việt”.
Đánh giá kết quả thực hiện sau 3 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Thái Bình, ông Vũ Đức Hạnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh kiêm Trưởng ban chỉ đạo tỉnh, khẳng định: “Cái được lớn nhất của cuộc vận động là đã tạo được sự chuyển biến, thay đổi cơ bản trong nhận thức và hành vi của người tiêu dùng và người sản xuất về hàng Việt”.
|
Ảnh minh họa (nguồn: vba.com.vn) |
Ông Hạnh cho biết ngay từ khi triển khai, cuộc vận động đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể và sự đồng thuận hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Cuộc vận động đã đi vào cuộc sống và có tác động tích cực đến toàn xã hội.
Theo ông Hạnh, đa số người tiêu dùng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc ưu tiên dùng hàng Việt, mang lại giá trị kinh tế thiết thực cho đất nước, cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, giúp doanh nghiệp có cơ hội phát huy thế mạnh trong sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hóa, mở rộng thị trường nội địa, từ đó thay đổi hành vi trong mua sắm và dùng hàng Việt.
Mặt khác, các doanh nghiệp đã ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình với người tiêu dùng, nhận ra được tiềm năng của thị trường nội địa, do đó có nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại nhằm tạo ra nhiều dòng sản phẩm mới chất lượng ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế thị trường.
Hiện tại, ở các siêu thị trên địa bàn tỉnh, tỷ trọng hàng Việt Nam chiếm đến 95% và đã trở thành kênh phân phối vô cùng hữu hiệu, tạo thói quen cho người tiêu dùng mua sản phẩm Việt. Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng hàng hoá về nông thôn là địa bàn của hàng Trung Quốc giá rẻ, thời gian qua, các doanh nghiệp đã phối hợp tổ chức các hội chợ giới thiệu hàng Việt, đưa hàng Việt về nông thôn, bán cho công nhân tại các khu công nghiệp.
Để có được kết quả trên, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, mục đích, nội dung cuộc vận động đã được chú trọng. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động đã làm chuyển biến nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các cơ quan khối Nhà nước và các tầng lớp nhân dân khi trang bị, mua sắm tài sản công, đã ưu tiên lựa chọn những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ là hàng Việt Nam; người tiêu dùng ngày càng ý nghĩa hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm hàng nội địa khi mua sắm sinh hoạt gia đình. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc, quyết liệt để ngăn chặn, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng … qua đó tạo được tâm lý cho người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt.
Mặt khác, công tác kiểm tra chất lượng, giá cả sản phẩm, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu hàng giả, gian lận thương mại, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, vi phạm quy định về nhãn hiệu hàng hóa cũng đóng vai trò quan trọng. Các lực lượng chức năng đã thực hiện kiểm tra 3.138 vụ; xử lý 3.492 vụ; số tiền thu phạt hành chính là 5 tỷ 474 triệu đồng; chủ động kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh trên thị trường, xử lý hàng nghìn vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng về đo lường, sử dụng phụ gia có chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Qua đó tạo niềm tin, là chỗ dựa để người tiêu dùng tin tưởng.
Theo ông Hạnh, thời gian tới, để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phát huy được hiệu quả cao, trước hết, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin thị trường; Thường xuyên tổ chức các hoạt động đối thoại với các doanh nghiệp, nắm tình hình và kịp thời phát hiện những vướng mắc khó khăn trong sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, đưa hàng hóa mang thương hiệu Việt đến tận tay người tiêu dùng ở các khu dân cư, thôn, làng, các xã cách xa trung tâm, góp phần đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng; Gắn kết cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và chương trình xây dựng Nông thôn mới.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()