Nhân thêm nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả
(LSO) – Để thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, trong những năm qua, các cấp, ngành tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo, trong đó chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả.
Thực hiện dự án mô hình giảm nghèo, năm 2018, UBND xã Quảng Lạc đã đề xuất thực hiện dự án “Phát triển nuôi bò sinh sản” trên địa bàn. Tháng 9/2019, UBND thành phố Lạng Sơn đã phê duyệt mô hình chăn nuôi bò sinh sản tập trung tại Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp An Sơn, xã Quảng Lạc, các thành viên của HTX gồm 11 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo. Quy mô dự án có 36 con bò cái sinh sản, tổng kinh phí thực hiện dự án trên 1,35 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ bò giống trị giá gần 513 triệu đồng, HTX và Nhân dân đối ứng 84 triệu đồng. Các hộ nghèo, hộ cận nghèo viết đơn, ký cam kết tham gia dự án.
Người dân thôn Trung Thượng, xã Hoà Bình, huyện Văn Quan chăm sóc rừng keo. Ảnh: KIM HUYÊN
Bà Nông Thị Thùy Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn cho biết: Mục tiêu của dự án là xây dựng mô hình sản xuất kinh tế có hiệu quả, thông qua việc hỗ trợ vốn nhằm giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia dự án có kế hoạch, phương án phát triển kinh tế hộ, biết sử dụng vốn có hiệu quả, đạt năng suất, có lợi nhuận, tạo thu nhập cho gia đình, cải thiện cuộc sống từng bước thoát nghèo bền vững. Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, HTX đã có 30 con bò sinh trưởng phát triển tốt. Cùng với dự án này, từ năm 2016 đến nay, cấp ủy, chính quyền xã đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo theo chương trình mục tiêu quốc gia. Qua đó góp phần giảm nghèo trên địa bàn, năm 2016, xã có 3,1% hộ nghèo, đến nay chỉ còn 1,07%.
Tương tự, tại xã Minh Hiệp (sáp nhập từ xã Minh Phát và xã Hiệp Hạ), huyện Lộc Bình trong năm 2018 đã có mô hình giảm nghèo nhờ chăn nuôi ngựa. Cụ thể, UBND xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện mở lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi ngựa cho 34 hộ tham gia dự án và bí thư chi bộ, trưởng thôn. Cùng với đó, UBND xã đã liên hệ một số nơi cung cấp ngựa giống để các hộ tham gia dự án có địa chỉ tin cậy mua giống ngựa tốt, đảm bảo yêu cầu của dự án. Tổng kinh phí dự án là 468 triệu đồng. Sau 2 năm triển khai thực hiện, trong tổng số 34 con ngựa giống đã sinh sản được 8 con ngựa con, tạo đà tăng trưởng kinh tế cho các hộ gia đình tham gia. Trong 34 hộ tham gia mô hình chăn nuôi ngựa, đến nay đã có 15 hộ thoát nghèo, 7 hộ thoát cận nghèo.
Bà Hoàng Thị Tàu, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hiệp, huyện Lộc Bình cho biết: Mô hình giảm nghèo nhờ chăn nuôi ngựa thực hiện trên địa bàn được các hộ hưởng ứng vì ngựa là giống khoẻ mạnh, ít ốm đau, có sức chống chịu thời tiết tốt khi chăn thả, phù hợp với điều kiện khí hậu, địa hình của xã. Mô hình có 22 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo, 2 hộ mới thoát nghèo tham gia. Từ nguồn kinh phí mô hình, các hộ nghèo/cận nghèo/mới thoát nghèo tham gia vào mô hình đã được hỗ trợ với các mức tối đa không quá 15 triệu đồng/12 triệu đồng/9 triệu đồng.
Trên đây chỉ là hai trong rất nhiều dự án, mô hình giảm nghèo thuộc tiểu dự án 2 và dự án 3 của Chương trình 135 thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 thực hiện tại Lạng Sơn. Trong đó, tiểu dự án 2 tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản ĐBKK của tỉnh.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, tiểu dự án 2 được phân bổ kinh phí gần 140 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Hiện nay, kinh phí thực hiện đã đạt 99,46%. Việc hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, phân bón đã thúc đẩy phát triển sản xuất, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân, cải thiện bộ mặt nông thôn miền núi, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Các hợp phần dự án của chương trình đều được thực hiện từ cơ sở đảm bảo công khai và được sự đồng thuận của Nhân dân. Việc lựa chọn danh mục hỗ trợ đảm bảo sự bàn bạc, thảo luận, thống nhất và đề xuất theo nhu cầu thực tế phù hợp với đặc thù của địa phương.
Dự án 3 tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135. Trong đó, kinh phí hỗ trợ sản xuất đa dạng hóa sinh kế là 2.180 triệu đồng. Trong giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã thực hiện 6 dự án cho 227 hộ thụ hưởng, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiếp thu và áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, quy mô sản xuất được mở rộng, dịch vụ phục vụ sản xuất được chú trọng và phát triển. Kinh phí nhân rộng mô hình giảm nghèo là 3.681 triệu đồng. Từ nguồn này, toàn tỉnh đã xây dựng 11 mô hình, hỗ trợ 54 con bò, 19 con trâu, 252 con dê, 15 con lợn và hỗ trợ cho 29 hộ dân trồng dứa… Các dự án đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo phát triển kinh tế sản xuất hàng hoá, giảm nghèo nhanh và bền vững.
Bước vào giai đoạn 2021 – 2025, Lạng Sơn vẫn xác định triển khai đồng bộ các giải pháp, ưu tiên nguồn lực cho công tác giảm nghèo, nhất là khi thực hiện chuẩn nghèo giai đoạn mới. Một trong những giải pháp đó chính là tiếp tục đánh giá, nhân rộng, tăng thêm nguồn vốn đối với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; tập trung vào hỗ trợ hộ nghèo và hộ cận nghèo, hướng tới giảm nghèo nhanh và bền vững.
“Trong giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã tập trung các điều kiện, nguồn lực để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo từ 25,95% năm 2016 đã giảm xuống còn 10,89% vào năm 2019 và ước năm 2020 giảm xuống còn 7,89%, trung bình mỗi năm giảm 3,61%. Thông qua việc hỗ trợ các mô hình giảm nghèo hiệu quả sẽ tạo cho hộ nghèo có thói quen phải tư duy, chủ động lao động, sản xuất trên chính nguồn tài chính của mình, biết tính chi phí chi tiêu, tiết kiệm, bán sản phẩm từ sức lao động chính mình tạo ra thu nhập, tự vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại vào các chính sách của Nhà nước”. Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh |
Ý kiến ()