Nhân rộng những nét đẹp văn hoá qua các lễ hội
LSO-Tính đến ngày 10/3/2015, trên khắp các xã, phường của Xứ Lạng đã tổ chức hàng chục lễ hội khác nhau. Các lễ hội đều tổ chức nhiều hoạt động vui chơi hấp dẫn tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với du khách.
Trò chơi đánh đu 2 người tiềm ẩn nguy cơ tai nạn |
Lạng Sơn là tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng; nhiều điểm di tích văn hoá, di tích lịch sử được quốc gia xếp hạng. Mùa xuân đến, trên khắp mọi vùng quê của tỉnh có khoảng 300 lễ hội khác nhau. Nhằm quảng bá được sâu đậm hình ảnh, tiềm năng văn hoá – du lịch của Lạng Sơn và thực hiện mục tiêu đón 2,5 triệu lượt khách du lịch, ngay từ đầu năm 2015, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng và các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo tốt các hoạt động lễ hội đầu Xuân Ất Mùi.
Với chủ đề “Xứ Lạng điểm hẹn mùa xuân”, trong suốt 20 ngày đầu của tháng Giêng, từ ngày 21/2 (tức mùng 3 tết Ất Mùi) đến ngày 10/3/2015, trên khắp địa bàn các xã, phường, thị trấn của tỉnh đã diễn ra hàng chục lễ hội lớn, nhỏ. Điển hình một số lễ hội tổ chức trong tháng Giêng như: lễ hội xã Tô Hiệu (Bình Gia), lễ hội Đền Mẫu Đồng Đăng (Cao Lộc), lễ hội Bủng Kham (Tràng Định), lễ hội xuống đồng xã Quỳnh Sơn (Bắc Sơn), lễ hội Dinh Chùa (Lộc Bình), lễ hội hát sli xã Tân Thành (Hữu Lũng)… Đi lễ hội đầu năm, mọi người ai cũng phấn khởi với ước nguyện an lành- thịnh vượng; đồng thời, tham gia các hoạt động văn hoá- thể thao, thưởng thức hương vị ẩm thực của dân tộc và hoà mình vào các trò chơi dân gian.
Đối với cấp tỉnh, Lễ hội Xuân Ất Mùi được tổ chức khai mạc vào tối 15 tháng Giêng. Buổi lễ tổ chức với quy mô hoành tráng, gây được ấn tượng tốt đẹp với người xem, thu hút đông đảo các đại biểu đến dự. Lễ khai mạc là một hoạt động nhằm xúc tiến quảng bá hoạt động du lịch của tỉnh.
Theo đánh giá của ngành chức năng, trong dịp tết, lượng khách đến với Lạng Sơn tăng đáng kể so với cùng kỳ. Điểm nhấn của lễ hội năm nay, các huyện và thành phố không tổ chức lễ hội tràn lan; mà thay vào đó là mỗi huyện chỉ chọn một lễ hội làm điểm chỉ đạo. UBND các xã, thị trấn và phường đã phối hợp với Ban quản lý lễ hội, Ban quản lý di tích để khai mạc lễ hội, tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao và các trò chơi dân gian. Nhằm chấn chỉnh các hoạt động lễ hội đi vào nề nếp, các ban tổ chức lễ hội đã quán triệt Thông tư 04/2011 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Kế hoạch số 57/KH-UBND tỉnh về tổ chức các hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo đảm vệ sinh môi trường, bảo vệ và phát huy các giá trị di tích và thực hiện quy định nếp sống mới tại các lễ hội. Các Ban quản lý di tích đã tập trung tuyên truyền quy định của Bộ VHTTDL; tình trạng thắp hương tràn lan trong đền, chùa, đốt vàng mã với số lượng nhiều, đút tiền mệnh giá nhỏ vào miệng, tai, tay các tượng gây phản cảm trong du khách đã giảm đáng kể. Các hoạt động mê tín, dị đoan, rút quẻ, xem bói, trò chơi dưới hình thức đánh bạc ăn tiền hầu như không xuất hiện. Hiện tượng ăn xin, ăn mày được ngăn chặn. Tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông và trật tự công cộng đã cơ bản được thực hiện tốt.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh cho biết: Năm nay, lễ hội Xuân Xứ Lạng được các ban quản lý tổ chức khá tốt; có nhiều hoạt động thu hút người xem; những việc làm gây phản cảm cơ bản không còn xuất hiện.
Bên cạnh những mặt tích cực, trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội vẫn còn một số nơi chưa thực sự tổ chức các hoạt động lễ hội đúng quy định của Nhà nước. Tại một số di tích, lễ hội như: Đền Mẫu, Đền Bắc Lệ và Đền Kỳ Cùng vẫn để xảy ra 8 trường hợp vi phạm quy định đổi tiền mệnh giá nhỏ tại các diểm di tích. Tại Đền Bắc Lệ vẫn còn tình trạng khấn thuê, tình trạng rải tiền tại các ban thờ vẫn phổ biến ở hầu hết các điểm di tích. Tại lễ hội Phố Ngầu (Tân Liên, Cao Lộc) vẫn còn tình trạng bán “đĩa lậu”. Đối với lễ hội “Lồng tồng” xã Quỳnh Sơn (Bắc Sơn), công tác tổ chức lễ hội kéo dài đến 2 ngày, gây lãng phí thời gian và tiền của cho nhân dân. Về hoạt động trò chơi tại lễ hội này, trò chơi đánh đu cần được xem xét lại; bởi đây là một trò chơi mạo hiểm, 2 người cùng đu trên độ cao chừng 5 đến 6 mét mà không có hệ thống dây an toàn.
Rước kiệu tại lễ hội xã Quỳnh Sơn (Bắc Sơn) |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta còn khá nhiều lễ hội được tổ chức đến cuối tháng 4 âm lịch. Thiết nghĩ công tác tổ chức các lễ hội cần được các cấp chính quyền và ngành chức năng tiếp tục quan tâm chỉ đạo để lễ hội Xuân Xứ Lạng 2015 thực sự là hoạt động văn hoá du lịch, hoạt động tâm linh lành mạnh, văn minh, thu hút đông đảo du khách mọi miền Tổ quốc đến tham quan, tìm hiểu về mảnh đất và con người Lạng Sơn trong thời kỳ hội nhập.
MINH TRANG
Ý kiến ()