Nhân rộng những tấm gương
LSO-Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, những năm qua, Liên đoàn Lao động tỉnh (LĐLĐ) đã chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh phát động phong trào thi đua yêu nước đến đội ngũ công nhân, viên chức và người lao động (CNVCLĐ). Qua các phong trào thi đua đã phát hiện, biểu dương và nhân rộng nhiều tấm gương tập thể và cá nhân tiêu biểu xuất sắc.
Đại diện lãnh đạo LĐLĐ tỉnh tặng Bằng khen cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào sản xuất, kinh doanh năm 2014 |
Ông Lô Tiến Sơn, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Xác định việc phát hiện và nhân rộng những tấm gương điển hình là góp phần vào thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, ngay từ đầu năm, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các LĐLĐ huyện, thành phố và công đoàn ngành phát động các phong trào thi đua sâu rộng tới CNVCLĐ. Trong đó chú trọng phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” với mục tiêu năng suất, chất lượng, hiệu quả. Theo đó, các phong trào trọng tâm và xuyên suốt được triển khai tới 1.400 công đoàn cơ sở và gần 42.000 CNVCLĐ trên toàn tỉnh. Đặc biệt, các cấp công đoàn đã áp dụng tình hình thực tế của từng ngành nghề, từng địa phương để thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua. Cụ thể: triển khai phong trào “Lạng Sơn cùng cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” tại Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Y tế, Giáo dục; tổ chức mô hình điểm về phong trào “Xanh – Sạch – Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” tại Công đoàn ngành Công thương, Y tế; xây dựng mô hình điểm về quy chế thực hiện dân chủ cơ sở tại Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công đoàn Viên chức, LĐLĐ thành phố…
Thông qua tuyên truyền đã thu hút sự ủng hộ và hăng hái tham gia của đông đảo đoàn viên công đoàn và CNVCLĐ. Các công đoàn cơ sở đã khắc phục khó khăn, sáng tạo trong lao động, học tập và công tác, đóng góp nhiều sáng kiến, ý tưởng góp phần tăng năng suất và hiệu quả công việc. Bà Văn Kim Oanh, Chủ tịch CĐCS Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật chia sẻ: mỗi năm, CĐCS có từ 20 – 30 lượt đoàn viên tham gia đóng góp sáng kiến kinh nghiệm phục vụ cho công tác giảng dạy. Việc áp dụng các sáng kiến ý tưởng đã giúp nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các đoàn viên. Cùng với CĐCS Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật, tính riêng trong năm 2014, toàn tỉnh có gần 590 CĐCS có đóng góp sáng kiến, ý tưởng, chiếm 42%; trong đó có 1 công trình khoa học và 194 sáng kiến được công nhận, góp phần làm lợi cho nhà nước hàng tỷ đồng.
Ông Hà Văn Huân, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Cao Lộc cho biết: trên địa bàn huyện có trên 160 doanh nghiệp, vì vậy LĐLĐ huyện đã chú trọng triển khai các phong trào thi đua tới CĐCS khu vực ngoài nhà nước. Điển hình là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đã phát huy tính tự chủ, năng động của người lao động, nhiều cải tiến kỹ thuật được áp dụng góp phần thúc đẩy năng suất kinh doanh của doanh nghiệp. Đã nhiều năm làm việc tại Công ty TNHH Bảo Long, chị Vũ Thị Xuân, đoàn viên CĐCS liên tục đóng góp các sáng kiến ý tưởng giúp Công ty cải tiến máy móc, thiết bị làm việc. Đồng thời, nhiều kinh nghiệm làm việc hiệu quả được chị Xuân đúc rút đã chia sẻ tới đông đảo người lao động trong công ty, nhờ vậy hiệu quả công việc ngày một nâng cao. Tại lễ phát động “Tháng Công nhân” năm 2015, chị Xuân vinh dự được LĐLĐ tỉnh tặng bằng khen có thành tích trong sản xuất, kinh doanh.
Có thể thấy, các phong trào thi đua đã khơi dậy ý thức trách nhiệm, phát huy trí tuệ và nâng cao trình độ mọi mặt của CNVCLĐ, giúp thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Kết quả năm 2014, toàn tỉnh có trên 1.200 CNVCLĐ được nhận bằng khen của UBND tỉnh, các bộ, ngành Trung ương; 20 đoàn viên được tặng huân chương các loại; 7 đoàn viên được tổng LĐLĐ Việt Nam tặng bằng khen; gần 1.900 cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”.
KHÁNH TRANG
Ý kiến ()